A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các cục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để thực hiện Đề án, trong đó, một số vấn đề cần chú ý như sau:

  1. Về quan điểm chỉ đạo: Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn có tính chất xuyên suốt trong quá trình thực hiện là:
  2. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định; sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
  3. Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
  4. Dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
  5. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Người dân chỉ phải cung cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính.
  6. Dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia; phải gắn kết với năng lực quản trị nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử và trí tuệ toàn dân trong đời sống xã hội. Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong xã hội.
  7. Việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số.
  8. Việc khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 – 2030.

z3120727279757_8fc4131d886e2924f73068a0aae4a6f9.jpg

Ảnh. Quang cảnh hội nghị trực tuyến triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử tại điểm cầu Kon Tum chiều ngày 18/01/2022

  1. Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp: Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện tích như sau:

Một là, Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, đã có 23 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, công bố 6.673 bộ thủ tục hành chính trong đó có 3.435 dịch vụ công trực tuyến với 1.921 thủ tục hành chính liên quan đến công dân, 1.862 thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Để thúc đẩy dịch vụ công quốc gia trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư, Đề án đã đề ra 13 mục tiêu cụ thể trong năm 2022; 11 mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023-2025 và 11 mục tiêu giai đoạn 2025-2030.

Trong đó, xác định điểm nhấn của năm 2022 là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (tối thiểu 20 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động,…) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngay trong quý I năm 2022 hoàn thành việc kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin; bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân của công dân và thực hiện an sinh xã hội tại cấp xã trên cơ sở triển khai giải pháp dùng chung hạ tầng của ngành Công an; từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID), trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức… Bảo đảm các chỉ tiêu về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, định danh, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được theo dõi, giám sát, đánh giá bằng dữ liệu, theo thời gian thực bắt đầu từ quý II năm 2022, kịp thời phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và sự tham gia của nhân dân; Cung cấp dịch vụ xác thực thông tin đối với các đương sự, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng… trên Cổng dịch vụ của Tòa án nhân dân để phục vụ triển khai tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến…

Hai là, Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Đề án xác định mục tiêu chính của giai đoạn 2022-2023 là bảo đảm pháp lý để triển khai thực hiện ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ CCCD đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác; nghiên cứu mở rộng ứng dụng trong các giao dịch điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNEID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm…

Ba là, Nhóm tiện ích phục vụ công dân số. Hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Nhằm tạo điều kiện cho công dân, Đề án đặt ra mục tiêu trong năm 2022: Bảo đảm cho hoạt động tạo lập định danh điện tử đối với công dân đã được thu thập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện giải quyết 100% yêu cầu tạo lập danh tính điện tử cho công dân. Tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ và đăng ký, sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch hành chính, chứng minh nhân thân, dịch vụ công. Bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID như: Dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Giai đoạn 2023 – 2025: Phấn đấu đạt trên 40 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng VNEID và xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử. Đảm bảo 100% các giao dịch của Công dân số được định danh, ký số, xác thực, các hợp đồng điện tử được định danh, ký số. Giai đoạn 2025 – 2030: Phấn đấu đạt trên 60 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng VNEID và xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.

Bốn là, Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Đề án đặt ra mục tiêu trong năm 2022, triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ góp phần làm giàu dữ liệu dân cư, trong đó: Tạo nền tảng để các lĩnh vực gần, sát với công dân sử dụng được nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết các thủ tục trong khi chưa có hạ tầng như lĩnh vực tư pháp, lao động thương binh xã hội…; kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có để “làm sạch” đảm bảo giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi. Đối với bộ, ngành đang triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu cần trao đổi, thống nhất với Bộ Công an để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Năm 2023 và các năm tiếp theo: Bảo đảm tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thông suốt, hoạt động hiệu quả.

Năm là, Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, ứng dụng những nền tảng công nghệ 4.0 để phân tích, đánh giá cung cấp thông tin đa dạng, hữu ích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Đề án xác định mục tiêu trong năm 2022: Tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội; đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân và nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp. Tích hợp với hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm liên thông, nhanh chóng, hiệu quả theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đến năm 2023 và các năm tiếp theo: Tiếp tục hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác để làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ các yêu cầu đa dạng về phát triển kinh tế – xã hội.

Song song với việc triển khai 5 nhóm tiện ích nêu trên, cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật để bảo đảm đầy đủ tính pháp lý để tổ chức triển khai Đề án. Trước mắt, ngay trong năm 2022 cần tập trung xây dựng và ban hành Nghị định và Thông tư có liên quan đến việc quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời, nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế – xã hội; tiến tới 2023, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện phát triển Chính phủ số và đến năm 2024, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra việc sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm đúng mục đích, đúng yêu cầu, phòng chống lộ lọt dữ liệu…

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, lực lượng Công an sẽ bảo đảm duy trì dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ các nhiệm vụ của Đề án; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật kết nối, chia sẻ để phục vụ phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng cao nhất các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, đề nghị các cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động phối hợp với lực lượng Công an trong quá trình thực hiện Đề án, nhất là trong kết nối, chia sẻ dữ liệu để hình thành Trung tâm dữ liệu lớn của Quốc gia, từ đó mở rộng triển khai việc định danh đối với các lĩnh vực, nhất là phương tiện giao thông, bất động sản… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội./.

Nguyễn Thị Tâm

 


Tin liên quan