A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng kết 10 năm thực hiện quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

 

Thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP năm 2007 về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Chính phủ đã phát động toàn dân thực hiện chủ trương đội MBH khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy. Qua 10 năm triển khai việc đội MBH, trên địa bàn tỉnh Kon Tum số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ đã giảm.

 

Công dân chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên thành phố Kon Tum


10 năm qua, dưới sự chỉ đạo sâu sát của các cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, Công an tỉnh Kon Tum đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông cùng với sự nổ lực không ngừng của mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân nên tình hình vi phạm pháp luật về giao thông, tai nạn giao thông được kiềm chế, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân được nâng lên đáng kể. Đáng chú ý là ý thức tự giác chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, trở thành một nét đẹp trong văn hóa giao thông.

Các đơn vị, Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa nhiều tin, bài tuyên truyền về triển khai quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh, trên chuyên mục “an toàn giao thông của Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện, thành phố; tổ chức tọa đàm chuyên đề về an toàn giao thông, lồng ghép tuyên truyền quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm tại các cụm dân cư với trên 104.256 lượt người tham gia, tại các trường học với trên 55.802 lượt học sinh, sinh viên tham gia, tại các cơ quan, ban, ngành với trên 170.350 lượt cán bộ, công nhân, viên chức tham gia; xây dựng trên 50 tiểu phẩm văn nghệ; phối hợp tổ chức trên 10 cuộc thi về an toàn giao thông; cấp phát hơn 307.900 tờ rơi, hơn 110.000 áp phích tuyên tuyền…

Lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và đã phát hiện, xử lý 42.287 trường hợp vi phạm.

Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn cũng được chú trọng; kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm; tiến hành ký cam kết không vi phạm các quy định về kinh doanh mũ bảo hiểm đối với các cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm…

Mặc dù, đại đa số người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm túc, nhưng đâu đó vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông (chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh…) và ở một số địa bàn (vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới…) ý thức tự giác chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm chưa cao, việc chấp hành mang tính đối phó, chỉ chấp hành khi có lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả, khắc phục những tồn tại trong thực hiện quy định đội MBH theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban ATGT quốc gia, UBND tỉnh cũng đã “Tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với đi môtô, xe gắn máy” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện quy định bắt buộc đội MBH, nhất là đội MBH đạt chuẩn chất lượng khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan đến sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH. Mặt khác, huy động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, tặng MBH cho người dân, đồng bào, trẻ em ở các vùng khó khăn trong tỉnh; phát động “Tháng hành động vì ATGT cho trẻ em đến trường” với trọng tâm hành động là đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy, xe đạp điện, góp phần kéo giảm tình trạng TNGT trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, tình hình TTATGT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông tiếp tục tăng nhanh, tình trạng vi phạm quy định pháp luật về TTATGT chưa có chiều hướng giảm. Vì vậy, đòi hỏi công tác chỉ đạo về đảm bảo ATGT phải thực hiện quyết liệt hơn nữa. Các ngành và địa phương cần thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp để nhằm duy trì, phát huy hiệu quả của việc đội MBH theo Nghị định số 32 của Chính phủ. Bên cạnh việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, cần duy trì và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động, kết hợp với xử lý nghiêm hành vi không đội MBH.


Thái Ngân (Phòng Tham mưu)