A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh

Theo đề nghị của Khu Quản lý đường bộ III tại Văn bản số 514/KQLĐBIII-TTAT ngày 22 tháng 3 năm 2024 về việc đề nghị tiếp tục chỉ đạo xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Kon Tum; để tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:

Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ theo đề nghị của Khu Quản lý đường bộ III tại Văn bản nêu trên theo quy định; báo cáo kết quả xử lý về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải tổng hợp), Khu Quản lý đường bộ III trong tháng 4 năm 2024.

Sở Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tăng cường công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 534/KH-UBND ngày 08 tháng 02 năm 2024, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo thời gian quy định:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, trong đó chú trọng các quy định về công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ để người dân biết, tự giác chấp hành.

2. Tổ chức tuyên truyền, vận động các trường hợp vi phạm tự giác tháo dỡ công trình vi phạm và triển khai kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ, giải tỏa triệt để các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn tồn tại trước năm 2024 theo quy định và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời trường hợp phát sinh mới vi phạm hành lang an toàn đường bộ và đường nhánh đấu nối trái phép trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh.

3. Kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống mốc lộ giới xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh để tổ chức cắm bổ sung (đối với các mốc bị hư hỏng hoặc mất) đối với các tuyến đường đã có. Đối với các tuyến đường chưa thực hiện cắm mốc: thống kê, lập dự toán kinh phí cắm mốc lộ giới trình Cục Đường bộ Việt Nam (đối với quốc lộ), Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với đường tỉnh) xem xét, quyết định làm cơ sở để tổ chức cắm bổ sung và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tuyến đường đi qua địa bàn để quản lý.

 


Tác giả: Thái Ngân