A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy hiểm từ các loại trà sữa không rõ nguồn gốc

 

Thời gian gần đây, ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, hàng loạt các cửa hàng trà sữa mọc lên như “nấm sau mưa” và đang trở thành một trong những loại thức uống được giới trẻ ưa chuộng nhất hiện nay. Với hương vị đa dạng, màu sắc đẹp mắt, vị ngọt dễ uống và giá cả phải chăng, trà sữa đã và đang chinh phục được số lượng lớn “tín đồ” ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, việc uống các loại trà sữa không rõ nguồn gốc có hại như thế nào, ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao thì hiện nay ít người quan tâm và biết đến.

 

Tác hại nguy hiểm với sức khoẻ khi sử dụng trà sữa

Các loại trà sữa không rõ nguồn gốc ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dùng


Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, hiện nay trà sữa cũng đã trở thành thức uống quen thuộc xuất hiện trong thực đơn ở hầu hết các quán cà phê. Cùng với đó, theo xu hướng chung, các cửa hàng trà sữa cũng xuất hiện khá dày đặc trên các tuyến đường nội thành phố. Với đủ các loại nhãn mác, tên gọi và đa dạng về màu sắc, chủng loại, trà sữa còn được bày bán trên những chiếc xe di động ở vỉa hè, lề đường với giá khá rẻ. Tuy nhiên, việc uống trà sữa tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe nếu sử dụng loại đồ uống này thường xuyên và liên tục. Bởi lẽ, hiện nay, ngoài những thương hiệu trà sữa có uy tín thì một số cửa hàng bán lẻ trà sữa sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra, trên những túi bột sữa, bột trà thường không ghi nhãn mác, hạn sử dụng hay thông tin về nhà sản xuất… điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của người sử dụng chúng. Việc sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền khiến các cửa hàng bán trà sữa thu được nhiều lợi nhuận nhưng khi uống trà sữa không rõ nguồn gốc trong một thời gian dài, hoá chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể và gây bệnh cho người dùng.

Phần lớn các “tín đồ” trà sữa hiện nay tập trung ở đối tượng là thanh thiếu niên và trẻ em. Trên những chiếc xe đẩy di động hay tại các cửa hàng, các hũ đựng đủ loại hạt trân châu, thạch trái cây, thạch phô mai, xí muội… màu xanh, đỏ, vàng, tím rất bắt mắt mà giá chỉ từ 10.000-18.000 đồng/ly. Tại đây, với một chai trà sữa nguyên chất đã được pha chế sẵn, khi có yêu cầu của khách, người bán lập tức đổ chúng ra ly và thêm đá cùng các loại thạch, hạt trân châu, bánh plan… Đáng lưu ý, mặc dù màu sắc đẹp nhưng chúng ta không biết rõ những loại hạt này được làm từ bao giờ, cách bảo quản ra sao. Và với mức giá chỉ từ 10.000-18.000 đồng/ly, liệu các loại nguyên liệu dùng để pha chế trà sữa có thực sự đủ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hay chỉ là những loại nguyên liệu công nghiệp rẻ tiền và chứa vô vàn những mối lo gây hại cho sức khỏe người dùng?.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ hàng loạt các vụ việc vi phạm kinh doanh buôn bán nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc, điều này đã dấy lên hồi chuông đáng báo động về trà sữa. Điển hình, chiều ngày 09/5/2016, Đội Quản lý thị trường lưu động thuộc Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai đã tiến hành kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh nguyên liệu trà sữa tại TP.Pleiku là Gia Thịnh Phát (số 19, Tăng Bạt Hổ) và Trần Gia (số 380, Hùng Vương). Qua kiểm tra, Đội phát hiện hàng trăm kg các mặt hàng, nguyên liệu dùng để chế biến trà sữa không có nhãn mác và chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ cũng như giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng lưu ý, đây là những cơ sở kinh doanh nguyên liệu lớn, cung cấp cho các quán cà phê, giải khát trên địa bàn Gia Lai và Kon Tum để chế biến trà sữa-một thức uống đang phổ biến trong lứa tuổi học sinh và giới trẻ hiện nay.

 

C:UsersAdminAppDataLocalMicrosoftWindowsINetCacheContent.Wordreceived_2013280782275505.jpeg

Hàng loạt những cửa hàng “trà sữa nhà làm” xuất hiện trên các tuyến đường trong TP.Kon Tum


Không những vậy, ở các địa phương khác, đặc biệt là các thành phố lớn, thời gian gần đây liên tiếp những lô nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc cũng bị phát hiện và thu giữ. Ngày 15/01/2018, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 6, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam có địa chỉ tại khuôn viên số 10, đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 2.000 túi trà có nhãn mác nước ngoài đang được cắt bao bì và đóng gói sang các bao bì bằng giấy bạc khác, dán tem mác của một số công ty sản xuất, chế biến chè uy tín của Việt Nam, cùng với hơn 100 hộp sữa đặc loại 5kg nhãn hiệu Zhejiang. Giám đốc công ty này đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số nguyên liệu trên. Trước đó, ngày 26/12/2017, tại kho hàng E6 trong sân ga Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ 320 thùng car-ton chứa hơn 4 tấn phụ gia, hương liệu như nước chanh dây, sirô, bột trân châu, trà, bột thạch… là nguyên liệu dùng để pha chế trà sữa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc với giá trị khoảng 600 – 700 triệu đồng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trà sữa mà chúng ta hay uống có thành phần chính là kem béo pha lẫn bột trà cùng các chất phụ gia khác như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu… Sữa trong trà nếu so sánh với sữa thật thì bị thiếu canxi, vitamin B, A, D, protein… Không những thế, trà sữa trân châu còn chứa một lượng lớn đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa rất không tốt cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, ở một số cửa hàng, trà trong trà sữa thực chất là tinh trà. Đây không phải là trà tự nhiên mà là một loại trà tinh chế tổng hợp cùng với bột màu, khi uống không khác gì so với trà tự nhiên nhưng tinh trà thuộc thành phần chất tổng hợp hóa học. Theo các chuyên gia, nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn thì cơ bản không gây nguy hiểm gì. Nhưng nếu thêm vào đó chất phụ gia vượt ngưỡng hoặc uống quá nhiều trà sữa trong thời gian dài sẽ gây tổn thương cho chức năng của gan, thận bởi lẽ sau khi tinh trà đi vào cơ thể phải cần gan và thận trao đổi bài tiết, gây thêm gánh nặng cho hai bộ phận này để lọc hết các thành phần hóa học tổng hợp. Ngoài ra, các loại chất hóa học trong trà sữa còn gây nguy cơ vô sinh ở nam giới, kinh nguyệt không đều ở nữ giới, sinh trẻ bị dị tật bẩm sinh, béo phì, thiếu sắt, ngộ độc…

Trân châu là thành phần không thể thiếu trong trà sữa. Thành phần chủ yếu của hạt trân châu đen là tinh bột lọc, đường cô đặc và các hương liệu thực phẩm. Đường cô đặc là một loại chất phụ gia thực phẩm, nhưng hàm chứa nhiều nguyên tố độc hại như thủy ngân (Hg), chì (Pb) và thạch tín (As). Ngoài các thành phần độc hại có trong hạt trân châu, nếu không cẩn thận trong dùng loại thực phẩm này cũng có thể gây hóc và dẫn tới tử vong. Bởi lẽ, người lớn, trẻ em khi uống trà sữa đều thích dùng ống hút để hút những hạt trân châu đen tròn, trơn, bóng. Nhưng với đường kính khá lớn, yết hầu, cổ họng, khí quản của trẻ có thể không đủ độ rộng để những hạt này trôi xuống và dễ gây ra hiện tượng hóc. Khi trẻ bị hóc, nếu không nhanh chóng xử lý kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Thời gian gần đây, bên cạnh các nhãn hiệu trà sữa truyền thống thì loại hình “trà sữa nhà làm” cũng xuất hiện khá nhiều và thường bày bán ở vỉa hè đường phố. Vì lo sợ nguy hiểm cho sức khỏe từ những loại trà sữa công nghiệp, từ “nhà làm” khiến người tiêu dùng an tâm hơn nên đã thu hút khá nhiều khách hàng. Trao đổi với nhân viên của một cửa hàng bán trà sữa khá “ăn khách” trên đường Hùng Vương, TP.Kon Tum, anh cho biết: “Mỗi ngày, cửa hàng bán ra khoảng hơn 300 ly trà sữa các loại với mức giá 15.000 đồng/ly và khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ; việc pha chế được thực hiện tại nhà và nguồn nguyên liệu sử dụng để pha chế chủ yếu mua từ Sài Gòn…”. Như vậy, có thể thấy, dù là trà sữa nhà làm thì cũng không tốt cho sức khỏe. Bởi lẽ, thực chất trà sữa nhà làm chỉ là tự pha chế ở nhà, còn các nguyên liệu, thành phần dùng làm trà sữa mua ở chợ hay các cửa hàng chưa chắc đã đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, việc kết hợp trà và sữa là hết sức phản khoa học. Các protein casein trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất trong trà-mà hợp chất này có tác dụng tăng cường bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch. Ngược lại, trà cũng đẩy nhanh quá trình đào thải canxi của sữa trước khi cơ thể kịp hấp thu.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người tiêu dùng, nhất là giới trẻ hãy là những người dùng thông thái, không nên uống các loại trà sữa không rõ nguồn gốc, các loại bày bán ở vỉa hè và không uống trà sữa thường xuyên, liên tục để bảo vệ cho sức khỏe của chính bản thân mình.


Khánh Vi