A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Nhìn chung Công tác thi hành án hình sự (THAHS) tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn; tuy nhiên, công tác này còn tồn tại một số hạn chế và khó khăn.

D:TTĐTanhmoiphoi hop trong THAHS tai XPTT.jpg

Các lực lượng chức năng phối hợp thực hiện công tác THAHS tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum

(ảnh minh họa)

Kon Tum là một tỉnh miền núi với diện tích hơn 9.690 km2, giáp với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai và hai nước Lào và Campuchia với đường biên giới dài 292,522 km. Dân số tính đến tháng 11/2018 có 583.382 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%; dân cư phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở thành thị và các trung tâm hành chính. Nhìn chung điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn so với các tỉnh trong khu vực và mặt bằng chung của cả nước, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán nhiều nơi còn lạc hậu, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới… do đó, nhận thức và ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Theo thống kê của Công an tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 254 đối tượng chấp hành hình phạt tại xã, phường, thị trấn (án treo 199 đối tượng, cải tạo không giam giữ 54 đối tượng, quản chế 01 đối tượng). Trong đó, có mặt tại địa phương 252 đối tượng, vắng mặt không có lý do 02 đối tượng. Trong 02 năm 2017 và 2018 đã tiếp nhận 214 đối tượng chấp hành án tại xã, phường, thị trấn (án treo 125 đối tượng, cải tạo không giam giữ 89 đối tượng); số đối tượng trước năm 2017 chuyển sang 331 đối tượng (án treo 247 đối tượng, cải tạo không giam giữ 83 đối tượng, quản chế 01 đối tượng); số giảm trong 02 năm 2017 và 2018 là 291 đối tượng (án treo 173 đối tượng, cải tạo không giam giữ 118 đối tượng); trong 02 năm này, có 265 đối tượng chấp hành xong án phạt, trong đó đã cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cho 234 đối tượng, chưa cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt đối với 31 đối tượng (chưa đủ tài liệu 09 đối tượng, lý do khác 22 đối tượng); trong số các đối tượng đang chấp hành án, có 08 đối tượng phạm tội mới, 03 đối tượng chuyển đi địa phương khác, 02 đối tượng chết.

Nhìn chung Công tác THAHS tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong công tác tiếp nhận, lập hồ sơ, quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn, cụ thể:

Cơ quan THAHS cấp tỉnh, cấp huyện đã làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các nội dung công tác THAHS tại xã, phường, thị trấn; kịp thời tham mưu lãnh đạo Công an cùng cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến THAHS tại xã, phường, thị trấn; tiếp nhận, lập hồ sơ THAHS tại xã, phường, thị trấn nghiêm túc theo đúng quy định và đảm bảo về thời gian; công tác miễn, giảm thời hạn chấp hành án được quan tâm thực hiện, tuy nhiên trong 02 năm 2017 và 2018 qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chuẩn thì không có đối tượng nào đủ tiêu chuẩn để được xét giảm án.

UBND cấp xã đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở thực hiện công tác THAHS tại xã, phường, thị trấn; chỉ định các cá nhân, tổ chức, đoàn thể cụ thể tham gia giám sát, giáo dục người chấp hành án, tiến hành gọi hỏi, răn đe, làm công tác tư tưởng cho đối tượng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THAHS đối với người chấp hành án tại xã, phường, thị trấn; tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành án tại xã, phường, thị trấn tìm kiếm việc làm, không mặc cảm, kỳ thị với những người này. Người trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án tại xã, phường, thị trấn (người thuộc tổ chức đoàn thể, cán bộ tư pháp, thân nhân người chấp hành án…) đã nêu cao vai trò trách nhiệm trong công tác giám sát, giáo dục người chấp hành án tại xã, phường, thị trấn; cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc, học tập, công tác… về cơ bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chấp hành án; quan tâm, tổ chức các buổi sinh hoạt để tuyên truyền pháp luật, làm công tác tư tưởng cho đối tượng…

Đồng thời đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn luôn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật, ý thức về thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án, có thái độ tích cực trong hòa nhập cộng đồng; khi được UBND cấp xã triệu tập, phần lớn người chấp hành án có thái độ chấp hành tốt, có mặt theo đúng thời gian theo giấy triệu tập.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát THAHS với các lực lượng khác trong Công an tỉnh, giữa lực lượng Cảnh sát THAHS với chính quyền cơ sở, với Toà án, Viện kiểm sát, với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình quản lý, giáo dục đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn được thực hiện thường xuyên, đảm bảo yêu cầu đề ra: Cơ quan THAHS cấp tỉnh, cấp huyện đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính, Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự… trong công tác tuyên truyền pháp luật về THAHS, vận động nhân dân không có thái độ kỳ thị, mặc cảm đối với những người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn, phối hợp trong công tác nắm tình hình, quản lý, giám sát đối tượng, công tác lập, theo dõi, quản lý hồ sơ trong công tác THAHS tại xã, phường, thị trấn; phối hợp với chính quyền và công an cấp xã kiểm tra hồ sơ, kết quả thực hiện các nội dung trong công tác theo dõi, quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn đối với người được giao trực tiếp quản lý, giáo dục đối tượng; phối hợp với Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức… trong tiếp nhận các quyết định, bản án, lập hồ sơ, xét giảm án, quản lý, kiểm tra, giám sát, giáo dục đối tượng; kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan trong giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án.

Tuy nhiên, trong công tác THAHS tại xã, phường, thị trấn còn gặp những khó khăn, hạn chế như: Nhiều cán bộ làm công tác THAHS và HTTP chưa được đào tạo đúng chuyên ngành; năng lực của cán bộ làm công tác này chưa thực sự đồng đều; ở một số đơn vị cấp huyện còn thiếu về biên chế và cán bộ làm công tác này phải kiêm nhiều công tác khác. Một số ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở còn thiếu sự quan tâm đối với công tác THAHS tại xã, phường, thị trấn, còn xem đây là trách nhiệm của lực lượng Công an; cán bộ được phân công giám sát, giáo dục đối tượng chủ yếu là kiêm nhiệm, không có nhiều kinh nghiệm trong công tác này. Các đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn tuy bị quản lý, giám sát và hạn chế một số quyền nhưng vẫn ở ngoài xã hội, do đó có lúc người chấp hành án tự ý đi khỏi địa phương không xin phép gây khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục và khi áp dụng các hình thức để xử lý vi phạm này thì không thi hành được. Công tác phối hợp có lúc, có nơi chưa thường xuyên và đảm bảo; một số người được giao quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn chưa chặt chẽ, còn mang tính hình thức. Địa bàn miền núi, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao… nên công tác quản lý các đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn còn những khó khăn nhất định. Chế tài xử lý vi phạm nghĩa vụ chấp hành án tại xã, phường, thị trấn chưa cao, chưa đủ sức răn đe đối tượng.

Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế là do: Các chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm; biên chế cán bộ ít và phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau; các điều kiện khó khăn điều kiện địa lý, về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác chưa tương xứng nên chưa thu hút được cán bộ chuyên tâm cho công tác này; công tác lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị buông lỏng; công tác đào tạo, tập huấn, bố trí, luân chuyển cán bộ chưa thực sự hợp lý; năng lực, trình độ của một số cán bộ làm công tác này còn hạn chế, còn tâm lý ỷ lại, phó thác cho lực lượng Công an.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án tại xã, phường, thị trấn trong thời gian tới:

Một là, đề cao vai trò, vị trí của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác này, từ đó tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở để lực lượng Công an cùng các ban, ngành, đoàn thể, các cá nhân, hộ gia đình phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn.

Hai là, thường xuyên gọi hỏi, kiểm danh, kiểm diện, đồng thời làm tốt công tác giáo dục pháp luật cho các đối tượng để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, không tái phạm và vi phạm pháp luật. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người nhận thức và không kỳ thị, mặc cảm với đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn và cùng chung tay, góp sức trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ những đối tượng này; kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để giới thiệu, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống cho các đối tượng này.

Ba là, có biện pháp và kịp thời khích lệ, động viên, đề nghị xét giảm án những trường hợp thi hành án tốt; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn trong hỗ trợ, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống; khuyến khích áp dụng, nhân rộng các mô hình điển hình, hiệu quả trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn; đồng thời, tăng mức xử lý đối với trường hợp vi phạm nghĩa vụ chấp hành án tại xã, phường, thị trấn để đảm bảo bản án được thực hiện nghiêm minh.

Bốn là, đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất, các trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác THAHS và HTTP đặc biệt là đối với các đồng chí trực tiếp phụ trách công tác quản lý đối tượng THAHS tại xã, phường, thị trấn và có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để động viên và thu hút cán bộ làm công tác này.

Thái Ngân