A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số giải pháp đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, kích động bạo lực ở Tây Nguyên

Tây Nguyên hiện nay gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cũng là một trong bốn vùng dân tộc, tôn giáo đặc thù của cả nước, các thế lực thù địch ráo riết lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, kích động ly khai với nhiều thủ đoạn tinh vi, mục đích gây bất ổn chính trị, gây tổn hại đến khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn trên của các thế lực thù địch là nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp bách hiện nay.

Âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ, kích động bạo lực ở Tây Nguyên

Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Tây Nguyên, chính vì vậy, Tây Nguyên đã và đang giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên trước bối cảnh đất nước ta phải đối phó với những tác động xấu của tình hình thế giới, khu vực cùng với sự đa dạng về dân tộc và tôn giáo[1], Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là âm mưu và thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, kỳ thị sắc tộc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và gây bất ổn về chính trị - xã hội cho khu vực. Do đó, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề dân tộc và tôn giáo, ngăn chặn các thế lực thù địch kích động bạo lực và gây chia rẽ ở Tây Nguyên.

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, trình độ học vấn thấp, nhận thức còn lạc hậu của một số bộ phận người dân tộc thiểu số khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, nhằm thực hiện âm mưu “phá từ trong phá ra”, các thế lực thù địch nhen nhóm tư tưởng ly khai trong cộng đồng dân tộc thiểu số, cố tình xuyên tạc, kích động người dân đòi quyền dân tộc tự quyết, xem đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, “bài Kinh”, nhằm chia rẽ cộng đồng người dân tộc thiểu số với người Kinh, làm cho nội bộ đất nước rối ren, khối đại đoàn kết dân tộc bị suy yếu, gây mất trật tự trên địa bàn.

Không những thế, với mưu đồ ly khai khu vực Tây Nguyên thành một quốc gia riêng rẽ độc lập, các thế lực thù địch còn thành lập “Nhà nước Đề Ga”[2]. Tổ chức này được sự hỗ trợ của “Quỹ người Thượng” thành lập tại Mỹ do Ksor Kớk cầm đầu. Bằng những quan điểm sai trái, âm mưu thâm độc xuyên tạc, miệng lưỡi lộng ngôn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng những vụ việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa người dân tộc thiểu số tại chỗ với các dân tộc khác, so sánh trình độ văn hoá người dân tộc thiểu số còn thấp với người Kinh, để vu cáo chính quyền không quan tâm, phân biệt đối xử nhằm xúi giục, khoét sâu mâu thuẫn, tâm lý dồn nén, bức xúc của người dân tộc thiểu số để lôi kéo, kích động người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động chống phá, tạo sự bất ổn với cuộc sống của người dân, gây mất an ninh trật tự trên toàn Tây Nguyên – Việt Nam, từng bước âm mưu vô hiệu hóa hệ thống chính trị của ta ở cơ sở.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây với vỏ bọc tôn giáo, “giáo hội Tin lành Đề ga”  tiếp tục lôi kéo người dân khu vực Tây Nguyên tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn, gây rối chống phá chính quyền, sau khi thất bại lại tiếp tục bị kích động và tổ chức cho vượt biên sang Campuchia, tìm cách định cư ở quốc gia thứ 3 theo diện tị nạn chính trị nhằm quốc tế hóa, chính trị hóa vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên… Đây là những thủ đoạn cần phải vạch trần, lên án và ngăn chặn kịp thời.

Không chỉ thế, các thế lực thù địch còn tìm mọi cách để tạo dựng lòng tin với đồng bào ta, chúng mưu toan khoét sâu, thổi phồng những khó khăn trong đời sống thường nhật của đồng bào, chúng đầu tư vật chất, cố gắng xúc tiến các hoạt động như đẩy mạnh nhiều chương trình “thiện nguyện”, “ủng hộ” tài chính, vật nuôi, cây trồng hoặc cắt cử người vào trong các buôn làng để “giúp đỡ” đồng bào. Sau khi gây dựng được “lòng tin”, chúng tiến tới xây dựng cơ sở, phát tán tài liệu, truyền bá các tư tưởng chống phá, rêu rao, vu cáo thông tin rằng Đảng và Nhà nước ta kỳ thị, phân biệt đối xử, đàn áp đối với các dân tộc thiểu số, gieo rắc mâu thuẫn giữa các dân tộc thiểu số với người Kinh, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngoài ra, với sự phát triển không ngừng của Internet và mạng xã hội, đây được xem là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá Việt Nam, lợi dụng triệt để việc không bị giới hạn bởi kiểm duyệt, sự ngăn cách về địa lý đặc biệt là ranh giới mong manh giữa tin thật và tin giả trên không gian mạng, “chúng” tăng cường cập nhật và đẩy mạnh việc nhiễu, độc phạm vi bao phủ những thông tin tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp; tạo ra các “diễn đàn”, tổ chức gắn mác “Thúc đẩy hoà bình và bảo vệ quyền con người của những người bị áp bức tại Tây Nguyên”, trong đó là hai tổ chức mang tên “Người Thượng vì công lý” và “Nhóm Hỗ trợ người Thượng”[3] nhằm lôi kéo, kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết và tác động tiêu cực đến nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chúng nhắm vào các tin tức, sự kiện “nóng” đang diễn ra trong xã hội, nhất là những hiện tượng tiêu cực được khai thác theo hướng phục vụ cho các toan tính của chúng.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo, hằng năm, các cấp chính quyền ở Tây Nguyên đều tổ chức các cuộc thăm, gặp mặt, đối thoại với các tổ chức, chức sắc tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôn giáo và tham mưu giải quyết những vấn đề tôn giáo phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo.

Chẳng hạn gần đây lợi dụng những “ồn ào” về “hiện tượng Thích Minh Tuệ” - Ông chỉ đang “tự tu” theo cách thức hạnh đầu đà[4] (khổ hạnh), các thế lực, phần tử thù địch cũng nhắm tới mưu đồ chia rẽ tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Mục đích của thế lực thù địch nhắm tới là chia rẽ các tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Chúng gieo rắc, thổi phồng mâu thuẫn, tranh chấp để khẳng định rằng tôn giáo và chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam không thể song hành; đánh tráo khái niệm bằng cách tuyệt đối hóa quyền tự do tín ngưỡng - tôn giáo không chịu bất cứ sự ràng buộc, chế tài xử phạt nào; bịa đặt rằng Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương “phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo”; chia rẽ giữa người theo đạo và người không theo đạo, chia rẽ các tôn giáo với nhau, gây mâu thuẫn bên trong từng tôn giáo nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta.

Một số giải pháp đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, kích động bạo lực ở Tây Nguyên

Đứng trước những thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tân tộc, tôn giáo, đánh tráo khái niệm về “quyền dân tộc tự quyết” để chống phá đất nước, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết tận gốc việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo âm mưu gây chia rẽ, kích động bạo lực ở Tây Nguyên của các thế lực thù địch.

grab24b95C_C3_B4ng_20di_E1_BB_85n_a2623999901854460d09_1_

Các dân tộc anh em thành phố Kon Tum nối vòng xoang, thắt chặt tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh (Nguồn:https://www.tapchicongsan.org.vn)

Một , cần tập trung làm rõ nguồn gốc, quá trình hình thành, đặc điểm, địa vực cư trú của các tộc người ở Tây Nguyên; lịch sử, tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam; vấn đề “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa” của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong mối tương quan với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam hiện nay. Làm rõ các vấn đề lịch sử của Tây Nguyên không chỉ làm phong phú hơn tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này mà còn góp phần cung cấp các luận cứ khoa học để đập tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, giúp cho người dân đồng bào thêm trân quý những thành quả của các bậc cha ông đã hy sinh xương máu để gìn giữ và bảo vệ độc lập nước nhà. Một khi nhận thức này được củng cố, cộng đồng sẽ có sức mạnh tự nhiên trong việc đối phó với những âm mưu chia rẽ và phân biệt, từ các thế lực thù địch.

Hai là, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, xã hội, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng. Chăm lo xây dựng, củng cố sự đoàn kết, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo. Chủ động, thường xuyên tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả âm mưu, thủ đoạn móc nối, xâm nhập, lôi kéo chống phá, can thiệp, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm cho hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở luôn ổn định, vững mạnh; không để xảy ra các “điểm nóng”, biểu tình, bạo loạn. Đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên “gần dân, hiểu dân, trọng dân và vì dân”; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo.

Ba là, cần tiếp tục hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách này góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện một cách đầy đủ, trên nguyên tắc các dân tộc thật sự bình đẳng, đề cao tinh thần thống nhất và khối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng những điểm khác biệt của các dân tộc về văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng…

Bốn là, chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng phủ nhận đường lối đổi mới của Đảng, kích động mâu thuẫn giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp, chia rẽ đồng bào các dân tộc và các tôn giáo. Bên cạnh đó với tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, cần luôn đổi mới nội dung cũng như phương thức tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với nhu cầu đời sống, sản xuất, phù hợp với trình độ và tâm lý tiếp nhận thông tin của đồng bào, bên cạnh đó nội dung tuyên truyền cần đi thẳng vào vấn đề cụ thể đã và đang xảy ra ở địa phương, dựa trên người thực, việc thực, phải được chuyển tải bằng ngôn ngữ của đồng bào DTTS; thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội để có những giải pháp phát huy mặt tích cực; kịp thời chấn chỉnh và uốn nắn những biểu hiện tiêu cực... Trên cơ sở đó tạo niềm tin vững chắc cho đồng bào có đạo yên tâm làm tròn bổn phận “sống tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”; cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên chung sức, đồng lòng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh ở địa phương và tạo sự thống nhất cao trong đấu tranh với hoạt động chống phá của thế lực thù địch, phản động.

Năm là, tăng cường nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thế mạnh ở từng tiểu vùng, từng xã; hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đi vào sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư; xây dựng thôn, làng thành cộng đồng giàu về kinh tế, phát triển về văn hóa - xã hội, đoàn kết, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng nhắm vào những vấn đề khó khăn trong đời sống của đồng bào để xuyên tạc, kích động người dân chống phá Đảng, Nhà nước.

Sáu là, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong đấu tranh vạch trần những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, hạn chế tối đa những hậu quả khó lường do các thế lực thù địch gây nên. Chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần chăm lo kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên là người đồng bào các dân tộc thiểu số; thường xuyên theo sát cơ sở, phát huy tinh thần đoàn kết của đồng bào trong thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, “thế trận lòng dân” là một yếu tố quan trọng, quyết định đến việc hình thành sức mạnh chính trị, quân sự, quốc phòng to lớn chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. “Thế trận lòng dân” là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu, phấn đấu của toàn dân tộc, chính vì thế trong công tác xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” ở khu vực Tây Nguyên là một trong những giải pháp nền tảng “đập tan” âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Do đó, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần có chiến lược, định hướng nhằm phát huy hơn nữa thế trận lòng dân vào trong quá trình xây dựng, phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như bảo vệ vững chắc quê hương trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Hiện nay, ở Việt Nam nổi lên một số vấn đề chính trị, xã hội được đặt ra là những thách thức tạo điều kiện để các đối tượng trong và ngoài nước có thể móc nối, kích động dẫn đến nguy cơ “cách mạng màu” có thể diễn ra. Vì vậy, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, dự báo đầy đủ, chính xác tình hình để kịp thời đề ra chủ trương, giải pháp phòng, chống thiết thực, hiệu quả, nhằm đánh bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá nhà nước trên địa bàn.

 

[1] Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu người thuộc tất cả 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng; lâu đời và đông nhất là đồng bào Ê Đê, M’Nông, GiaRai, Ba Na... Vùng Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều tổ chức tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với tổng số khoảng 2,3 triệu tín đồ, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự. (Trích dẫn Báo VOV - 2,3 triệu đồng bào có đạo ở Tây Nguyên được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đăng tải 27/06/2023)

[2] Sau ngày đất nước giải phóng, ta tập trung giải quyết vấn đề Fulro, đến cuối năm 1992, số Fulro hoạt động trên địa bàn Tây Nguyên một phần chạy sang Campuchia đầu hàng Cơ quan chuyển tiếp Liên hợp quốc tại Campuchia (UNTAC), chấp thuận định cư tại Mỹ, một phần không đi được, quay về đầu hàng ta. Số Fulro lưu vong đã móc nối với bọn phản động trong cộng đồng người Tây Nguyên ở Mỹ hình thành nên tổ chức tiền thân của cái gọi là “Nhà nước Đê ga lưu vong”. Cuối năm 1999, Ksor Kơk (sinh năm 1945, tại Gia Lai, nguyên là lính Nguỵ, năm 1969 y tham gia vào nhóm Fulro ly khai và trở thành thiếu tướng Fulro) chính thức công bố thành lập “Nhà nước Đê ga độc lập” lưu vong ở Mỹ và tự xưng là Tổng thống. (Trích dẫn “Nhà nước Đề Ga độc lập”, “Hội thánh tin lành Đề Ga” – Những con quỷ đội lốt tôn giáo – Trang TTĐT Công an tỉnh Sơn La, 17/07/2023).

[3]Người tu theo hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở. Đầu đà (khổ hạnh) là cầm bình bát đi khất thực không phân biệt là khá giả hay khó khăn, đi mắt nhìn xuống và tối ngủ ở gốc cây, không ngủ 2 đêm một chỗ, những tấm y lấy ở rác, bãi tha ma, chắp vá lại để mặc. Mỗi ngày tập trung cho mình thiền định nhằm rèn luyện đức tính thiểu dục tri túc, ngăn ngừa lòng tham dục để giải thoát, giác ngộ.

 


Tác giả: Trần Thị Thương