Trại Tạm giam Kon Tum 26 năm tự hào, tiếp nối truyền thống lực lượng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (7/11/1950 – 7/11/2017)
Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum là một đơn vị nghiệp vụ độc lập thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an tỉnh Kon Tum, được thành lập vào năm 1991, có trách nhiệm giúp Giám đốc Công an tỉnh tổ chức công tác tạm giữ, tạm giam người có quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, người bị kết án tử hình theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội được khách quan, toàn diện, chính xác theo đúng pháp luật; tổ chức quản lý giáo dục và cải tạo phạm nhân tại Phân trại quản lý Phạm nhân trong Trại tạm giam theo quy định.
I/ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TỪ NHỮNG NĂM ĐẦU TIÊN.
Vào cuối năm 1964, đầu năm 1965, để giam giữ, xét hỏi, cải tạo bọn tề nguỵ, ác ôn, Ban an ninh tỉnh thành lập bộ khung trại phạm nhân tại H30 (huyện Đắk Glei), gồm 05 đồng chí trong đó 02 đồng chí lãnh đạo được điều động từ Bắc vào, 01 đồng chí từ Ban an ninh xuống và 04 đồng chí ở tiểu đội vũ trang là người địa phương. Quân số đơn vị lúc cao nhất cũng chỉ có từ 9 đến 11 người. Đây là tổ chức tiền thân của Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum ngày nay. Nhiệm vụ chính của Trại H30 là thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân, cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ trại và sản xuất phục vụ đời sống, bảo đảm kháng chiến lâu dài.
Năm 1965, Tỉnh uỷ quyết định tấn công cứ điểm Đắk Sút, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngày 20/8/1965, An ninh tỉnh thành lập Trại giam Đắk Pa, do đồng chí ….Bình làm trại trưởng. Sang năm 1972, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương và Khu uỷ khu V về mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn vào năm 1972, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tập trung mọi lực lượng mở chiến dịch Xuân-Hè 1972. Ban an ninh tỉnh tiến hành củng cố và thành lập trại Đắk Psi trên cơ sở sáp nhập trại 30 và trại Đắk Côi do đồng chí …Huân làm trại trưởng và thành lập đại đội quản lý trại giam (C3) nhằm đảm bảo công tác giam giữ và cải tạo phạm nhân. Trong kháng chiến chống Mỹ, Trại đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giam giữ, cải tạo các đối tượng tề điệp ác ôn, bọn phản động và bọn tội phạm hình sự nguy hiểm. Đồng thời đơn vị còn tổ chức tốt công tác tăng gia sản xuất, tự túc lương thực nuôi quân, nuôi phạm; bố phòng bảo vệ trại, đánh địch càn quét, tập kích giải thoát can phạm nhân trong trại. Trại giam H30 Ban An ninh tỉnh Kon Tum được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1998.
Năm 1976, Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai – Kon Tum được thành lập. Từ 1976 – 1991, đơn vị đã tiếp nhận giam giữ hàng trăm đối tượng trong các tổ chức phản động mới và hàng chục người vượt biên trái phép, hàng trăm tên FULRO và nhiều đối tượng hình sự khác, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
II/ NHỮNG THÀNH TÍCH ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC.
1/ Xây dựng nơi ở cho cán bộ và nơi giam giữ phạm nhân:
Trên địa bàn Kon Tum, Mỹ – ngụy đã huy động một lực lượng lớn quân chủ lực, thám báo, biệt kích, ra sức tìm diệt các cơ quan đầu não của cách mạng, vì vậy việc xác định địa điểm để xây dựng trại là một vấn đề rất khó khăn, phức tạp. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ban an ninh tỉnh đã tìm chọn địa điểm, và tháng 2/1965, H30 được xây dựng trên khu đất rộng 5.000m2 tại làng nước Tuồng, xã Đắk Sao, huyện H30 (nay là huyện Đắk Glei-Kon Tum).
Việc đi lấy gỗ, tre, nứa để xây dựng khu giam giữ phạm nhân hết sức gian khổ, phải tuyệt đối bí mật, không để lộ dấu vết đề phòng địch phát hiện đánh phá. Không những chỉ làm khu giam giữ chính thức mà còn phải làm khu dự bị để phòng khi địch đánh phá là có nơi sơ tán kịp thời. Để đảm bảo an toàn cho trại, đơnn vị đã có sáng kiến rào 3 lớp: gỗ, tre, lồ ô ở hàng rào lớp giữa, cứ cách 1 cây là có 2 cây chông cài theo kiểu chữ X. Phía bên ngoài có đào hầm sâu 2m, rộng 2m, cắm chông dày đặc. Vì vậy, trong quá trình giam giữ không có tên phạm nhân nào phá rào trốn thoát. Nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh, Khu đến đều đánh giá sáng kiến này có hiệu quả tốt và phổ biến cho các nơi học tập, làm theo.
2/ Công tác phát động quần chúng bảo vệ trại:
Trong thời kỳ địch thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, chúng ra sức đánh phá các vùng hậu cứ miền Nam, hòng ngăn chặn sự phát triển của cách mạng và hủy diệt sinh lực ta. Vì vậy, việc phát động quần chúng xung quanh khu vực trại có ý nghĩa rất quan trọng. Ban an ninh tỉnh đã cử đại đội phối hợp với tiểu đội bảo vệ trại phát động quần chúng nhân dân làng Đắk Xia, làng Kon Hla và Đắk Min xây dựng phong trào phòng gian bảo mật, lấy khẩu hiệu “không nghe, không biết, không thấy” để quần chúng học tập và vạch rõ âm mưu thủ đoạn của địch. Đồng thời, xây dựng mạng lưới cơ sở phục vụ cho công tác nắm tình hình của ta, vù vậy, ta đã xây dựng được phòng tuyến an ninh vững chắc quanh khu vực trại. Nhân dân đã cung cấp cho ta hàng ngàn nguồn tin quan trọng, giúp cơ quan an ninh bóc gỡ một số cơ sở địch cài cắm để dò la tin tức cung cấp tình hình trại cho chúng.
3/ Công tác bảo vệ khu giam giữ phạm nhân:
Công tác bảo vệ khu giam giữ phạm nhân được lãnh đạo trại luôn đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, việc bảo vệ an toàn trại là nhiệm vụ đầy hy sinh, khó khăn và gian khổ. Ở thời điểm thấp nhất có từ 40-50 phạm nhân trong trại, lúc cao nhất là 500 phạm nhân, chủ yếu là tù chính trị. Trong khi đó, chỉ có 08 đồng chí làm công tác bảo vệ. Không chỉ bảo vệ ban đêm mà còn bảo vệ ban ngày, dẫn giải phạm nhân đi lao động, sản xuất trong vùng rừng núi với tình hình hết sức khó khăn, gian khổ. Mặc dù vậy, không có đồng chí nào trong đơn vị thoái thác nhiệm vụ, lùi bước, nản lòng. Vất vả nhất là những đợt đưa phạm nhân đi sơ tán, chống máy bay địch oanh tạc. Từ năm 1965-1974, tại đã có 9 lần đưa phạm nhân đi sơ tán xa 3-4km ở vùng rừng núi. Trong những đợt sơ tán, anh em bảo vệ rất vất vả, vừa chống phạm nhân trốn vừa thay nhau cõng hàng, vũ khí, phương tiện sinh hoạt. Nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ an toàn tuyệt đối trước, trong và sau khi sơ tán. Khi đã tương đối ổn định ở nơi sơ tán mới, phải lo canh giữ phạm nhân không cho chúng nó trốn, vì khu vực giam giữ nơi sơ tán chỉ là tạm thời, hàng rào không che chắn không bảo đảm. Mặc dù, rất nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác bảo vệ phạm nhân, nhưng đơn vị đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó có những trận đánh địch, chống càn bảo vệ trại, tiêu biểu là:
Hồi 23 giờ, ngày 07/11/1965, địch cho một tiểu đội thám báo đột nhập khu vực trại nắm tình hình phục vụ âm mưu tập kích đánh phá trại, cướp phạm nhân. Đồng chí A Đen-Phó Giám thị chỉ huy trực gác đêm ấy phát hiện và tổ chức lực lượng vây đánh. Kết quả, ta bắt sống 01 tên, qua khai thác ta nắm được một số nguồn tin quan trọng phục vụ cho công tác bảo vệ, di chuyển đến địa điểm dự bị an toàn.
Đặc biệt là trận đánh lúc 05 giờ sáng ngày 12/9/1969, địch sử dụng 02 máy bay trực thăng đổ bộ 02 trung đội lính Mỹ và Nam Triều Tiên xuống định cướp tù binh. Lúc này, trại có 11 cán bộ chiến sĩ và hơn 400 tên phạm. Theo sự phân công của trại trưởng, 04 đồng chí đưa phạm nhân rút theo hướng dự kiến trước, 07 đồng chí còn lại đã dũng cảm tổ chức đánh địch từ 06 giờ sáng đến 11 giờ trưa, sau đó, tỉnh đã hỗ trợ lực lượng. Ta đã diệt và làm bị thương gần 20 tên, thu 15 khẩu súng, địch phải rút chạy. Phía ta hy sinh 01 đồng chí. Đơn vị đã bảo vệ an toàn trại và phạm nhân.
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, nhất là chiến dịch năm 1972, ta giải phóng Đắk Tô-Tân Cảnh, bắt được nhiều tù binh địch, trong đó có cả người nước ngoài Pháp, Đức và một số linh mục Thiên Chúa giáo. Số lượng phạm nhân nhiều, anh em bảo vệ vừa gác trại vừa phân công dẫn giải tù binh giao cho binh vận. Ta thực hiện tốt chính sách của Mặt trận, không đánh đập tù binh, không làm nhục hình hoặc vi phạm chế độ giam giữ.
4/ Công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân:
Ngày đầu trại mới thành lập, chỉ có 30-40 phạm nhân. Năm 1972, sau chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh, số phạm nhân tăng lên với 500 tên. Số phạm nhân này rất nguy hiểm và phức tạp, 90% là tù binh, chúng đều là tình báo, gián điệp, Cảnh sát đặc biệt, đảng phái phản động, ngụy quyền vốn có quá trình làm tay sai đắc lực cho đế quốc, tư tưởng phản động đã ăn sâu trong tiềm thức, có lối sống thực dụng… nên khi vào trại có nhiều mặc cảm, tuyệt thực, làm thơ văn phản động, đả kích, nuôi hy vọng địch quay trở lại.
Để chủ động đối phó với những âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống đối xảo quyệt, táo bạo liều lĩnh của Mỹ-ngụy nói chung và số can phạm nói riêng, trại đã tiến hành đồng bộ các biện pháp quản lý công khai và nghiệp vụ bí mật. Tổ chức học tập, khai báo tội lỗi, qua đó đã khai thác được hàng nghìn nguồn tin bổ sung vào hồ sơ, phục vụ công tác giam giữ và đánh địch. Kịp thời phân loại phạm nhân, xây dựng được hơn 210 lượt ĐT, có các phương án tổ chức thực tập bảo vệt an toàn trại trong mọi tình huống. Trong 10 năm (1965-1975), trại chưa để trường hợp nào gây bạo loạn, chống phá trại, hoặc để địch tập kích, cướp phạm nhân, gây ảnh hưởng xấu về chính trị.
5/ Thực hiện chính sách pháp luật trong công tác cải tạo phạm nhân:
Do yêu cầu nhiệm vụ, tháng 4-1968, Bộ điều đồng chí Huân về làm giám thị trại H30. Thời kỳ này cục diện chiến tranh đã thay đổi. Đối tượng giam giữ là bọn tay sai cho Mỹ-ngụy, có tội ác với nhân dân, nên có tư tưởng hoang mang, sợ cách mạng trả thù. Nắm được đặc điểm ấy, lãnh đạo trại đã vận dụng các hình thức, biện pháp giáo dục chính trị, tuyên truyền chính sách của ta, hàng tháng tổ chức nói chuyện thời sự tình hình quốc tế, trong nước, qua đó tác động đến tư tưởng phạm nhân. Đồng thời kết hợp với việc xét tha đề nghị ân xá, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần, phòng chữa bệnh…, phát động thường xuyên các đợt thi đua ngắn để thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng về đoàn tụ với gia đình. Trong hơn 10 năm đã mở được 142 đợt học tập chính trị, nghe thời sự, chính sách của Đảng đối với người phạm tội, pháp lệnh trừng trị các loại tội phạm, quyền lợi, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm của các trại viên trong học tập cải tạo. Đã có hơn 1.500 lượt phạm nhân tham gia học tập, thông qua các đợt học tập tuyệt đại đa số phạm nhân đã yên tâm cải tạo, không có biểu hiện chống đối, tự khai báo thêm tội lỗi, tố giác đồng bọn có âm mưu chống phá trại và số hoạt động cho địch, phục vụ cho công tác đánh địch lâu dài. Những đợt máy bay địch đánh, trại phải sơ tán hàng chục lần, sau những lần sơ tán như vậy, mặc dù công tác canh gác, bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn, số lượng phạm nhân nhiều, nhưng phạm nhân vẫn về đầy đủ, không thiếu tên nào. Nhiều phạm nhân vào trại mang nhiều bệnh xã hội: lậu, giang mai, xì ke, phù thũng, kiết lỵ…Mặc dù thiếu thuốc, nhưng kết hợp Đông Tây y trại đã chạy chữa tích cực, điều trị cho 1.210 lượt phạm nhân và cứu sống 89 trường hợp phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong thời gian ngắn đã lành bệnh và duy trì thường xuyên công tác vệ sinh phòng bệnh. Mặc dù sống trong môi trường rừng núi, điều kiện vật chất thiếu thốn, nhưng trại đã không để xảy ra dịch bệnh lây lan. Trại đã tích cực trồng thuốc Nam, chế biến dược liệu, tự bào chế được hàng trăm ngàn viên thuốc, gần 100kg cao xương tổng hợp bồi dưỡng cho cán bộ và phạm nhân.
6/ Các chế độ xét, tha, giảm án, lưu ký, đều bảo đảm đúng luật, đúng chính sách. Trại đã đề nghị trên tha 311 tên, giảm án 122 tên. Những hành vi phạm tội mới trong trại đã kịp thời làm rõ lập hồ sơ đề nghị truy tố, tăng mức án, có tác dụng răn đe giáo dục những phạm nhân khác.
7/ Công tác tổ chức lao động sản xuất làm ra của cải, tự túc lương thực giảm chi phí cho Nhà nước:
Quán triệt chính sách giáo dục chính trị tư tưởng, với giáo dục bằng lao động sản xuất để cải tạo con người và tạo ra nguồn của cải vật chất cho xã hội, giảm bớt chi phí cho Nhà nước, lãnh đạo trại đã khẩn trương phân loại, bố trí lao động đảm bảo yêu cầu giam giữ và sản xuất, từng bước đưa toàn bộ nhân lực phạm nhân khai thác tiềm năng đất đai, khai hoang ruộng rẫy và xây dựng các công trình khác đáp ứng được mọi yêu cầu nhiệm vụ theo từng giai đoạn của trại. Trong gần 10 năm, trại đã tổ chức khai hoang được 80 ha ruộng nước, 123 ha ruộng rẫy trồng bắp, mì, mở rộng hệ thống thủy lợi đào đắp hàng ngàn mét khối kênh mương phục vụ tưới tiêu, rau xanh…, kết hợp làm nông nghiệp với phát triển chăn nuôi, mỗi năm sản xuất từ 6-10 tấn thịt heo, chưa kể thịt gà, bò, dê. Trong quá trình sản xuất không những trại đã hoàn toàn tự túc được lương thực, thực phẩm nuôi sống cán bộ, phạm nhân mà còn nuôi cả lực lượng Ban An ninh tỉnh lúc bấy giờ. Ngoài ra, trại còn thành lập đội vận tải từ 6-8 người, đều là phạm nhân, tự giác, khỏe mạnh, mỗi tháng một lần đi gùi hàng nhu yếu phẩm như muối, bột ngọt, dầu lửa…từ Trà My (Quảng Nam-Đà Nẵng) về phục vụ sinh hoạt của trại.
III/ HÌNH THÀNH TRẠI TẠM GIAM CÔNG AN TỈNH KON TUM
Sau ngày tái thành lập tỉnh, cùng với việc thành lập các phòng, ban nghiệp vụ của Công an tỉnh, Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum cũng được thành lập. Số cán bộ chiến sĩ công tác tại Trại tạm giam T20 được phân công nhiệm vụ tiếp quản Nhà tạm giữ Công an thị xã Kon Tum để quản lý, giam giữ can phạm nhân. Năm 1992, Trại Tạm giam Công an tỉnh được xây dựng trên địa bàn phường Duy Tân, thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum) với tổng diện tích là 04ha. Từ tháng 12/2016 Trại tạm giam Kon Tum đã chuyển lên cơ sở mới tại Thôn 7, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tách biệt với khu dân cư, số lượng can phạm có lúc trên 200 người nhưng qua 20 năm, đơn vị đã từng bước được củng cố cơ cấu tổ chức bộ máy; hoàn thành tốt công tác quản lý, giam giữ, không để xảy ra trường hợp thông cung, trốn trại hoặc tình trạng “đầu gấu”, suy kiệt trong các buồng giam, đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
Cán bộ Trại tạm giam hướng dẫn cho phạm nhân chăm sóc cây cảnh, làm đẹp cảnh quan môi trường
Đặc xá đã thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cũng là cơ hội để phạm nhân làm lại cuộc đời
Giấu điện thoại di động vào đế dép cao su là một trong vô vàn những thủ đoạn tinh vi mà phạm nhân có thể nghĩ ra
Phạm nhân đang chấp hành án tại Phân trại quản lý phạm nhân được Trại tạo mọi điều kiện sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, là nguồn động viên kịp thời để họ quyết tâm phấn đấu sớm trở về cộng đồng
Đơn vị được tặng thưởng các danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; nhiều năm liền Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh, đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”; nhiều cá nhân được Bộ Công an, Công an tỉnh tặng thưởng các danh hiệu.
Trong những năm qua, khi mà các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá ta trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, thêm vào đó là các luồng tư tưởng tiêu cực cũng tràn vào tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, đến một bộ phận nhân dân đặc biệt là giới trẻ hiện nay mang lại những hệ quả tiêu cực: các tội phạm trong thanh thiếu niên ngày càng tăng, các loại tội phạm nguy hiểm xuất hiện nhiều với hành vi phạm tội liều lĩnh, manh động hình thành các băng ổ nhóm hoạt động mang tính chất xã hội đen…Chính vì điều đó, với đặc thù công tác chuyên môn đơn vị phải tổ chức quản lý, giam giữ giáo dục và cải tạo một số lượng lớn can phạm, phạm nhân trong đó có những đối tượng rất nguy hiểm, phạm các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có tư tưởng ngoan cố xảo quyệt, không ăn năn hối cải về hành vi của mình mà luôn tìm mọi cách chống phá, trốn trại hay vi phạm nội quy quy chế của Trại. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam, phải làm sao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, giáo dục can phạm, phạm nhân để vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật những cũng phải thể hiện chất giáo dục thấm đẫm tình người, tình đời của công tác Trại giam. Thấm nhuần được điều này cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Lãnh đạo Trại, toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đã đoàn kết, khắc phục khó khăn gian khổ, vận dụng nghiêm túc sáng tạo, có chiều sâu các quy định của pháp luật vào công tác chuyên môn của đơn vị góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đi đến mục tiêu chung giáo dục cải tạo những con người lầm lỗi trở thành người lương thiện, sớm hoà nhập sống có ích cho gia đình, xã hội và đất nước./.
Trọng Quỳnh