A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hai mươi năm làm hội thẩm nhân dân

 

Tốt nghiệp Đại học Quốc gia hành chính tại Sài Gòn năm 1974 (dưới chế độ cũ), A Jar- người Xê Đăng- trú tại thôn Plei Đôn, xã Vinh Quang, Tp. Kon Tum, đã không ngừng đem sức lực và tri thức của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng một xã hội mới. Ngoài việc biên dịch, sưu tầm các sử thi, văn hóa dân gian người DTTS, ông còn có hai mươi năm gắn bó với công tác Hội thẩm nhân dân…

Sinh ra và lớn lên tại làng Kon Jong, xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà), cậu bé A Jar đã ham học từ nhỏ. Ước mơ cháy bỏng trên con đường đi tìm tri thức cũng được thực hiện khi mà cậu bé A Jar thi đỗ vào trường Đại học Quốc gia hành chính Sài Gòn (thời chế độ cũ). Sau khi tốt nghiệp ra trường 3 tháng sau thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Thế nhưng vì do sự định kiến lúc bấy giờ, anh học trò nghèo A Jar đành ngậm ngùi gác lại ước mơ được cống hiến của mình, đem dòng tri thức học được…lên rẫy. Suốt hai mươi năm miệt mài với rẫy nương, tưởng chừng một tri thức đã bị lãng quên vào quá khứ, nhưng A Jar vẫn không nản lòng, hằng đêm bên ngọn đèn dầu vẫn nghiên cứu và đọc sách để kiến thức khỏi bị mai một. Với bản tính hiền lành, chịu khó học hỏi, A Jar cũng “lọt vào tầm ngắm” của những người có trách nhiệm.

“Cái duyên” mà A Jar tham gia Hội thẩm nhân dân cũng thật tình cờ…Vào một buổi sáng nọ năm 1994, do quen biết từ trước, ông Chánh án TAND thị xã Kon Tum lúc bấy giờ, có đến nhà động viên và khuyến khích A Jar tham gia vào công tác xét xử của Tòa án với công việc của người Hội thẩm nhân dân. Niềm khát khao được làm việc, được cống hiến như nắng hạn gặp mưa rào, A Jar đã đồng ý “cộng tác” với Tòa án mặc dù chế độ thù lao mỗi phiên tòa thời ấy rất thấp.

Ban đầu, A Jar chưa hình dung được công việc của Hội thẩm nhân dân ra sao, nhưng chỉ khi tiếp xúc với một phiên tòa, với vốn liếng luật đã học, ông đã hình dung được công việc và ngày càng đam mê với cường độ làm việc không mệt mỏi. A Jar nhớ rõ vụ án đầu tiên mà mình tham gia xét xử, đó là vụ án trộm cắp tài sản, với kiến thức của mình và chịu khó nghiên cứu án từ trước, nên ông đã cùng với một Hội thẩm nhân dân nữa giúp thẩm phán chủ tọa phiên tòa làm rõ vụ án ngay từ đầu, để Hội đồng xét xử tuyên một bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội…Ngày qua ngày, công việc chính của ông vẫn là làm rẫy để nuôi 5 đứa con còn nhỏ, việc làm hội thẩm nhân dân “chỉ là thu nhập thêm cho vui, chứ ở nhà miết buồn lắm”- A Jar tâm sự như vậy.

Thắm thoắt vậy mà cũng hết một nhiệm kỳ Hội thẩm nhân dân, thấy A Jar thật sự có năng lực, TAND thị xã Kon Tum tiếp tục giới thiệu ông với HĐND thị xã để bầu ông vào Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ kế tiếp. Cứ như vậy A Jar đã có 20 năm làm Hội thẩm nhân dân thị xã, thành phố Kon Tum qua các thời kỳ. Trước khi phiên tòa diễn ra, ông thường dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu án, tìm ra được những lời khai, chứng cứ quan trọng, chuẩn bị lời thẩm vấn…để giúp cho Hội đồng xét xử xét xử một cách nghiêm minh, không để lọt tội và cũng không để làm oan người vô tội. A Jar không thể nhớ hết được mình đã tham gia xét xử bao nhiêu vụ án trong ngần ấy năm, ông chỉ biết chính xác là mới đây sơ kết nửa nhiệm kỳ 2011-2016, trong tổng số 25 Hội thẩm nhân dân, ông là người giữ kỷ lục tham gia xét xử với hơn 200 vụ án, trong khi đó có Hội thẩm nhân dân chỉ tham gia xét xử một vài vụ.

Qua thực tiễn tham gia xét xử, vào năm 2001, có vụ án mà ông cảm thấy đau lòng và ray rứt nhiều nhất là đôi vợ chồng đã ngoài 60 tuổi vì bất hòa mà dắt nhau ra tòa xin ly hôn, để lại phía sau những nỗi đau không nói nên lời của xóm giềng và con cháu…Theo lời A Jar kể lại, nhiều vụ án hình sự mà ông tham gia xét xử, có nhiều bị cáo tuổi đời còn quá trẻ mà đã sa chân vào vòng lao lý, trong khi cha mẹ, người thân có mặt tại phiên tòa thì nén nỗi đau quặn thắt để nuốt nước mắt vào lòng khi nghe tội trạng của con em mình và lời tuyên án đanh thép…

A Jar kể lại: “ Qua xét xử, tôi đều rút ra bài học kinh nghiệm, tùy theo bị cáo, tùy theo lứa tuổi, thành phần dân tộc, học vấn…mà mình có cách giáo dục riêng. Ví dụ như khi tham gia xét xử mộ vụ án trộm cắp tài sản, bị cáo có tuổi đời trẻ, tôi đều giáo dục bị cáo: hình phạt không phải là quan trọng, quan trọng là việc bị cáo phải biết ăn năn hối cải, sửa chữa lỗi lầm cải tạo tốt để không tiếp tục sa chân vào con đường phạm tội, đừng để phải gặp nhau ở tòa lần nữa. Tuổi đời các bị cáo còn trẻ, tương lai còn dài, trộm cắp không phải là một nghề, mà là con đường ngắn nhất để dẫn đến tù tội, chỉ có cải tạo tốt là con đường duy nhất để bị cáo hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội…” A Jar cho biết, mỗi khi nghe được những lời giáo huấn của vị Hội thẩm nhân dân trước phiên tòa, không ít người thân của bị cáo rất xúc động. Khi kết thúc phiên tòa, họ chờ ông nơi cổng tòa án để nói lời cảm ơn vì ông đã gióa dục tốt cho con em họ. A Jar cũng cảm thấy vui vì đây coi như một phần thưởng cho mình…Ngoài việc tham gia xét xử với vai trò Hội thẩm nhân dân, A Jar còn tham gia phiên dịch các thứ tiếng Xê Đăng, Ba nar, Ja Rai, Rơ Ngao… tại TAND thành phố hoặc TAND tỉnh khi các bị cáo là người DTTS.

Với hai mươi năm giữ vai trò Hội thẩm nhân dân, A Jar trở thành người “độc nhất vô nhị” với thâm niên giữ vai trò hội thẩm. Ngoài thời gian nghiên cứu án, tham gia xét xử…A Jar còn dành hết tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho việc lưu giữ và bảo tồn văn hóa dân gian các dân tộc Tây Nguyên. Với việc sưu tầm và biên dịch 40 truyện cổ tích, dịch 15 tập sử thi, sưu tầm khoảng 500 câu tục ngữ, 400 câu đố của các dân tộc Ba Nar, Xê Đăng… có thể nói ông là một trong những người nghiên cứu và sưu tầm văn hóa dân gian DTTS có một không hai ở tỉnh nhà. Vậy mà, hai mươi năm giữ vai trò Hội thẩm nhân dân, cuộc sống của gia đình ông vẫn còn khó khăn lắm, không bảo hiểm y tế, không lương…chỉ là tham gia phiên tòa nào hưởng tiền phiên tòa ấy (trước đây là 50 ngàn đồng/phiên tòa nay đã tăng lên 100 ngàn đồng/ phiên tòa). Chuyện đời thường cứ vậy mà A Jar vẫn còn buồn lắm, mong muốn có một cái vi tính để viết bài cho đỡ mỏi cái tay mà cũng đành gác lại vì cuộc sống gia đình khó khăn. Niềm mong mỏi của ông hiên nay là làm sao các cơ quan có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí để công trình văn hóa dân gian của ông được in ấn, được phát hành rộng rãi tới tay bà con DTTS, để sản phẩm của ông được “cất cánh” hòa quyện vào không gian rộng lớn của văn hóa dân tộc Việt Nam.

 

alt

alt

Ảnh: A Jar giới thiệu các tập sử thi của mình

 

Bài, ảnh Đức Nhuận (CTV)