A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm qua kết quả kiểm tra thực hiện Kết luận số 44-KL/TW

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm qua kết quả kiểm tra của Đoàn Kiểm tra số 2, Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22-01-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, vừa qua, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

           Kế hoạch nhằm mục đích phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm qua kết quả kiểm tra việc thực hiện tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Chiều ngày 28/3/2023, Đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 44-KL/TW làm việc với Tỉnh ủy Kon Tum (Ảnh: LT)

Về phát huy ưu điểm, Kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 44-KL thành các kế hoạch, chương trình, chỉ tiêu công tác hằng năm gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo an ninh, trật tự và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động theo hướng kết hợp cả tuyên truyền rộng rãi, tập trung và cá biệt.

Xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với nhu cầu thiết thực của nhân dân, nhất là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, thu hút nhiều người tham gia. 

Tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Quân đội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tham mưu xây dựng lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói riêng, gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện và điều kiện cần thiết cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn.

Về khắc phục khuyết điểm, Kế hoạch chỉ rõ giải pháp đối với từng khuyết điểm cụ thể:

Đối với khuyết điểm: “Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có lúc, có nơi chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với một số đối tượng, địa bàn đặc thù (đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn biên giới…).

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các đơn vị, địa phương đảm bảo phong trào được xây dựng thực chất, phát huy hiệu quả; kịp thời chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu tại những nơi để phong trào hoạt động hình thức, hiệu quả thấp.

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, tự giác tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lưu ý về tính đặc thù của từng nhóm đối tượng, địa bàn để xác định nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền, vận động người có tuy tín trong dân tộc, tôn giáo, đội ngũ trí thức.

Đối với khuyết điểm: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, chấp hành chưa nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự; còn biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và tội phạm; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Tham mưu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo an ninh, trật tự; trong đó, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm theo quy định đối với đảng viên thiếu tích cực, trách nhiệm trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cư trú.

Nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và tội phạm, tham gia tấn công trấn áp tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; tham gia giáo dục, cảm hóa đối tượng vi phạm pháp luật, đối tượng có biểu hiện tư tưởng cực đoan, thanh thiếu niên chậm tiến, hư hỏng tại cộng đồng dân cư. Thực hiện tốt việc nắm tình hình, giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là liên quan đến dân tộc, tôn giáo, không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Lễ ra mắt mô hình “Tổ đảm bảo an ninh trật tự vì giáo xứ bình yên” tại xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum (Ảnh: TT)

Đối với khuyết điểm: “Một số mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động hình thức, hiệu quả còn hạn chế; có mô hình hoạt động đã lâu nhưng chưa được quan tâm rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá để có sự điều chỉnh cho phù hợp; chủ trương “xã hội hóa” trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân”.

Rà soát, thanh loại những mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động không còn hiệu quả. Nhân rộng các mô hình đang phát huy hiệu quả tích cực; tiếp tục xây dựng, tổ chức các phong trào mới phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị, địa phương theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở”, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự, xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo.

Có giải pháp hiệu quả nhằm kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân quan tâm, hưởng ứng chủ trương “xã hội hóa” trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đối với khuyết điểm: “Việc triển khai xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các cơ quan nhà nước còn hạn chế; mới chỉ tập trung xây dựng cơ quan an toàn, phòng, chống cháy, nổ tại trụ sở cơ quan, chưa chú trọng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan”.

Tăng cường hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các cơ quan nhà nước gắn với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan.

Lực lượng Công an chính quy xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, phổ biến pháp luật (Ảnh: HT)

Đối với khuyết điểm: “Thực hiện chủ trương của Bộ Công an về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, Công an tỉnh Kon Tum đã giải thể Đội Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Công an cấp huyện và chỉ bố trí 01-02 cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Đội Tham mưu tổng hợp, dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác tham mưu, triển khai công tác này”.

Tăng cường bồi dưỡng kiến thức chính trị, pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ chuyên trách xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo khoa học, hợp lý để thực hiện tốt việc tham mưu và triển khai chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan