Bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 07 chương và 73 điều: Chương I - Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II - Công nghiệp quốc phòng, an ninh (từ Điều 6 đến Điều 32); Chương III - Chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp (từ Điều 33 đến Điều 46); Chương IV - Chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (từ Điều 47 đến Điều 52); Chương V - Hợp tác quốc tế công nghiệp quốc phòng, an ninh (từ Điều 53 đến Điều 60); Chương VI - Trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (từ Điều 61 đến Điều 71); Chương VII - Điều khoản thi hành (Điều 72, Điều 73).
Ảnh minh họa
Nội dung Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tập trung vào 05 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, gồm:
Chính sách 1: Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Chính sách 2: Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Chính sách 3: Thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Chính sách 4: Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Chính sách 5: Bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.
Trên cơ sở các chính sách trên, Dự thảo Luật được xây dựng với những nội dung cơ bản sau:
Chương I - Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5)
Chương này quy định về: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ; Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; Nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; Các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
Chương II – Công nghiệp quốc phòng, an ninh (từ Điều 6 đến Điều 32)
Chương này gồm 05 mục quy định các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh: Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh; đảm bảo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; nguyên tắc tổ chức, hoạt động công nghiệp quốc phòng; nguyên tắc tổ chức, hoạt động công nghiệp an ninh. Trong đó quy định một số nội dung trọng tâm sau:
- Xác định quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh là quy hoạch ngành quốc gia (từ Điều 6 đến Điều 9).
- Xác định nội dung quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh với phân định rõ trường hợp giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu trong sản xuất quốc phòng, an ninh (từ Điều 10 đến Điều 15).
- Các nguồn lực đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm: nguồn vốn, nhân lực, đất đai phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và triển khai các hoạt động khoa học công nghệ. Trong đó, đối với nguồn vốn cho đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh quy định: Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và được cơ cấu thành khoản mục riêng trong tổng số vốn ngân sách Trung ương được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trung hạn, hàng năm; đảm bảo ổn định trong suốt quá trình phân bổ và giải ngân; Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng nguồn vốn chuyên biệt phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh bổ sung cho các chương trình, đề án, dự án đầu tư, nhiệm vụ có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt (Điều 16); Cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 18); Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt (Điều 19).
Chương III - Chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp (từ Điều 33 đến Điều 46)
Chương này gồm 02 mục quy định các hoạt động chuẩn bị động viên công nghiệp trong thời bình và thực hành động viên công nghiệp khi có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ và trong tình trạng chiến tranh. Trong đó, quy định một số nội dung trọng tâm sau:
- Mở rộng phạm vi đối tượng động viên công nghiệp gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có quyền quyết định.
- Hoàn thiện phương thức thực hiện động viên công nghiệp với bổ sung phương thức đặt hàng; hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý, thực hiện động viên công nghiệp với phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trách nhiệm, quyền hạn thực hiện động viên công nghiệp trong địa bàn quản lý phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ.
Chương IV - Chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (từ Điều 47 đến Điều 52)
Chương này quy định về: Chế độ, chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh; Chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; Chế độ chính sách đối với người lao động tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh; Chế độ, chính sách đối với người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp. Trong đó, quy định một số chính sách về miễn, giảm thuế, phí và được hỗ trợ của Nhà nước với một số lĩnh vực đặc thù của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong một số trường hợp (Điều 47, Điều 48, Điều 49); cơ chế trả lương tương xứng cho nhân lực chất lượng cao, đảm bảo thu hút nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 50, Điều 51).
Chương V - Hợp tác quốc tế công nghiệp quốc phòng, an ninh (từ Điều 53 đến Điều 60)
Chương này quy định về: Nguyên tắc hợp tác quốc tế; Nội dung, hình thức hợp tác quốc tế; Đào tạo, nghiên cứu khoa học; Liên doanh, liên kết trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh; Nhập khẩu hàng hóa phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; Xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; Hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ; Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm quốc phòng, an ninh.
Chương VI - Trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (từ Điều 61 đến Điều 71)
Chương này quy định về: Nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; Trách nhiệm của Chính phủ; Trách nhiệm của các Bộ: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên - Môi trường; Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Chương VII - Điều khoản thi hành (Điều 72, Điều 73)
Chương này quy định về: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh; Hiệu lực thi hành.
Dự thảo Tờ trình của Bộ Công an.
Báo cáo giải trình, tiếp thu của Chính phủ.