A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng phục vụ phát triển hạ tầng số tỉnh Kon Tum

Ngày 20 tháng 9 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3148/KH-UBND về phát triển hạ tầng số tỉnh Kon Tum đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện như sau:

Thứ nhất, Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng số an toàn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nghiên cứu giải pháp thu hút vốn đầu tư hợp pháp từ doanh nghiệp, xã hội để phát triển hạ tầng số theo đúng quy định.

Rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời và tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và kinh tế số, xã hội số tỉnh Kon Tum đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh, định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Thứ hai, Phát triển hạ tầng kết nối: Phát triển hạ tầng băng rộng di động (4G/5G...) trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G/3G....); phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, vùng lõm sóng; tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định cáp quang tới hộ gia đình.
Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) đáp ứng được yêu cầu của các lĩnh vực giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị....; Phát triển Hệ thống truy cập Internet không dây công cộng miễn phí (Wifi công cộng) tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trung tâm sinh hoạt, hành chính, trường học, bệnh viện trên địa bàn, đặc biệt phát triển tại các điểm công cộng (khu vực trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng,...) thuộc các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Chuyển đổi toàn bộ mạng lưới, hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6).
Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình viễn thông công ích đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng các nội dung quy định, hướng dẫn hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông tại các vùng sâu, vùng xa.

Tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến.

Thứ ba, Phát triển hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số: Duy trì và đảm bảo kết nối thông suốt mạng truyền số liệu chuyên dùng 04 cấp (từ Trung ương đến cấp xã); sử dụng đồng bộ, tập trung các dịch vụ cung cấp trên mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Phát triển hạ tầng công nghệ số, ưu tiên công nghệ AI, blockchain, IoT, đáp ứng yêu cầu ứng dụng chính phủ số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số.

Triển khai các nền tảng số dùng chung của tỉnh bảo đảm phù hợp, tương thích và có khả năng triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây, như: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; nền tảng họp trực tuyến; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước; nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức; nền tảng Cổng dữ liệu mở; nền tảng dữ liệu không gian dùng chung của tỉnh…
Tiếp tục triển khai nền tảng định danh và xác thực điện tử trên địa bàn tỉnh cho phép xác thực truy cập và cấp quyền tập trung khi tham gia sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số của tỉnh; bảo đảm mỗi người dân có một định danh điện tử trên môi trường mạng.

Triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến theo hướng mở rộng các đối tác, đa dạng hình thức thanh toán và triển khai nhân rộng cho các dịch vụ sự nghiệp công (học phí, viện phí, phí rác thải,...) và các giao dịch dân sự (thương mại điện tử, đấu giá tài sản,...).

Khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu Quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; các nền tảng số Quốc gia dùng chung theo ngành, lĩnh vực do các bộ, ngành Trung ương chủ trì và công bố.

Thứ tư, Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin: Tiếp tục duy trì vận hành, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) đảm bảo đủ năng lực giám sát, điều hành, phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý các vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin.

Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin trên mạng viễn thông và Internet.

Thứ năm, Tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của chuyển đổi từ hạ tầng công nghệ thông tin đơn lẻ sang điện toán đám mây nhằm tăng tỷ lệ sử dụng điện toán đám mây của doanh nghiệp trong nước.

Tuyên truyền, phổ biến những đặc tính, khả năng đáp ứng, cung cấp dịch vụ của hạ tầng băng rộng cố định, băng rộng di động chất lượng cao (5G) để các cá nhân, tổ chức nắm bắt, xác định nhu cầu (về tốc độ, độ trễ, …) theo từng mục đích sử dụng (y tế, giáo dục, thương mại điện tử,…) từ đó đặt hàng các doanh nghiệp hạ tầng số thiết lập cung cấp.

Truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân./.


Tác giả: Thái Ngân