A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an tỉnh Kon Tum – Biên niên sự kiện lịch sử (03/12/1996-31/12/1996)

 

03 đến 6/12/1996

HỘI NGHỊ GIÀ LÀNG, TRÍ THỨC DÂN TỘC TỈNH KONTUM LẦN THỨ II

Thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 23/5/1993 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chương trình công tác năm 1996 của Công an tỉnh. Từ ngày 03 đến 06/12/1996, Hội nghị già làng, trí thức dân tộc tỉnh Kon Tum lần II được tổ chức tại Hội trường Công an tỉnh. Về dự hội nghị có 72 đại biểu là già làng, trí thức dân tộc đại diện cho 07 huyện, thị trong toàn tỉnh (Kon Plong, Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Hà, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Thị xã Kon Tum), trong đó có các đại biểu già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh chính trị ở xã Đăk Long, huyện Đăk Glei; các xã Đăk Ang, Sa Loong, Bờ Y, Đăk Sú – huyện Ngọc Hồi; xã Mo Ray – huyện Sa Thầy; Phường Thắng Lợi, Thống Nhất – thị xã Kon Tum. Đồng chí Sô Lây Tăng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đến dự và chỉ đạo hội nghị. Đại diện các Ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương cũng tham dự và đưa tin về Hội nghị. Đồng chí Võ Sáu – Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì Hội nghị.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS Tây Nguyên đã một lòng một dạ đi theo Đảng, Bác Hồ; cùng bám đất bám làng đánh đuổi giặc ngoại xâm, nuôi dấu, che chở cán bộ, bảo vệ cách mạng đến cùng, thà hy sinh chứ không chịu đầu hàng giặc. Sau ngày đất nước được giải phóng và thống nhất hoàn toàn thì các già làng, người có uy tín lại có vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Trong đó già làng đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở mỗi buôn làng. Các già làng, người có uy tín đã vận động nhân dân ủng hộ chủ trương tách hộ, lập vườn, trồng cây có giá trị kinh tế, nâng cao đời sống (Ngọc Hồi, Kon Plong, Đăk Tô); vận động con cháu tham gia nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc; thực hiện chính sách đoàn kết lương giáo (Đăk Hà), kiên quyết chống lại những kẻ âm mưu lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống lại chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, vận động nhân dân tham gia phong trào “Xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, vận động bà con đến nơi định cư mới (Mo Ray – Sa Thầy); thực hiện chính sách đoàn kết, không phá rừng, cùng nhau phát triển sản xuất, giải quyết những mâu thuẫn trong cộng đồng bằng hoà giải…

Tại Hội nghị, thay mặt các cấp lãnh đạo của tỉnh đồng chí SôLâyTăng – Bí thư Tỉnh uỷ đã biểu dương những thành tích mà các già làng, người trí thức đã làm được trong thời gian qua, thông báo một số tình hình chung về sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh; phân tích các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng phong tục, tập quán của người dân tộc để lôi kéo, mua chuộc, lừa phỉnh, gây chia rẽ chính sách đoàn kết dân tộc, chống phá Nhà nước ta. Đồng thời, quán triệt cho các già làng biết một số chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta như Thông tư 02, 379; Nghị định 69 của Chính phủ và các biện pháp giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong vùng đồng bào DTTS. Qua đó vận dộng các già làng cùng nhân dân tham gia lao động sản xuất, phát triển trồng rừng, phòng chống cháy rừng, bảo đảm vệ sinh khu vực dân cư, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng đã biểu dương và đánh giá cao vai trò tham mưu, nồng cốt của lực lượng Công an tỉnh Kon Tum trong công tác chuẩn bị cho Hội nghị chu đáo; nội dung các báo cáo tham luận tại hội nghị có chất lượng về nội dung, phản ánh đúng thực tế vai trò quan trọng của già làng, trí thức trong vùng dân tộc thiểu số. Tại Hội nghị có 07 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào định canh, định cư, xoá đói, giảm nghèo được nhận bằng khen của UBND tỉnh; 07 cá nhân được nhận bằng khen của UBMTTQ tỉnh trong phong trào đoàn kết dân tộc, cụm dân cư  và Công an tỉnh đã quyết định khen thưởng cho 07 cá nhân  có thành tích xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Do công tác chuẩn bị cho hội nghị được chu đáo, phong phú về nộidung nên bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, đã tranh thủ, tập hợp những người có uy tín vào sự nghiệp xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước, xây dựng mối quan hệ đoàn kết dân tộc, chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy yếu phong trào cách mạng. Đồng thời qua hội nghị cũng đã phát hiện những vấn đề nảy sinh, tồn tại trong vùng đồng bào DTTS để rút kinh nghiệm, tìm hướng giải quyết kịp thời, phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh; chủ động phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn không để các phần tử xấu lôi kéo, mua chuộc, lợi dụng người có uy tín; tích cực chuyển hoá những người bị địch tác động, lôi kéo thành cnhững cơ sở quần chúng tốt, tập hợp những người có uy tín làm lực lượng nòng cốt trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng DTTS trong tình hình mới.

 

Tháng 12/1996

NGĂN CHẶN SỐ DÂN CAM PHU CHIA SANG XÂM CANH,

XÂM CƯ TRÁI PHÉP Ở XÃ MORAY, HUYỆN SA THẦY

 

Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc tỉnh Kon Tum quản lý có chiều dài 125km, chạy dài ngã ba biên giới 03 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Đoạn biên giới này chưa được hai nước Việt Nam và CampuChia hoạch định và cắm mốc, hiện nay hai bên vẫn đang bảo vệ biên giới theo hiện trạng cũ được thể hiện trên bản đồ chung.

Tỉnh Kon Tum giáp với phần đất của hai huyện, đó là huyện ĐunMia và huyện Tà Veng thuộc tỉnh RaTaNaKiRi (Campuchia), nhưng chỉ có 04 làng là: Làng Choong, làng Chai, làng Két và làng Tà Ngà của xã Nhang thuộc huyện ĐunMia, tỉnh Ratanakiri giáp với đường biên thuộc tỉnh Kon Tum là có dân ở, dân số của 04 làng này có khoảng 150 hộ với gần 1200 khẩu. Đời sống nhân dân ở đây còn nhiều khó khăn thiếu thốn, trình độ dân trí rất thấp, nhận thức về lãnh thổ quốc gia, quốc giới còn rất hạn chế và mơ hồ. Từ năm 1995, tại khu vực biên giới này đã xảy ra tình trạng phức tạp, dân làng Tà Ngà thuộc xã Nhang, huyện ĐunMia, tỉnh Ratanakiti gồm 30 hộ, 234 khẩu đã sang xâm canh, xâm cư trái phép sâu vào lãnh thổ của ta. Số dân này đã dựng chòi, phát nương, làm rẫy ở 12 điểm thuộc khu vực Hồ Le, xã Mo Ray huyện SaThầy, chỗ lấn chiếm sâu nhất vào đất ta là 7000m, chỗ ít nhất là 500m, với tổng diện tích xâm canh là 44,5 ha.

Để nhanh chóng giải quyết tình hình trên, Công an tỉnh đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và phối hợp cùng lực lượng Bộ đội biên phòng tiến hành đẩy đuổi số dân Campuchia sang xâm canh, xâm cư trái phép trên đất Mo Ray, huyện Sa Thầy về bên kia biên giới. Tháng 12/1996, hai tỉnh Kon Tum và Ratanakiti cơ bản đã giải quyết dứt điểm tình trạng trên, đưa hết số dân Campuchia trở về nước.

Sau khi vụ việc trên xảy ra, ta đã rút kinh nghiệm trong việc quản lý số dân ở hai bên biên giới, đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh đề ra một số chủ trương về quy hoạch dân cư ở vùng biên giới, thành lập thêm các đồn biên phòng và các nông lâm trường để tăng cường quản lý khu vực biên giới. Giữa hai tỉnh Kon Tum và Ratanakiti thường xuyên tăng cường, củng cố và phát huy truyền thống tôt đẹp vốn có, mối quan hệ đoàn kết láng giềng giữa hai nước Việt Nam – Campuchia nói chung và hai tỉnh Kon Tum -Ratanakiti nói riêng ngày càng gắn bó. Đồng thời hai bên cũng có trách nhiệm thường xuyên giáo dục cho nhân dân hai bên biên giới có ý thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ An ninh biên giới, có những biện pháp kiên quyết ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả người qua lại khu vực biên giới xâm canh, xâm cư, khai thác trầm vàng trái phép.

 

31/12/1996

KẾT QUẢ TỔNG KIỂM TRA THU HỒI VŨ KHÍ, VLN VÀ CCHT

 

Sau hội nghị triển khai Nghị định 47/CP, ngày 12/08/1996 của Chính phủ và Chỉ thị 32/ CT-UB ngày 22/10/1996 của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã tổ chức quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an tỉnh nắm vững nội dung Nghị định 47/CP của Chính phủ, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện nhằm góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong việc quản lí vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong lực lượng Công an nhân dân và toàn xã hội.

Từ ngày 15/11-15/12/1996, Công an tỉnh đã phối hợp với cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập ban chỉ đạo, đoàn kiểm tra liên ngành, mở đợt tổng kiểm tra vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm thu hồi triệt để số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn rơi vãi, thất thoát, tàng trữ, sử dụng trái phép trong nhân dân. Nắm lại thực trạng quản lí trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong các cơ quan, tổ chức và ngoài xã hội; khắc phục các sơ hở, thiếu soát và xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lí, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Qua kiểm tra, đánh giá kết quả phối hợp cùng các cơ quan quân sự các cấp, các ngành kiểm tra hơn 300 khẩu súng các loại đã trang bị cho lực lượng tự vệ cơ quan, xí nghiệp, bảo vệ chuyên trách, dân quân tự vệ, công an xã… . Nổi lên một số vấn đề sau:

+ Việc trang bị vũ khí cho lực lượng tự vệ, cơ quan xí nghiệp, bảo vệ chuyên trách.. không có quyết định giao nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;  không có giấy phép sử dụng, không xác định được nguồn gốc dẫn đến công tác quản lí còn lõng lẻo, tuỳ tiện.

+ Có trường hợp trang bị vũ khí cho cơ quan, xí nghiệp nhưng không có giấp phép sử dụng, khi đoàn kiểm tra tạm giữ thì cơ quan quân sự lại xác nhận một cách tuỳ tiện việc trang bị vũ khí nhằm đối phó với đoàn kiểm tra, để yêu cầu trả lại số vũ khí đã bị tạm giữ.

+ Công tác tuyên truyền trên thông tin đại chúng, vận động quần chúng nhân dân tự giác kê khai, giao nộp và tố giác những trường hợp tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép còn chưa thường xuyên, từ đó quần chúng nhân dân chưa chấp hành triệt để và nhận thức đầy đủ công tác quản lí vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Qua công tác vận động quần chúng nhân dân tự giác giao nộp, thu được: 44 khẩu súng các loại, 01 qủa đạn (loại 105 ly), 01 quả đạn pháo hoa; tạm giữ: 24 khẩu súng và 02 roi điện; thu hồi không có nguồn gốc: 28 khẩu súng các loại.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Nghị định 47/CP của Chính phủ đạt kết quả cao hơn, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chuyên trách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tiếp tục kiểm tra, thu hồi triệt để số vũ khí, vật liệu nổ không có nguồn gốc, sử dụng trái phép, kiên quyết xử lí các trường hợp vi phạm trong công tác quản lí, sử dụng bảo quản và tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép, góp phần chấn chỉnh công tác này dần đi vào hoạt động có nề nếp, chặt chẽ, nghiêm túc theo quy định của pháp luật đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.


Duy Hòa (Phòng Tham mưu)


Tin liên quan