A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo tình trạng lừa đảo chạy việc làm

 

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Đăk Hà, lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn xin cho con cháu có việc làm tại các cơ quan Nhà nước, có một số đối tượng tung tin có khả năng chạy được việc làm để chiếm đoạt tiền của nhiều người lao động, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Thủ đoạn của chúng ở đây là lập nên một nhóm đối tượng cò mồi ngay tại địa phương, tung tin có quen biết người có chức, có quyền tại các cơ quan Nhà nước có khả năng xin được việc và nhận tiền của nhiều người tại địa bàn huyện Đăk Hà. Sau khi nhận tiền đã không lo được việc, đến thời hạn thì không trả lại tiền.

 

Lao động trẻ tìm kiếm việc làm (Ảnh minh họa)


Qua tin báo tố giác của người dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Đăk Hà vừa nhận được đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị H, ông Mai Văn T (trú tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) với nội dung tố cáo bà Nguyễn Thị Hải Đường (trú tại tổ dân phố 2B, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) đã nhận tổng cộng số tiền là 230.000.000đ để chạy việc cho con cháu vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước, đến thời hạn nhưng không lo được việc và không chịu trả lại tiền. Tuy nhiên, Bà Đường chỉ là đối tượng “trung gian”, “cò mồi” để ăn tiền chênh lệch nếu xin được việc. Bởi vì, sau khi nhận tiền của các cá nhân có nhu cầu xin việc làm, bà Đường lại tiếp tục nhờ Nguyễn Thị Du (trú tại tổ 3, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) để lo việc làm và bà Đường làm đơn tố cáo là đã đưa cho bà Nguyễn Thị Du tổng số tiền là: 1.180.000.000đ để lo việc làm cho các cá nhân trên. Tuy nhiên, đến nay bà Du vẫn không lo được việc và không chịu trả lại tiền. Hiện nay, nội dung vụ việc đang được cơ quan chức năng Công an huyện Đăk Hà tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ.

Trong thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp như trên, nên người ta mới đúc kết và xem đó là vấn nạn rất đau lòng, khi mà tri thức chưa được sử dụng đúng đắn, có liên quan đến chuyện học tập trong nhà trường. Tâm lý chung của nhiều người là khi học người ta không học thật mà học cho xong để có cái bằng. Đến lúc ra trường, chỉ cần kèm theo một số tiền hay một số mối quan hệ, người ta sẽ có được công việc nhanh chóng, ổn định nên tìm cách “chạy việc”. Lợi dụng việc này, một số đối tượng tìm cách “ve vãn”, hứa hẹn để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, mỗi người dân cần hết sức cảnh giác với những thủ đoạn nêu trên. Thiết nghĩ, nếu trong một tổ chức, cơ quan nào đó, tất cả đều minh bạch, công bằng và dân chủ thực sự thì nạn “chạy việc” cùng những tiêu cực khác khó có đất dung thân.


Minh Đạt (Phòng Tham mưu)