A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với trụ sở làm việc

Trong thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ tại các trụ sở làm việc gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là một hồi chuông cảnh báo trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đối với các trụ sở làm việc.

Điển hình như: Vào khoảng 04h30′ ngày 17/02/2020, xảy ra cháy tại UBND xã Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã làm một người tử vong.

Hay một vụ khác vào hồi 08 giờ ngày 22/7/2020, xảy ra cháy tại trụ sở Chi cục Thuế thành phố Vinh số 29 đường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến nhiều nhân viên và khách hàng đang làm việc, giao dịch tại đây hốt hoảng bỏ chạy, vội đưa xe máy và ô tô ra khỏi sân tòa nhà.

Riêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng đã xảy ra một số vụ cháy trụ sở làm việc, cụ thể:

Vụ thứ nhất: Vào khoảng 15h40′ ngày 09/3/2015, xảy ra cháy tại Phòng Giáo dục huyện Kon Rẫy, vụ cháy đã thiêu rụi hai căn nhà, nhiều tài liệu cùng thiết bị có giá trị tại trụ sở.

Lửa bắt lên dữ dội tại Phòng Giáo dục huyện Kon Rẫy chiều 9-3 - Ảnh: Đ.M Vụ cháy Phòng Giáo dục huyện Kon Rẫy

Vụ thứ hai: Vào khoảng 20h32′ ngày 20/11/2017, xảy ra cháy tại UBND xã Diên Bình, huyện Đăk Tô. Vụ cháy đã làm hư hỏng toàn bộ vật dụng và thiêu hủy một số tài liệu trong phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy xã Diên Bình.

Chay UBND xa Dien Binh anh 1Vụ cháy UBND xã Diên Bình, huyện Đăk Tô

Để đảm bảo an toàn PCCC đối với các trụ sở làm việc, song song với việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định an toàn PCCC, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Ban hành và tổ chức thực hiện quy định an toàn PCCC; niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, tiêu lệnh chữa cháy tại những nơi có nguy hiểm cháy, nổ; niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC.

3. Chỉ đạo tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ đưa nội dung PCCC vào chương trình hoạt động để phát động đoàn viên, hội viên tham gia PCCC. Tổ chức cho các tập thể và cá nhân ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC.

4. Không lập bàn thờ, thắp hương, nến thờ cúng tại trụ sở cơ quan.

5. Không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng dầu, gas.

6. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, ốp trần, tường, vách ngăn…

7. Thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC, khắc phục những thiếu sót về PCCC, thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC.

8. Lắp đặt hệ thống điện theo đúng quy định an toàn PCCC, lắp đặt aptomat từ nguồn cấp điện chính, cho từng tầng, từng phòng làm việc và từng thiết bị có công suất lớn; kiểm tra, cắt điện đối với hệ thống điên, thiết bị điện không cần thiết trong giờ nghỉ hoặc khi hết giờ làm việc.

9. Quy định nơi hút thuốc, có thùng đựng mẩu thuốc lá không cháy.

10. Trang bị đủ phương tiện chữa cháy tại chỗ phù hợp với yêu cầu chữa cháy của từng khu vực, thiết bị cứu người; hướng dẫn cán bộ công nhân viên sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị đó.

11. Tổ chức lực lượng PCCC cơ sở, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và duy trì hoạt động thường xuyên đối với lực lượng này.

12. Đầu tư kinh phí cần thiết cho hoạt động PCCC.

13. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, trong đó có giả định tình huống cháy lớn phức tạp nhất có huy động sự tham gia phối hợp lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, đơn vị.

14. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho Cảnh sát PCCC số máy 114 và huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy.

15. Phổ biến cho toàn thể cán bộ, công nhân viên trong cơ quan biết các nội dung trên.

Duy Tuấn