A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo những tháng cuối năm 2023

"Đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở; tập trung tiến hành rà soát, thẩm tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp (đặc biệt là những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm), không để kéo dài gây tác động xấu đến hiệu quả, hiệu lực về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân" là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, 09 tháng đầu năm 2023 Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 1.123 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Trong đó, đơn thư thuộc thẩm quyền phải xem xét, giải quyết là 567 (chiếm tỷ lệ 50,5%), đơn thư không thuộc thẩm quyền giải quyết là 556 (chiếm tỷ lệ 49,5%). Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xem xét giải quyết 549 thuộc thẩm quyền, chiếm tỷ lệ 96,8%.

Đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài... góp phần ổn định an ninh trật tự ở địa phương, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc chấp hành và thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo được quan tâm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót. Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước nói chung, các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng chưa đi vào chiều sâu, nhất là ở cơ sở. Đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn phát sinh tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân. - Tỷ lệ đơn không thuộc thẩm quyền nhận được tại các cơ quan, đơn vị còn cao (chiếm tỷ lệ 50,1% tổng số đơn nhận được).

Do đó, để thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian đến, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội Khóa XIII về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các Quyết định hành chính về đất đai; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh; Công văn số 115/TTg-V.I ngày 20 tháng 01 năm 2020 về việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất, thường xuyên theo quy định.

Ba là, chú trọng bố trí cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt cho công tác tiếp công dân; đồng thời lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Thực hiện đầy đủ các chế độ cho cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho nhân dân. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Năm là, đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở; tập trung tiến hành rà soát, thẩm tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp (đặc biệt là những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm), không để kéo dài gây tác động xấu đến hiệu quả, hiệu lực về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân.

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các ngành, các cấp trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Qua thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo phải xác định rõ trách nhiệm, có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi, ban hành quyết định trái pháp luật.

Bảy là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh để thống nhất về quản lý, khử trùng lặp đơn thư, tăng cường công khai minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước, tham mưu, báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tám là, tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Chú trọng việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.


Tác giả: Thái Ngân