A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ kết 03 năm thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em

Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh thời gian qua ít phức tạp so với các địa phương khác.

Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sau khi Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm mua bán người đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai quyết liệt, mặc dù là địa bàn biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tình hình tội phạm mua bán người thời gian qua ít phức tạp so với các địa phương khác. Cụ thể:

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đồng thời, thường xuyên phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người bằng nhiều hình thức phù hợp, sinh động trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, mạng internet, các buổi tuyên truyền trực tiếp, sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư...

 

Tuyên truyền phòng, chống buôn bán người (ảnh: baohagiang.vn)

Tổ chức tập huấn kỹ năng cho các lực lượng tuyên truyền viên cơ sở, lực lượng chính trị nòng cốt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao; tổ chức nhiều lớp tập huấn liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, kỹ năng điều tra thân thiện và tuyên truyền viên pháp luật...

https://congan.kontum.gov.vn/upload/105000/fck/thaingan/2022_08_23_01_58_301.jpg

Nâng cao kỹ năng cho lực lượng tuyên truyền viên pháp luật (ảnh: hoilhpnlangson.gov.vn)

Duy trì, phát huy hiệu quả các hộp thư tố giác tội phạm, đường dây nóng, hộp thư điện tử trên Internet tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham  gia tố giác, cung cấp thông tin và kịp thời thông bảo về phương thức, thủ đoạn,hoạt động của tội phạm đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, mua bán người.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ chuyên sâu, nắm tình hình tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan; điều tra rà soát các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm và các băng nhóm, đường dây hoạt động phạm tội mua bán người. Chủ động quản lý số đối tượng có tiền án, tiền sự có điều kiện, khả năng phạm tội; số đối tượng có mối quan hệ thân tộc, dân tộc thiểu số làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, thường xuyên qua lại biên giới, có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội.

Lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, tập trung vào các khu vực trọng điểm, trọng yếu, chủ động nắm chắc tình hình; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm mua bán người và các hành vi có liên quan; thường xuyên trao đổi thông tin nghiệp vụ, quản lý hoạt động của các đối tượng có biểu hiện phạm tội thường xuyên qua lại biên giới, đối tượng người Việt Nam, người nước ngoài kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm khu vực biên giới để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi phạm tội mua bán người và tôi phạm có liên quan.

Chỉ đạo công an cấp xã, phường, thị trấn và soát lập danh sách số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do nghi ngờ bị mua bán để tập trung xác minh làm rõ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động, hành vi vi phạm quy định đối với các lĩnh vực kính doanh có điều kiện về an ninh trật tự; kết hôn, lao động có yếu tố nước ngoài và du lịch, thăm thân, cho nhận con nuôi... để chủ động phát hiện, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người và các hành vi có liên quan.

Trong kỳ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp nhận, điều tra 01 vụ án "Mua bán người" xảy ra vào tháng 4 năm 2022 do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum chuyển đến và đã khỏi tổ 03 bị can về hành vi “Mua bán người”, hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; giải cứu 01 nạn nhân.

Tháng 6 năm 2023, qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh đã phát hiện 01 vụ - 01 nạn nhân nghi vấn là nạn nhân của tội phạm mua bán người (nạn nhân bị dụ dỗ sang Myanmar để làm thuê sau đó bị bán vào 01 Công ty để cưỡng bức làm gái mại dâm); Công an tỉnh đã phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Trẻ em Rồng Xanh giải cứu thành công nạn nhân trở về nước; hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

https://congan.kontum.gov.vn/upload/105000/fck/hoangphuc/2023_08_08_10_07_508.png

Nạn nhân (áo đen) được lực lượng chức năng giải cứu thành công về Việt Nam (ảnh: congan.kontum.gov.vn)

Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã ký kết các biên bản ghi nhớ phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh biên giới với lực lượng chức năng các tỉnh giáp biên giới thuộc Lào và Campuchia; các bên đã xây dựng và thiết lập các kênh liên lạc, thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp xác minh các vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người. Thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức NGO nước ngoài trên địa bàn tỉnh nhằm trao đổi thông tin, tình hình, kịp thời phối hợp giải cứu nạn nhân và tổ chức các lớp tập huấn các kỹ năng về phòng, chống mua bán người trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống buôn bán người cũng tồn tại một số khó khăn như:

Xu hướng diễn biến của hoạt động này ngày càng phức tạp. Việc phát hiện thông tin nạn nhân bị mua bán, công tác phối hợp hỗ trợ, giải cứu gặp nhiều khó khăn do đa số các vụ việc, vụ án mua bán người đều xảy ra ở các địa phương khác, chỉ có người bị hại là người địa phương, hầu hết các đối tượng sử dụng mạng xã hội để liên lạc với nạn nhân gây khó khăn rong việc xác minh đối tượng phạm tội.

Trình độ, kiến thức chuyên môn của một bộ phận cán bộ chuyên trách thuộc các ngành chức năng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người còn hạn chế; số lượng cán bộ biết, thông thạo tiếng nước ngoài (Lào, Campuchia) rất ít, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Dự báo tình hình tội phạm mua bán người trong thời gian tới:

Do tác động của nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, nhiều gia đình kinh tế còn khó khăn, số người trong độ tuổi lao động không có việc làm ở địa phương cao, trình độ lao động, trình độ nhận thức hạn chế vì vậy họ phải tìm kiếm việc làm ở các địa phương khác nhất là các thành phố lớn thậm chí là ra nước ngoài lao động với mong muốn tìm kiếm cơ hội “đổi đời” dẫn đến tình trạng mua bán người ngày càng gia tăng theo các hình thức như:

Tiếp tục xuất hiện trường hợp các nạn nhân là người Việt Nam khi sang Campuchia làm cho các Công ty lừa đảo của Trung Quốc, khi họ làm giỏi việc và giữ các vị trí cao có thể sẽ về Việt Nam hoặc ở tại Campuchia để thành lập các công ty lừa đảo tương tự, dự báo có thể xuất hiện mua bán người nội địa, nạn nhân làm việc cho các công ty này ở Việt Nam hoặc nạn nhân Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm việc cho chính các công ty Việt Nam lừa đảo.

Tình trạng thông qua mạng xã hội để hoạt động mua bán người sang Campuchia, Myanmar để làm việc, nhưng thực chất là lừa bán nạn nhân vào các công ty do người Trung Quốc làm chủ hoặc bán nạn nhân xuống các tàu cá ở các tỉnh ven biển phía Nam và các tàu cá trên đánh bắt xa bờ dài ngày, tại đây nạn nhân bị đánh đập, cưỡng bức lao động.

Tình trạng mua bán trẻ sơ sinh thông qua các hội, nhóm kín trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo...; lừa bán các bé gái làm việc trong các cơ sở massage, karaoke, cafe kích dục.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Chỉ đạo chính quyền các cấp tích cực tham gia, thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm mua bán người ngay từ cơ sở. Tổ chức điều tra, khảo sát tình hình tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là tình trạng đưa người vượt biên, xuất cảnh, di cư trái phép và người vắng mặt tại địa phương không rõ lí do (nghi bị mua bán).

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người: kịp thời thông báo các phương thức, thủ đoạn, hoạt động mới của tội phạm mua bán người. Vận động người dân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, phát hiện, tố giác các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em để mua bán.

Triển khai thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ngay từ giai đoạn tiếp nhận, xác minh tin báo, tố giác tội phạm cho đến giai đoạn xét xử. Thực hiện tốt công tác bảo vệ nạn nhân trong quá trình, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án.

Thực hiện nghiêm túc các Điều ước quốc tế, Thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với các nước về phòng, chống mua bán người: trong đó chú trọng tăng cường hợp tác với các tỉnh giáp biên của Lào và Campuchia nhằm trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, xác định đầu mối cán bộ liên lạc, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội và giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan