A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cẩn thận khi mua kính mắt “hàng xịn, giá mềm”

 

Dọc theo các tuyến đường trong thành phố cũng như trên những con đường ngoại ô dẫn vào thành phố, nơi không khí luôn đặc quánh bởi bụi, ta có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc kính thời trang bắt mắt chỉ từ 20 đến 50 nghìn đồng mang phong cách “thời thượng”. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những chiếc kính “giá mềm” này đang ẩn chứa những tác hại khôn lường cho đôi mắt.

 

Description: C:UsershhhhDownloads30657138_1276539922490922_5428771012114120704_n.jpg

Bảng hiệu bán mắt kính vỉa hè trên đoạn đường chính của thành phố


Chỉ với một chiếc tủ, một cái giá đỡ di động hay một tấm bạt, những người bán kính mắt vỉa hè chẳng phải bỏ ra chi phí gì nhưng vẫn bán được hàng bởi giá thành rẻ và nắm được nhu cầu của người đi đường. Người đi đường có thể mua cho mình một cái kính lúc nào mà họ cần. Kính được bày bán la liệt vô tội vạ ngay trên vỉa hè, đặc biệt là trên tuyến đường quốc lộ 14, nơi xe cộ lưu thông đông đúc hàng ngày trên địa bàn tỉnh.

Vỉa hè là lựa chọn của không ít người vì mua hàng ở đây vừa tiện, rẻ, lại nhanh chóng. Điều đáng nói, hầu hết các loại kính vỉa hè đều không ghi nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, chủ yếu là làm bằng chất liệu nhựa tái sinh gây hiểm họa khôn lường đến đôi mắt.

Đối tượng khách mua hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động có thu nhập thấp. Thường những người mua hàng chỉ chọn kiểu dáng, mẫu mã, đeo vào soi gương thấy hợp là mua mà không quan tâm nhiều đến chất lượng, tác hại của những chiếc kính đó. Mặt khác, chính vì sự bắt mắt từ mẫu mã, kiểu dáng cũng như tên các thương hiệu nổi tiếng được gắn trên những chiếc kính đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Hàng ngày, không khó để bắt gặp những sạp kính vỉa hè được bày bán tràn lan khắp nơi trên các tuyến đường như Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong,… và đáng chú ý hơn là các giá đỡ di động mà những người bán hàng rong vẫn đeo bên mình đi dọc hết các tuyến đường trong thành phố. Chúng tôi gặp những điểm bán mắt kính được quảng cáo, mời chào là “hàng xịn” nhưng giá lại rẻ đến kinh ngạc. Các loại kính vỉa hè có giá rẻ hơn rất nhiều so với giá của những chiếc kính được bán trong các cửa hàng kính thuốc, kính mắt lớn. Trung bình một chiếc kính thời trang, chống bụi, râm mát có giá dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng. Những chiếc kính này được gắn mác, “làm nhái” các thương hiệu nổi tiếng như: Dior, Carera, Gucci, Rayban, Police,… Trong khi giá của các loại kính mang các nhãn mác này được bán trong các hiệu kính có uy tín có giá từ 200.000 – 500.000 đồng.

Vì kính là mặt hàng liên quan đến sức khỏe nên theo quy định, người bán kính phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định, nơi bán phải có các dụng cụ kỹ thuật đo mắt để khám mắt và tư vấn về kính đúng cho người sử dụng. Nhưng hiện nay trên thực tế, việc buôn bán kính mắt diễn ra tràn lan, bất cứ ai cũng có thể bán kính. Người bán thì vẫn niềm nở bán mà người mua thì cũng đổ xô mua, dẫu biết phần đa họ chỉ mua dùng tạm thời, thế nhưng dù tạm thời hay lâu dài thì từ những chiếc kính “giá mềm” ấy lại gây ra hậu quả khó lường.

 

Description: C:UsershhhhDownloads30656200_1276539952490919_6145686046924341248_n.jpg

Những sạp kính, giá đỡ di động bày bán kính trên vỉa hè


Khi chúng tôi đeo thử chiếc kính gắn mác Rayban màu sẫm tối, cảm giác đầu tiên là khó chịu và hơi mỏi mắt, tiếp đó là cảm giác lâng lâng, khó định hình, thậm chí đeo lâu còn khó xác định phương hướng. Nhiều người vẫn ung dung sử dụng kính vỉa hè như một món đồ trang sức hay vật dụng đeo đi làm hàng ngày do khi mua chỉ chú ý đến kiểu dáng, mẫu mã nhưng lại không lường trước những nguy hại mà kính vỉa hè gây họa, đã vô tình “mua bệnh” cho đôi mắt.

Theo bác sĩ Nguyễn Quỳnh Hoa (Khoa mắt, Bệnh viện Đại học Quốc gia): “Việc sử dụng những loại mắt kính mắt bán vỉa hè chất lượng không tốt sẽ dẫn đến những tác hại khó lường, ảnh hưởng tới thị lực cho người sử dụng. Nếu nhẹ thì bị hoa mắt, chóng mặt, rối loạn thị giác, thị lực giảm, ảnh hưởng đến khúc xạ hình ảnh. Bởi các loại kính này không phù hợp với khúc xạ của mắt và không có khả năng chống tia cực tím vì thế khi đeo vào chỉ gây tác động xấu đến mắt.

Vì vậy, người tiêu dùng đừng vì ham rẻ, tiện lợi mà mua kính mắt vỉa hè. Chúng ta không nên tùy tiện sử dụng kính, kể cả kính râm hoặc kính thời trang, để không bị “tiền mất tật mang”. Tốt nhất, người dùng kính nên đến bệnh viện hay các cửa hàng bán kính uy tín đã được Bộ Y tế cấp phép để đo và khám mắt trước khi mua kính”.

Nếu thường xuyên sử dụng kính mắt kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ gây nguy hiểm và nhiều hệ lụy cho mắt như nhức mỏi mắt khi đeo kính, thị lực giảm, rối loạn thị giác, loạn thị dẫn đến nguy cơ bị tật khúc xạ ở mắt, đặc biệt là đối với trẻ em thì không nên đeo những loại kính này.

Chia sẻ về điều này, anh N.V.D (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cho biết: “Năm ngoái, do đi làm xa, đường lại rất bụi nên tạt vào lề đường mua tạm chiếc kính chống bụi với giá 30 ngàn đồng. Tuy nhiên, sử dụng được nửa tháng thì mắt có hiện tượng mỏi, hình ảnh hay bị nhòe, thậm chí nhiều hôm nước mắt cứ chảy. Ban đầu cứ tưởng mình bị đau mắt nhưng khi đi khám, bác sĩ tra hỏi mới biết tất cả những triệu chứng trên là hậu quả của nửa tháng dùng kính vỉa hè”.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ nhãn khoa: Nếu thường xuyên sử dụng kính mắt kém chất lượng sẽ gây ra tình trạng loạn thị, thị lực giảm, rối loạn thị giác, nguy cơ bị tật khúc xạ. Chính vì những lý do trên, trước khi mua kính, người tiêu dùng phải tới các cửa hàng có uy tín, có máy đo thị lực, bảo hành sản phẩm dài hạn.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Anh, Bệnh viện mắt Trung Ương cho biết: “Bằng cách sử dụng loại kính này, nhiều người đã vô tình mua bệnh cho đôi mắt vốn được coi là tài sản quý báu của mình. Bởi khi đeo loại kính này, khách hàng sẽ không nhận biết ngay được những tác hại của nó nhưng nếu đeo trong một thời gian dài sẽ vô cùng nguy hiểm, đó là nguy cơ bị tật khúc xạ”.

Có thể thấy trên thực tế hiện tượng bày bán kính mắt vỉa hè từ các sạp kính di động vẫn “sống khỏe”, lượng người đi đường mua còn tăng lên trông thấy. Đôi mắt chúng ta vẫn luôn được ví là “cửa sổ tâm hồn”, ấy vậy mà không thể biết mỗi người có đang làm giàu, làm khỏe đôi mắt ấy không, thế mà đôi mắt ấy hàng ngày vẫn đang bị “tra tấn” không thương tiếc chỉ vì ham rẻ, thiếu hiểu biết và coi thường sức khỏe đôi mắt của không ít người trong xã hội. Để đảm bảo được đôi mắt luôn khỏe, luôn duy trì tốt, mỗi cá nhân cần biết tự bảo vệ lấy cho đôi mắt của chính mình, giảm thiểu sự tối đa mà những tác động bên ngoài gây hại, nói “KHÔNG” với kính mắt “vỉa hè”, kính mắt “giá mềm, hàng hiệu”.


Nhật Lệ