A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát động phong trào toàn dân cung cấp thông tin vi phạm an toàn giao thông

  UBND tỉnh vừa có kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT)”. Đối tượng tham gia là toàn thể quần chúng nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên toàn tỉnh.

            Cụ thể, UBND tỉnh kêu gọi mọi người dân chủ động, tích cực cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh về các hành vi vi phạm TTATGT bằng cách ghi nhận đầy đủ thông tin về: nội dung, thời gian, tuyến đường xảy ra vi phạm; biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện; chủ xe, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan. 

            Thông tin có thể được ghi lại bằng video clip, hình ảnh của hành vi vi phạm. Người dân có thể phản ánh trực tiếp với lực lượng Công an qua các kênh tương tác trực tuyến như: Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh (trực tiếp tại đơn vị hoặc qua số điện thoại 02603.862.459; tài khoản Zalo “Đoàn thanh niên Phòng CSGT Kon Tum”; fanpage Facebook “Phòng CSGT – Công an tỉnh Kon Tum”); Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (trực tiếp tại đơn vị hoặc qua số điện thoại đường dây nóng: 113; Tài khoản Zalo “Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH tỉnh Kon Tum”; Fanpage “Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Kon Tum”), Phòng Cảnh sát cơ động (trực tiếp tại đơn vị hoặc qua số điện thoại: 069.418.1204); công an các huyện, thành phố…

Lực lượng CSGT rà soát, xử lý vi phạm qua hình ảnh

 

            Phong trào nhằm tập trung phát hiện và xử lý các hành vi: Ô tô khách chở quá số người quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; ô tô tải chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; hoạt động không đúng giờ quy định (bao gồm cả xe chở rác); ô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc; ô tô, xe máy lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông, mất trật tự, an toàn xã hội… 

            Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải bảo đảm tính kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định pháp luật. Các đơn vị tiếp nhận, xử lý thông tin cần bảo đảm an toàn, bí mật về danh tính của người cung cấp thông tin; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, tích cực trong tham gia hoạt động phong trào; xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực.

 

 


Tác giả: Hạnh Xuân