A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người phụ nữ với công việc trông coi trẻ tự kỷ

 

Trong cuộc nói chuyện với các anh Công an phường Trường Chinh tình cờ tôi có nghe được câu chuyện về một người phụ nữ làm công việc trông coi trẻ tự kỷ, dạy dỗ giúp các em hạn chế được phần nào căn bệnh của mình. Câu chuyện ấy cứ cuốn hút lấy tôi và tôi đã tìm gặp người phụ nữ ấy ngay tại căn nhà của chị. Đó là chị Nguyễn Thị Phương Dung nhưng lại được mọi người gọi chị bằng cái tên thân thiết là “bà Ba”, với dáng người thấp đậm, da ngăm đen đặc biệt khuôn mặt lại toát lên vẻ rạng rỡ. Khi biết tôi có ý muốn được nghe về công việc đặc biệt của mình, chị đã niềm nở vui vẻ và chia sẻ.

Từ Quãng Ngãi cả gia đình chị lên Kon Tum để làm ăn đã được 8 năm. Biết đến công việc này bắt nguồn từ chính trong gia đình của chị có một đứa cháu gái mắc phải căn bệnh này. Quá xót xa và thương cháu, chị đã lặn lội xuống trường khuyết tật Lý Chính Thắng tại Sài Gòn, để tìm hiểu về tình trạng của căn bệnh này. Sau đó về nhà chị đã áp dụng các phương pháp học được cùng với những nghiệp vụ mà chị sẵn có vốn là một cô giáo dạy mầm non nên đứa cháu của chị sau một tháng đã biết nói, tiến bộ rõ rệt và có thể đi học bình thường như các trẻ khác. Tiếng lành đồn xa, nhiều người có con bị bệnh tự kỷ đã tìm đến nhờ chị trông coi, dạy dỗ. Từ đó công việc này như cái nghiệp vận người chị đã được 6 năm.

Lúc đầu người chồng của chị không đồng ý cho vợ mình làm vì thấy đây là công việc rất vất vả nhưng vì cái tâm không nỡ từ chối những đứa trẻ này khi bố mẹ chúng dắt đến gửi chị. Mặc dù đã được theo tập huấn về công tác dạy dỗ chúng nhưng ban đầu chị không tránh khỏi những bỡ ngỡ.  Dạy một trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ cần kiên nhẫn gấp bội. Tuỳ vào tình trạng của từng trẻ cùng với kinh nghiệm của mình mà có cách dạy bảo riêng, điều này cần phải liên tục, hằng ngày, thậm chí hàng giờ. Mỗi cử chỉ, thói quen đơn giản nhất cần hướng dẫn, chị phải làm đi làm lại 10; 20 lần thậm chí 100 lần thì trẻ mới có thể làm được. Hầu như hành vi nào của trẻ cũng gây ra những ức chế, nếu không có sự kiên nhẫn và cái tâm thì rất khó theo đuổi được công việc này.

Có những đứa trẻ bị bệnh ở thể nhẹ nhưng cũng có trẻ bị rất nặng như trường hợp cháu Nguyễn Thanh Ngọc trú tại tổ 5 – Phường Trường Chinh. Ban đầu khi đến với chị, chị nghĩ cháu cũng như những đứa trẻ tự kỷ khác cũng chỉ là hốt đất cát để ăn, không nhận thức được xung quanh nhưng khi cháu lên cơn, cứ chạy ra ngoài đường, cào cấu cơ thể, xé quần áo, quá hoảng sợ chị đã gọi phụ huynh của cháu tới để gửi lại vì với bệnh của cháu chị không biết phải làm sao. Nhưng khi mẹ của cháu vừa khóc vừa nói rằng “Chị là người cuối cùng, nếu không được nữa thì gia đình chỉ còn cách đóng cũi để nhốt cháu thôi”.Quá xót xa và thương cháu nên chị đã nói mẹ cháu sắp xếp công việc để ở đây, kết hợp kèm cháu những lúc lên cơn. Chị để ý biểu hiện cháu sắp lên cơn thì bằng nhiều cách, lúc thì cho cháu cái bánh, cái kẹo hoặc dẫn cháu ra tắm cho mát để cháu qua cơn. Trước đây Ngọc không thể đứng im mà người lúc nào cũng nhảy tưng tưng, để tập cho cháu ngồi im một chỗ, tập đứng là sự nỗ lực cả tháng trời của chị. Đến tháng thứ 9 thì cháu có sự tiến bộ, đã biết nói nhưng chỉ dùng khẩu miệng chứ không phát ra được âm thanh. Rồi Ngọc cũng biết chào hỏi những người xung quanh, biết “cảm ơn” khi được giúp đỡ, biết “xin lỗi” khi làm điều chưa đúng. Lần đầu tiên khi nghe cháu nói hai từ “ba, mẹ”, bố mẹ cháu đã chảy nước mắt vì xúc động.

 

alt

Chị Dung bên các cháu trong giờ tự học

 

Không những chỉ bảo cho các cháu thực hiện những hành động cơ bản như biết đòi khi muốn đi vệ sinh, biết chào hỏi, tự xúc cơm ăn mà chị còn dạy cho các cháu cách cầm bút, ban đầu tập tô các nét cơ bản như nét thẳng, nét ngang, hình vuông, hình tròn. Sau đó mới cho tập viết chữ, mỗi ngày kèm khoảng hai tiếng và đến vài tháng hoặc có khi một năm các cháu có thể viết được các chữ cái. Tại nhà chị, tôi đã được thấy các em ở đây ai cũng biết viết biết đọc, có em đã có thể đọc tất cả bài thơ trong một cuốn sách, điều này vốn dĩ rất bình thường với các bạn đồng lứa nhưng với các em đó là cả một quá trình nỗ lực đầy vất vả của chị và của các em.

Hầu như các cháu ở đây là gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện đi chữa bệnh ở Sài Gòn. Họ đã tìm đến chị vì tấm lòng thiện nguyện dành cho trẻ tự kỷ, có gia đình ở tận Quãng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định. Vì thấy các cháu khó khăn nên chị không đòi hỏi tiền mà các phụ huynh chỉ đóng tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Đa số các cháu ở với chị thì rất ngoan nhưng về nhà vài hôm là không được củng cố nên gia đình lại mang các cháu đến gửi lại. Có cháu sau khi tiến bộ đã được gia đình đón về để theo học tại các trung tâm dành cho trẻ bị bệnh nhưng sau thời gian thấy các cháu không tiến triển gì, họ lại đón về và tiếp tục gửi chị. Các cháu ở đây thì bố mẹ chúng rất yên tâm khi thấy con cái mình được chị chăm sóc, nấu cơm, tắm rửa, giặt giũ xem như các con của chị và chiều chiều các cháu được ra khoảng sân trước nhà để chơi đá bóng, tập đi xe đạp.


alt

 

Chị tâm sự: nhiều lúc mệt mỏi chị cũng muốn bỏ cuộc, không làm công việc này nữa nhưng vì nặng tình cảm với trẻ, thấu hiểu, chia sẻ sự vất vả, nỗi khổ tâm của các bậc phụ huynh nên chị vẫn tiếp tục gắn bó với nó. Bên cạnh sự cảm thông, chia sẻ của người chồng với công việc của vợ, chị còn có sự giúp đỡ của đứa con gái đang học cấp III. Ngoài giờ học bé cũng tranh thủ phụ mẹ giúp trông các em, cho các em ăn, ngủ. Cũng giống như người mẹ của mình, ở bé cũng có tình thương đối với các em, bé cũng nhẫn nại, kiên trì chỉ các em tập viết, tập đọc một cách tận tình.

Trải qua 6 năm chăm sóc trẻ tự kỷ chưa phải là dài nhưng với sự tiến bộ của 20 đứa trẻ trong thời gian qua cũng thấy được cái tâm của chị đã nặng lòng với trẻ tự kỷ như thế nào. Với tình thương và tinh thần trách nhiệm của mình cứ cách vài tháng chị lại một mình đi Sài Gòn đến các trung tâm trẻ khuyết tật để nâng cao các phương pháp, kĩ năng, luôn lôn đổi mới để thích ứng với từng trẻ. Gian nan là thế nhưng từng ngày, từng ngày sự phát triển của các cháu đã là một niềm vui, niềm hạnh phúc của chị.

 

Ái Liên (Phòng CTCT)