A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Trong những năm qua, thực hiện quy định của pháp luật trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Kon Tum đã quan tâm, chủ động thực hiện có hiệu quả công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2019, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức 11 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chủ doanh nghiệp, cán bộ và công nhân viên với 740 người tham gia. Qua các lớp huấn luyện, đã trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng về PCCC và CNCH nhằm chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện, chữa cháy, CNCH kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu số lượng vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố và thiệt hại gây ra, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

IMG_2773

Hình ảnh lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH

Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót như: Số lượng các lớp huấn luyện nghiệp vụ còn chưa đáp ứng được so với nhu cầu; một số lớp huấn luyện nghiệp vụ đã tổ chức kết quả đạt được chưa cao.

Nguyên nhân của các tồn tại, thiếu sót trên chủ yếu do nhận thức của người tham gia huấn luyện còn thấp, mang tính đối phó, tham gia theo yêu cầu của lãnh đạo đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở, chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC và CNCH; một số đơn vị chưa làm tốt công tác tham mưu để tổ chức các lớp huấn luyện trên địa bàn.

Nhằm nâng cao công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH trên địa bàn quản lý. Tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, hộ gia đình tích cực đăng ký tham gia.

Hai là, Rà soát, bổ sung các quy định, quy trình tổ chức huấn luyện và cấp giấy chứng nhận đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo quy định về cải cách hành chính; công tác huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận phải đảm bảo nghiêm túc, đánh giá đúng chất lượng.

Ba là, Củng cố, hoàn thiện nội dung huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH phải thiết thực, hiệu quả, đảm bảo theo quy định và phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, loại hình cơ sở, thành phần tham gia; trong đó tập trung vào các loại hình có nguy hiểm cháy, nổ cao như: Chợ, trung tâm thương mại; kinh doanh xăng, dầu, gas; bệnh viện, trường học; khu dân cư tập trung; cơ sở chế biến lâm sản, may mặc….

Bốn là, Nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công nhân, nhân viên, người lao động, người kinh doanh, chủ hộ gia đình khi tham gia các lớp huấn luyện để họ hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, qua đó nâng cao tính tự giác, ý thức trách nhiệm, góp phần đảm bảo chất lượng công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH.

Bá Tuấn (Phòng CS PCCC và CNCH)