A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chia sẻ thông tin trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính

Xác định tầm quan trọng của việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư giữa các cơ quan quản lý nhà nước; trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giúp tăng cường khả năng phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Sau một quá trình tích cực triển khai, đến nay nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với hơn 200 hệ thống thông tin của 63 tỉnh, thành phố; 22 bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; kết nối 05 cơ sở dữ liệu quốc gia, 07 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.

Trong hơn 02 năm qua, đã có trên 12 triệu giao dịch liên quan đến các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Việc kết nối dữ liệu giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương, công dân, doanh nghiệp hiện nay thiếu quy định pháp lý, các hoạt động kết nối mang tính riêng lẻ, tự phát; hệ thống thông tin ở địa phương còn mang tính chất đóng, riêng lẻ, mang tính chất đặc trưng, khó kết nối với các Bộ, ban, ngành, địa phương khác.

Về thông tin chung, thông tin nền tảng cho các hoạt động quản lý nhà nước là thông tin cá nhân. Tuy nhiên, việc quản lý dân cư ở nước ta hiện nay do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện, để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy  tờ với những con số khác nhau (Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ…) nhưng tất cả đều cấp dựa trên dữ liệu thông tin cá nhân là Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân/căn cước công dân.

Hiện nay, hiệc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan đến người dân mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết  nối, chia  sẻ thông tin chung về công dân giữa các cơ sở dữ liệu nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu, gây lãng phí nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng (mở rộng cơ sở dữ liệu), tạo cơ sở cho các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật như: làm giấy tờ giả, lừa đảo qua mạng,… để trốn tránh trách nhiệm hành chính và lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Công an xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dẫn cư. Bắt đầu từ ngày 01/7/2021, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ với dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, lĩnh vực. Để chuẩn bị cho việc này, Bộ Công an đã đi đầu với việc triển khai cùng lúc 2 dự án về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chíp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.

z2392740217834_998222cfd92a7e6bc62b7216091b6a7e.jpg

Lãnh đạo Công an tỉnh Kon Tum kiểm tra, đôn đốc thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử trên địa bàn huyện Sa Thầy

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, cải cách thủ tục hành chính và bảo vệ quyền lợi của công dân, cụ thể:

Thứ nhất, thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương để dùng chung nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ hai, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều loại giấy tờ cá nhân nhưng không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có công chứng các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Thứ ba, thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về thân nhân của công dân, góp phần đản bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ tư, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ đang lưu trữ tại các cơ quan hành chính.

Cục Cảnh sát giao thông là đơn vị đầu tiên được kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 3 lĩnh vực nghiệp vụ là xử phạt vi phạm hành chính và đăng ký quản lý phương tiện, tai nạn giao thông. Việc kết nối tạo ra dữ liệu sống của người tham gia giao thông và chủ phương tiện giao thông phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cụ thể là:

1. Lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp nhận và giải quyết nhiều thủ tục hành chính liên quan đến người dân, do vậy việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại hiệu quả rõ rệt, thông tin người dân sẽ đảm bảo chính xác về họ tên, ngày tháng, năm sinh, địa chỉ thường trú, nơi ở hiện tại; đặc biệt là dữ liệu nơi ở hiện tại được cập nhật giúp cho công tác xác minh địa chỉ của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện được chính xác, phục vụ công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân: vi phạm trật tự an toàn giao thông, xác minh truy tìm các trường hợp tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật khác; mặt khác việc kết nối dữ liệu nghiệp vụ ngành Công an (đơn vị quản lý hồ sơ nghiệp vụ, các đơn vị khác…) giúp lực lượng Cảnh sát giao thông nắm được thực trạng thông tin về đối tượng cần lưu ý quan tâm để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác của ngành Công an.

2. Cơ chế chia sẻ dữ liệu là xu hướng chung của thế giới hiện nay, việc kết nối chia sẻ dữ liệu rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhân dân tốt hơn.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông giúp lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện tốt nhất trong các mặt công tác.

Ngoài ra, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thí điểm kết nối, chia sẻ với Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (chi phí do phải đi lại, công chứng, chứng thực các loại giấy tờ…).

Bên cạnh đó, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành; trong đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Công dân có thể sử dụng số định danh cá nhân để khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về dân cư thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú…. để thực hiện các giao dịch hành chính./.

Nguyễn Thị Tâm

 


Tin liên quan