A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ mô hình “Zalo - Kết nối bình yên”

Ngày 14/10/2022, Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc-  Bộ Công an ban hành Thông báo kết quả và một số kinh nghiệm xây dựng, thực hiện mô hinh “Zalo - Kết nối bình yên” trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tận dụng những hiệu quả tích cực do công nghệ thông tin và mạng xã hội mang lại, đầu năm 2021, Công an thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã xây dựng mô hình “Zalo - Kết nối bình yên” trên ứng dụng Zalo. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, được nhân dân ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.

Xác định trọng tâm chính trong hoạt động của mô hình “Zalo - Kết nối bình yên” là xây dựng các nhóm liên kết bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở, Nhân dân thực sự là chủ thể, tham gia trực tiếp vào hoạt động của mô hình; Công an 15/15 xã, phường thuộc thành phố Đồng Hới đã triển khai các nội dung được phân công, tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình địa bàn, chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã, phường triển khai xây dựng mô hình ở cấp xã, phường nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và vận động Nhân dân trên địa bàn cùng nhau tham gia xây dựng mô hình có hiệu quả.

Công an cơ sở hướng dẫn người dân cài đặt và tham gia mô hình “Zalo – Kết nối bình yên” của Công an thành phố Đồng Hới

        Sau hơn 1 năm triển khai, trang Zalo của Công an thành phố Đồng Hới đã thu hút hơn 2.500 người quan tâm, theo dõi. Đã biên soạn được 249 tin, bài viết mới và bài viết từ các nguồn tin chính thống để đăng tải lên trang. Các bài viết thu hút từ vài ngàn đến vài chục ngàn lượt xem cũng như hàng trăm lượt chia sẻ. Tiếp nhận và giải đáp nhiều thắc mắc của người dân liên quan đến công tác cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp và hướng dẫn tìm kiếm, thực hiện các thủ tục hành chính. Trang Zalo của Công an thành phố Đồng Hới cũng tiếp nhận nhiều tin báo, tố giác có giá trị của người dân liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật để kịp thời xác minh, xử lý, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Ngoài trang Zalo của Công an thành phố Đồng Hới, Công an các xã, phường trên địa bàn đã triển khai xây dựng được 163 nhóm liên kết Zalo với gần 18.200 hộ gia đình trên địa bàn tham gia, trong đó, nhiều xã, phường đã xây dựng được các nhóm liên kết đến tất cả các thôn, tổ dân phố đạt tỷ lệ kết nối hơn 40%, nhiều nơi đạt hơn 80%.

Với những kết quả đạt được, mô hình “Zalo - Kết nối bình yên” của Công an thành phố Đồng Hới được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Ngày 28/7/2022, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thành phố Đồng Hới đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn thành phố Đồng Hới, trong đó có mô hình “Zalo - Kết nối bình yên”. Đến nay mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố.

Từ hiệu quả hoạt động triển khai thực hiện mô hình, một số kinh nghiệm trong công tác xây dựng và thực hiện mô hình để Công an các đơn vị nghiên cứu, tham khảo, vận dụng cụ thể như sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả thiết thực của mô hình để Nhân dân tự giác tham gia các nhóm liên kết “Zalo - Kết nối bình yên”; đồng thời, hướng dẫn Nhân dân kết nối và cung cấp thông tin, tài liệu, hình ảnh, tin báo, tố giác…. đúng quy định của pháp luật.

Hai là, công tác lựa chọn con người để quản lý, vận hành hoạt động của Trang Zalo và các nhóm liên kết Zalo phải được quan tâm và quản lý chặt chẽ. Cán bộ phải là người có ý thức trách nhiệm, có năng lực và trình độ nhất định về công nghệ thông tin.

Ba là, đẩy mạnh việc tương tác, trao đổi, theo dõi và quản lý giữa người vận hành và người quan tâm theo đúng mục đích hoạt động của mô hình.

Bốn là, định kỳ tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong đó, chú ý công tác thiết lập, quản lý các nhóm liên kết về ANTT trên ứng dụng Zalo đạt được hiệu quả tối ưu, phát huy được hiệu quả trong việc tương tác, kết nối với Nhân dân trên địa bàn và tiếp nhận các thông tin, phản ánh của Nhân dân liên quan đến tình hình ANTT xảy ra ở cơ sở.


Tác giả: Việt Đức
Tin liên quan