A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với nạn bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non

Trẻ em là những chủ nhân tương lai của đất nước, hơn ai hết, đây là đối tượng cần được bảo vệ, được chăm sóc phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới luôn xác định bảo vệ trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; chính bởi vậy nhiều chính sách phát triển trẻ em đã được ban hành để mục vụ cho mục tiêu này. Tuy nhiên, thời gian qua, ở Việt Nam, tình trạng bạo hành trẻ em đã liên tục xảy ra gây nhiều bức xúc trong dư luận quần chúng, đau lòng hơn khi đối tượng thực hiện hành vi bạo hành lại chính là các cô giáo bảo mẫu.

Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, vụ việc xảy ra tại trường Mầm non Mầm xanh (Quận 12, TP.Hồ Chí Minh) thời gian gần đây đã gây phẫn nộ bức xúc rất lớn trong dư luận quần chúng nhân dân. Các giáo viên bảo mẫu đã nhẫn tâm dùng tay chân, vá múc canh, can nhựa, ống nhôm, lược, chổi, cây lau nhà, thậm chí là dao…để hành hạ, đánh đập các bé từ 12 tháng đến 5 tuổi chỉ với nguyên nhân là do các bé hiếu động nên phải đánh để dằn mặt cho các cháu sợ và nghe lời các bảo mẫu. Đáng chú ý, hai bảo mẫu của trường Mầm non này là Phạm Như Quỳnh và Đào không có bằng cấp cũng như chứng chỉ hành nghề dạy dỗ, chăm sóc trẻ mầm non.

Hậu quả của bạo hành trẻ em để lại là rất lớn, không chỉ gây ra những đau đớn về thể xác cho các bé, mà còn gây hoảng loạn tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý phát triến sau này của trẻ, thậm chí còn dẫn đến các bệnh lý về thần kinh ở trẻ nếu nghiêm trọng.Đồng thời, tình trạng này cũng phản ánh sự xuống cấp về đạo đức của một số cá nhân trong xã hội, nhất là trong một bộ phận giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục hiện nay. Điều này dẫn đến tâm lý hoang mang, mất niềm tin của người dân, nhất là đối với công nhân và những người lao động khi chỉ với mức thu thập trung bình, đời sống còn nhiều khó khăn, chỉ tiêu các trường công lập có hạn, họ luôn trong tình trạng lo lắng, thậm chí là không dám cho con đi học khi nạn bạo hành trẻ em tại một số cơ sở giáo dục mầm non vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay.

Bạo hành trẻ em không chỉ vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng đến những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp hàng nghìn đời nay của dân tộc ta. Hành vi này hoàn toàn do ý thức chủ quan của đối tượng thực hiện, do nhận thức về đạo đức, lương tâm của mỗi cá nhân trong đối nhân xử thế giữa con người với con người nên rất khó có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm. Chính vì vậy, vấn đề này đang rất cần sự quan tâm, đấu tranh, lên án của toàn xã hội để tạo làn sóng dư luận nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng bạo hành xảy ra. Công tác giáo dục đạo đức cũng như kỹ năng nghề nghiệp và giải tỏa áp lực tâm lý cho các giáo viên mầm non cần được đẩy mạnh hơn nữa để họ thấy được tính chất nghiêm trọng của hành vi bạo hành trẻ em, có được những kỹ năng cần thiết trong dạy trẻ, giải tỏa áp lực nghề nghiệp nảy sinh, để từ đó không dẫn đến những hành vi tiêu cực. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non, nhất là các cơ sở tư thục, kịp thời phát hiện những vấn đề sai phạm và có hướng xử lý triệt để. Quan trọng hơn hết, các gia đình có con nhỏ đang gửi học tại các trường mầm non, mẫu giáo cần thường xuyên quan tâm chú ý những biểu hiện của trẻ, phát hiện vấn đề bất thường ở trẻ như sợ sệt, có những vết thương bên ngoài có dấu hiệu của bạo hành… thì cần nhanh chóng làm rõ và báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.


Khánh Vi