A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Đẩy mạnh tuyên truyền đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Thời gian qua, lãnh đạo Công an tỉnh Kon Tum đã tích cực chỉ đạo các lực lượng chức năng, Công an cấp xã tổ chức tuyên truyền vào các buổi tối tại các tổ, thôn, làng trên địa bàn về nội dung hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Tham dự các buổi tuyên truyền này có cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06, Tổ thực hiện Đề án 06 ở các tổ dân phố; đại diện hộ kinh doanh có điều kiện và cán bộ, hội viên, đoàn viên Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên trên địa bàn.

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tiện ích của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính Phủ (Đề án 06/CP). Các cán bộ, chiến sĩ Công an trực tiếp hướng dẫn đăng ký, đăng nhập sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trên điện thoại thông minh.

Hiện nay, Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Đề án 06 tới các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú; vận động, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, người dân tích cực tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là đối với 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 nhằm đảm bảo thực hiện Đề án chất lượng, hiệu quả, hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân về tiện ích của thẻ Căn cước công dân gắn chíp và định danh điện tử với các giao dịch trong đời sống hàng ngày. Cập nhật các phần mềm, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân để triển khai thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Đến ngày 13/7/2022, Công an các đơn vị, địa phương đã thu nhận 369.081 hồ sơ cấp Căn cước công dân.

z3550872088167_25bfd8abd8f4f2e4a4d78d4b910620b9

Lực lượng chức năng tiến hành thu nhận vân tay cho người dân đề nghị cấp Căn cước công dân

Tuy nhiên, kết quả thu nhận hồ sơ định danh điện tử cá nhân để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các sở, ngành, địa phương còn thấp, trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 13/7/2022 đã thu nhận 3.715 hồ sơ định danh điện tử trong đó: Công an huyện Ngọc Hồi thu nhận 1.297 hồ sơ, Công an thành phố Kon Tum thu nhận 782 hồ sơ, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thu nhận 327 hồ sơ, Công an huyện Sa Thầy thu nhận 261 hồ sơ, Công an huyện KonPlong thu nhận 256 hồ sơ, Công an huyện Đăk Glei thu nhận 195 hồ sơ, Công an huyện Kon Rẫy thu nhận 183 hồ sơ, Công an huyện Đăk Tô thu nhận 151 hồ sơ, Công an huyện Tu Mơ Rông thu nhận 103 hồ sơ, Công an huyện Đăk Hà thu nhận 83 hồ sơ, Công an huyện Ia H’Drai thu nhận 77 hồ sơ.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến kết hợp, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Hiện nay dịch vụ công trực tuyến đã tập trung triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu và đã triển khai tích hợp các giấy tờ công dân để sử dụng thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNEID, trong đó tích hợp thông tin bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng… từ đó tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch. Do đó khi tổ chức cá nhân tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 sẽ nhận được các lợi ích sau:

- Thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh chóng thuận tiện 24/24 giờ trong ngày tại mọi địa điểm kết nối internet.

- Tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch, đơn giản thủ tục giấy tờ.

- Chủ động các công việc khác của dân.

- Theo dõi được tình trạng hồ sơ trên website trực tuyến, thời hạn giải quyết, trả kết quả hồ sơ.

- Bảo đảm công khai, minh bạch thủ tục hồ sơ.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia các đơn vị chức năng cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó: tập trung nghiên cứu, thiết kế tài liệu, làm tờ rơi… để lực lượng Cảnh sát khu vực phát đến người dân đọc, hiểu về vai trò, tầm quan trọng của việc xác thực điện tử, định danh điện tử, từ đó người dân hiểu và tự nguyện thực hiện; thông qua các kênh tuyên truyền khác nhau, vận động người dân tìm hiểu và thực hiện…

Yêu cầu 100% cán bộ, chiến sĩ Công an trực tiếp thực hiện công tác này nắm rõ quy trình cấp định danh điện tử cho công dân, cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp. Từng cán bộ, chiến sĩ là lực lượng nòng cốt, nêu gương, đi đầu làm nền tảng mở rộng tuyên truyền về những lợi ích của định danh điện tử cho người dân trên địa bàn./.

 

 


Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Tin liên quan