A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mã số định danh cá nhân và số thẻ Căn cước công dân

Việc bãi bỏ Sổ hộ khẩu là bước đột phá trong việc quản lý dân cư, thay thế phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang quản lý điện tử bằng mã số định danh cá nhân xác lập từ CSDLQG về dân cư. Số định danh cá nhân được ghi trên Giấy khai sinh và thẻ Căn cước công dân để phục vụ công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Số định danh cá nhân được sinh ra sau khi thông tin về công dân được thu thập vào hệ thống một cách đồng bộ, thống nhất. Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin công dân trong CSDLQG về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc cấp cho công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Số định danh cá nhân có vai trò quan trọng trong việc kết nối, liên thông giữa CSDLQG về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó hệ thống quản lý dân cư là hệ thống thông tin chủ đạo kết nối với các hệ thống thông tin chuyên ngành khác của bộ, ngành thông qua mã số định danh cá nhân.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, công dân có quyền được đảm bảo bí mật cá nhân, gia đình và trách nhiệm của cơ quan quản lý phải đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cá nhân trong CSDLQG về dân cư. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai, đầu tư xây dựng, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế xây dựng hạ tầng, đường truyền riêng thông suốt từ Trung ương đến địa phương, có phương án để kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành liên quan. Hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp như: Chia vùng phần cứng và phần mềm chuyên dụng, bảo mật đường truyền, mã hóa dữ liệu thông tin kết hợp với quản lý người dùng. Vì vậy, đảm bảo thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối.

Việc quản lý, sử dụng thông tin cá nhân của công dân được thực hiện theo đúng quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của pháp luật. Việc sử dụng thông tin của công dân đều phải được sự đồng ý của chủ thể thông tin trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có người khai thác, lợi dụng thông tin cá nhân của công dân trong CSDLQG về dân cư không đúng quy định vào những việc không tốt thì tùy vào mức độ vi phạm bị xử phạt theo các hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật (xử phạt hành chính, nặng hơn là truy tố hình sự).

z2422592331185_beb249c696554aa710985336fffb3e1c.jpg

Tiến hành cấp Căn cước công dân nhằm đặt nền tảng công dân số cho người dân

Mã số định danh cá nhân được hiểu như thế nào? Sau đây, tác giả sẽ khái quát một số vấn đề như sau:

(1) Cấu trúc và ý nghĩa mã số định danh cá nhân

Mã số định danh cá nhân cũng chính là số thẻ Căn cước công dân. Theo đó, mã số định danh gắn liền với cá nhân từ khi sinh ra cho đến khi cá nhân chết, không thay đổi và không trùng lặp với số định danh người khác. Mã số định danh cá nhân được xác lập từ CSDLQG về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân.

Là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

– Thứ tự cụ thể của mã số định danh cá nhân:

+ 3 số đầu là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân đăng ký khai sinh, hoặc mã các quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.

+ 3 số kế tiếp là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, và mã năm sinh.

+ 6 số còn lại là các số ngẫu nhiên.

– Các mã số định danh cá nhân được bảo mật hoàn toàn.

Theo Điều 16 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, khi phát hiện số định danh cá nhân đã cấp có sai sót do nhập sai thông tin về công dân, thủ trưởng cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư Bộ Công an ra quyết định hủy số định danh cá nhân đó và cấp lại số định danh cá nhân khác cho công dân.

Đồng thời, cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư tổ chức thực hiện việc điều chỉnh số định danh cá nhân và thông tin về công dân trong CSDLQG về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD và các hồ sơ, tàng thư liên quan.

Cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư có trách nhiệm thông báo cho công dân và cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch về việc hủy, cấp lại số định danh cá nhân của công dân để làm thủ tục điều chỉnh giấy tờ, dữ liệu hộ tịch có liên quan; cấp giấy xác nhận về việc hủy và cấp lại số định danh cá nhân theo yêu cầu của công dân, cơ quan, tổ chức.

Vì vậy, trường hợp công dân đã có số định danh cá nhân mà được thay đổi, điều chỉnh thông tin về nơi đăng ký khai sinh, xác định lại giới tính và cải chính năm sinh thì cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân sau khi công dân đó đã thực hiện việc đăng ký hộ tịch liên quan đến thông tin công dân theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch.

z2480613331104_5ac49d176b2e561f142279a71a790c32.jpg

“Đi từng nhà, rà từng ngõ” để vận động người dân đổi thẻ CCCD gắn chíp điện tử

(2) Đối tượng nào được cấp mã số định danh cá nhân?

Công dân được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an cấp mã số định danh khi:

– Đăng ký khai sinh

– Khi làm căn cước công dân với trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký  thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân (ví dụ người đang sử dụng CMND 9 số).

(3) Trình tự thủ tục cấp mã số định danh cá nhân

– Cấp mã số định danh đối với công dân đăng ký khai sinh:

+ Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch (Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật).

+ Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch và cấp số định danh cá nhân.

– Cấp mã số định danh đối với công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú:

+ Công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân theo quy định thì khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, sẽ được cơ quan quản lý căn cước công dân thu thập thông tin dân cư.

+ Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an kiểm tra thông tin của công dân, cấp và chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân.

(4) Hủy số định danh cá nhân

Trường hợp số định danh cá nhân đã cấp có sai sót do nhập sai thông tin về công dân, thủ trưởng cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư Bộ Công an ra quyết định hủy số định danh cá nhân đó và cấp lại số định danh cá nhân khác cho công dân.

Nguyễn Thị Tâm