A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình hình mới

Trong bối cảnh đất nước đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội là hết sức cấp thiết. Luật Cảnh vệ, được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2018, đã đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Tuy nhiên, quá trình thi hành, Luật Cảnh vệ 2017 đã phát sinh nhiều bất cập, đòi hỏi cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới.

Ảnh minh họa

Ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ngày 25/5/2022, Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA về thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện, Bộ Công an đã ban hành Đề án số 04/ĐA-BCA ngày 30/01/2023 của Bộ Công an về “Xây dựng lực lượng Cảnh vệ thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; đồng thời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đặt ra nhiệm vụ đến năm 2025 xây dựng lực lượng Cảnh vệ tiến thẳng lên hiện đại. Vì vậy, cần phải hoàn thiện các chế định của Luật Cảnh vệ quy định về lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm để kịp thời đáp ứng được nhiệm vụ nêu trên.

Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; trong đó bổ sung một số chức vụ, chức danh cấp cao như Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Cảnh vệ năm 2017 chưa quy định những người này là đối tượng cảnh vệ.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ ràng về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân chỉ trong những trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nội dung các biện pháp cảnh vệ, việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt mặc dù đang được thực hiện trên thực tế nhưng chưa được quy định trong Luật Cảnh vệ. Do đó, để bảo đảm phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì các nội dung nêu trên cần phải được cụ thể hóa trong Luật Cảnh vệ. Điều này đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và bảo vệ quyền lợi của công dân.

Ngoài yêu cầu cần thiết phải thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước đối với công tác cảnh vệ và xây dựng lực lượng Cảnh vệ, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn như:

Theo quy định của Luật hiện hành, một hội nghị quốc tế có một trong số các đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2 Điều 10 (hiện tại đối tượng cảnh vệ gồm 37 đồng chí, kể cả lãnh đạo đã nghỉ hưu như Nguyên Tổng Bí thư, Nguyên Chủ tịch nước...) tham dự hoặc chủ trì hội nghị thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng và được áp dụng các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều 14 Luật Cảnh vệ như đối với Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kỳ họp của Quốc hội, gây ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi áp dụng biện pháp cảnh vệ.

Thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để kịp thời điều chỉnh, thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của các Bộ, Ban, Ngành, đề nghị của Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 của Luật Cảnh vệ. Xuất phát từ thực tế nêu trên, cần thiết bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, Luật Cảnh vệ hiện hành còn phát sinh nhiều vấn đề bất cập liên quan đến biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ cũng như chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản... và phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ

Với những lý do trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là vô cùng cần thiết.  

Lực lượng Cảnh vệ biểu diễn tại Lễ khai mạc Hội thao truyền thống lần thứ 34 (nguồn ảnh: cand.com.vn)

Hiện nay, dự thảo Luật được Bộ Công an chủ trì xây dựng đã bám sát và cụ thể hóa các chính sách được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 09/02/2023, gồm: (1) Chính sách 1: Bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; (2) Xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội là đối tượng cảnh vệ; (3) Hoàn thiện chính sách về biện pháp cảnh vệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; (4) Quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ. Trong đó có đề xuất một số quy định đáng chú ý, cụ thể như:

- Bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ theo hướng quy định: “Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này tham dự” (có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và khách quốc tế có chức vụ tương đương) thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.

- Bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, cụ thể bổ sung nội dung “Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này”.

- Luật hóa một số quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội trong thực hiện công tác cảnh vệ; cụ thể: “(1) Quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ; (2) Trong trường hợp đã sử dụng tất cả các nguồn nhân lực và phương tiện thiết bị mang theo mà không đáp ứng được công tác cảnh vệ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 10 khi đi công tác nước ngoài.

- Luật hóa một số nhiệm vụ lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện, cụ thể: xây dựng, diễn tập phương án để thực hiện công tác cảnh vệ, huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ; đồng thời tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho Công an các đơn vị, địa phương; lực lượng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ và lực lượng khác phục vụ nhiệm vụ cảnh vệ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ công tác cảnh vệ. Giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ.


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan