A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bằng vay để đáo hạn ngân hàng

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, những kẻ phạm tội đã đánh vào lòng tin đưa ra mức lợi nhuận với lãi suất cao để thực hiện các cú lừa ngoạn mục, khiến các nạn nhân lâm vào cảnh khốn cùng.

Tới gặp nạn nhân với vỏ bọc có nhà lầu, xe hơi và một cửa hàng làm ăn có tiếng trong khu vực để dễ dàng lấy được niềm tin, những kẻ lừa đảo tiếp xúc, giới thiệu, giải thích rằng mình đang làm dịch vụ đáo nợ ngân hàng trên địa bàn. Theo giải thích của kẻ lừa đảo, trong trường hợp đến hạn người vay chưa có tiền trả và không muốn bị liệt vào danh sách những “con nợ xấu”, họ phải vay tiền ở bên ngoài xã hội để trả cho các ngân hàng để tiếp tục vay các khoản khác khác nên phải sử dụng đến dịch vụ này. Vì thế, họ chấp nhận chi trả những khoản tiền “hoa hồng” với mức lãi suất rất cao.

Lần đầu nạn nhân cho đối tượng vay 300 triệu đồng. Ngay khi nhận tiền, đối tượng đã hào phóng đưa cho nạn nhân 4 triệu đồng tiền lãi. Vài ngày sau, khi khoản vay trước đó chưa trả tiền, đối tượng lại tìm đến nhà nạn nhân, vay thêm 400 triệu đồng.

Trước khoản tiền lãi bằng thu nhập của một người lao động cả tháng, nạn nhân đồng ý không chút do dự. Gần Tết Nguyên đán năm 2018, đối tượng mang trả ông 400 triệu đồng, khoản vay còn lại hứa sẽ trả sau Tết nguyên đán, lý do đưa ra là người đáo nợ ngân hàng chưa có tiền để trả. Sau Tết Nguyên đán, đối tượng tìm đến gặp nạn nhân, đặt vấn đề vay 500 triệu đồng với lý do cũ. Tin tưởng vào lời đối tượng, nạn nhân đồng ý.

Tháng 3-2018, đối tượng trả toàn bộ số tiền 800 triệu đồng tiền gốc, đây là “đòn tâm lý” để lấy trọn niềm tin của nạn nhân với đối tượng và phi vụ làm ăn lợi nhuận cao này. Vì thế, vào khoảng tháng 5-2018, khi đối tượng hỏi vay thêm 200 triệu đồng, nạn nhân đã đồng ý ngay.

Lần này, đối tượng trao đổi với ông rằng sẽ trả lãi suất 2.000 đồng/ 1 triệu đồng/ 1 ngày. Đối tượng tự tính toán rồi đưa cho nạn nhân 8 triệu đồng tiền lãi của 20 ngày. Ngày 22-6-2018, đối tượng tiếp tục hỏi vay 290 triệu đồng và trả lại ngay 13 triệu đồng. Năm ngày sau đó, ông nạn nhân tiếp tục cho đối tượng vay 300 triệu đồng…, với tổng số tiền lên đến gần 800 triệu đồng.

Trong vụ án này, đối tượng đã sử dụng một thủ đoạn rất cao tay để đánh vào lòng tin của người bị hại, khiến các nạn nhân rơi vào “cái bẫy” do đối tượng đặt ra. Để các nạn nhân khác tin tưởng, tiếp tục cho thị vay tiền mà vẫn chưa phải trả khoản vay trước đó, khi vay tiền đối tượng thường đem theo số tiền mặt tương ứng với khoản vay trước đó và trả tiền lãi trước cho các nạn nhân và nói rằng đó là tiền “mầu” khách trả. Với phương thức này, đối tượng đã khiến các nạn nhân tin tưởng, tiếp tục cho thị vay thêm tiền.

Quá trình điều tra, giữa tháng 7-2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Thị Kim Quí về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định, khi cho vay tiền mà vẫn chưa trả tiền gốc khoản vay lần trước, Quí thường đưa ra lý do như ngân hàng chưa cho vay do chưa có tiền trả nợ. Nay có khách vay khoản tiền lớn hơn để đáo hạn thì lại tiếp tục vay tiền.

Cơ quan điều tra xác định, số tiền vay của nhiều người bị hại, Quí đã đem cho Phan Thị Việt Long và Nguyễn Ngọc Ly (cũng trú tại Phú Thọ) vay lại với mức lãi suất cao hơn để ở giữa hưởng chênh lệch. Đến khoảng cuối tháng 7-2017, Long và Ly không trả lãi và gốc nên Quí cũng mất khả năng thanh toán. Vì vậy, Quí đã lấy khoản vay của người này để trả lãi cho người kia và trả lãi cho chính người cho vay.

Ảnh: Giấy chứng minh nhân dân của đối tượng Bùi Thị Kim Quí

Hiện nay phương thức phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “vay đáo nợ ngân hàng” rất tinh vi. Ngoài thủ đoạn trên, một số đối tượng còn đưa người bị hại đến trước cửa các ngân hàng để tiến hành giao dịch. Trong trường hợp này, chúng chọn thời điểm là lúc cuối buổi chiều. Sau đó, với lý do đã muộn giờ, đối tượng không cho các nạn nhân gặp gỡ các cán bộ tín dụng. Trường hợp của Phan Thị Việt Long và Lê Thị Hân (cùng trú tại tỉnh Phú Thọ), hai đối tượng vừa bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một ví dụ. Khi tiếp xúc với nạn nhân, Long tự giới thiệu rằng chị ta vay tiền để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng cho khách hàng ở Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Phú Thọ ở khu 1, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao.

Để tránh sự phát hiện của người bị hại, đối tượng thường đến sớm hơn so với giờ hẹn rồi thông báo có khách hàng cần đáo nợ ngân hàng, yêu cầu nạn nhân mang tiền đến để cho vay. Trong các lần nhận tiền vay, Long đều viết giấy vay theo mẫu của nạn nhân đưa cho và cam kết trả tiền theo đúng thời hạn. Ở cả hai lần vay tiền, khi nhận tiền vay của nạn nhân, Lê Thị Hân là chị họ của Long đã đi cùng, ký tên vào mục người làm chứng trong giấy vay tiền.

Một số đối tượng còn mua sim rác, giả là số điện thoại của cán bộ ngân hàng, để khiến các nạn nhân “sập bẫy” với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng. Trường hợp của Nguyễn Thị Thành (28 tuổi, trú tại phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), đối tượng bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do làm ăn thua lỗ, Thành sử dụng chiêu thức “vay đáo nợ ngân hàng” để lừa đảo. Để tạo niềm tin cho nạn nhân bằng cách dựng lên màn kịch quen biết nhiều cán bộ ngân hàng. Sau đó, Thành mua sim rác rồi tự lưu tên, ghi là cán bộ ngân hàng; chủ động soạn thảo các tin nhắn, gửi vào máy điện thoại khác của chính mình. Nội dung các tin nhắn gửi đến cho biết họ cần tiền để giúp khách hàng hoặc giới thiệu cho họ “vay ngân hàng để đáo hạn” . Với những tin nhắn trên, Thành đã dễ dàng lừa được nhiều nạn nhân. Sau khi đọc các tin nhắn trên màn hình do Thành gửi đến, các nạn nhân tin rằng đó là sự thật đã đồng ý cho chị ta vay vốn.

Nhưng lợi dụng việc này, một số đối tượng đã lừa những người có tiền nhàn rỗi và muốn cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng. Lãi suất cao hơn so với lãi suất ngân hàng luôn đi kèm với rủi ro, thậm chí là lừa đảo; trước những lời đề nghị với những món hời lớn thật dễ dàng, người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, tỉnh táo không để sập bẫy của các đối tượng phạm tội.

Vũ Tiến Dũng