A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ chập cháy trên các trụ điện

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.Kon Tum xảy ra một số vụ chập cháy trên trụ điện dọc các tuyến đường gây bất an cho người dân khi tham gia giao thông cũng như nguy cơ gây chập cháy lan qua nhà dân.

TP. Kon Tum đã và đang triển khai ngầm hóa hệ thống điện và cáp viễn thông trên một số tuyến đường. Tuy nhiên, ở nhiều tuyến còn lại, hệ thống điện và cáp viễn thông vẫn còn kéo nối chằng chịt nên nguy cơ chập cháy rất cao, đặc biệt là trong những ngày mùa mưa kéo dài tới đây.

Một trụ điện phải cõng nhiều loại cáp

Trụ điện ở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh hiện đang phải “cõng” đủ các loại dây cáp, chủ yếu là cáp điện, viễn thông, truyền hình…Có trụ dây cáp được bó gọn, nhưng không ít trụ dây cáp treo lủng lẳng trên không, thậm chí có đoạn sà xuống gần mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Trong số các loại dây cáp trên, có những dây cáp không còn sử dụng nhưng vẫn chưa được đơn vị chủ quản tháo gỡ. Mặt khác, một số doanh nghiệp tự ý treo, mắc cáp viễn thông, truyền hình trên trụ điện mà không thông báo cho ngành điện để cùng phối hợp nên không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ quan đô thị.

Mạng nhện” giữa lòng thành phố - Xã hội - Báo Quảng Ninh điện tử

(ảnh minh họa)

Tình trạng trên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn. Bởi, số lượng dây cáp nhiều nên quá trình câu kéo, vận hành dễ gây va chạm, ma sát làm hư hỏng tính năng cách điện của cáp điện lực, dễ xảy ra sự cố, chạm chập, cháy nổ. Bên cạnh đó, hệ thống cáp viễn thông, truyền hình lắp đặt nhiều năm không được bảo dưỡng, thay mới nên xuống cấp.

Điển hình như vụ cháy vào lúc 20h59’, ngày 31/7/ 2020 cháy trụ điện tại ngã ba Phan Chu Trinh và Trần Cao Vân, TP Kon Tum. Đám cháy phát triển mạnh và nhanh chóng cháy lên phía trên gây cháy đứt hết đường dây viễn thông cũng như dây cáp điện, làm cho đường dây rớt xuống đường gây mất an toàn cho người và phương tiện giao thông.

(ảnh tại hiện trường)

Cần chủ động phòng chống cháy nổ

Hiện nay, nhiều loại dây cáp thường được bó thành từng bó lớn. Sau thời gian sử dụng, vỏ dây bị lão hóa, hư hỏng nên dễ xảy ra chập, cháy. Để ngăn ngừa cháy nổ, ngành điện và các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông, truyền hình cáp cần thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng đường dây, tủ cáp, đặc biệt là hộp phân phối điện, thu gom những đường dây không còn sử dụng.

Trong thời gian tới, ngoài việc tổ chức bó gọn cáp trên trụ điện, ngành điện cần yêu cầu chủ sở hữu cáp viễn thông, truyền hình phải thường xuyên kiểm tra, bảo trì để khắc phục hư hỏng; đồng thời không được tự ý giăng, mắc cáp trên trụ điện lực gây mất mỹ quan và không bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, người dân trong quá trình sinh hoạt hàng ngày không tự ý câu, mắc trái phép trên các trụ điện. Các hộ dân, các hộ kinh doanh nên trang bị thêm bình chữa cháy sách tay tại nơi ở, nơi kinh doanh. Để đến khi có sự cố chạm chập có thể sử dụng bình để dập tắt, làm giảm thiệt hại đến mức tối thiểu về người cũng như tài sản khi có cháy xảy ra.

Mạnh Toàn