A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con dấu doanh nghiệp – nhiều vấn đề được quan tâm

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về vấn đề con dấu của doanh nghiệp, nhiều câu hỏi được đặt ra: con dấu doanh nghiệp do đơn vị nào cấp phép khắc dấu? ai thuộc quyền quản lý? Con dấu bị hư hỏng thì trả về đâu?….

Để tháo gỡ những vướng mắc trên và cũng để phổ biến cho mọi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm bắt, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH – Công an tỉnh Kon Tum hướng dẫn như sau:

– Trước đây, theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn hoạt động phải xin phép khắc dấu và phải được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý cho khắc dấu và cấp giấy đăng ký mẫu dấu. Doanh nghiệp muốn có con dấu thứ hai thì cũng phải xin phép và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 (có hiệu lực thi hành 01/01/2021) mới quy định doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp, nhưng phải bảo đảm nội dung con dấu thể hiện những thông tin tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. Sau khi quyết định rồi thì doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu đó với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Ảnh minh họa con dấu doanh nghiệp

– Đối với trường hợp làm mới con dấu: theo quy định mới, doanh nghiệp tự làm con dấu hoặc đặt làm con dấu theo quy định nêu trên và thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Đối với con dấu được làm trước ngày 01/7/2015, doanh nghiệp phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH- Công an tỉnh Kon Tum đồng thời thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– Đối với trường hợp làm mất con dấu: Khi mất con dấu, doanh nghiệp tự làm con dấu hoặc đặt làm con dấu theo quy định nêu trên và thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Đối với con dấu làm trước ngày 1/7/2015, doanh nghiệp đồng thời thông báo việc mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH- Công an tỉnh Kon Tum.

Tuy nhiên có một điểm các doanh nghiệp cần phải chú ý: Có những doanh nghiệp không được điều chỉnh bởi quy định về con dấu của Luật doanh nghiệp mà thực hiện theo Nghị định 99/2016/NĐCP của Chính Phủ về quản lý và sử dụng con dấu, đó là các doanh nghiệp và tổ chức được thành lập và hoạt động theo các luật sau đây: Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp, Luật Chứng khoán… Các doanh nghiệp này vẫn phải khắc dấu và đăng ký mẫu con dấu tại Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH – Công an tỉnh Kon Tum như trước khi Luật Doanh nghiệp 2020 ra đời. Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH vẫn sẽ có quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình quản lý và sử dụng con dấu của các doanh nghiệp là đối tượng được cơ quan công an cấp con dấu./.

Thanh Nga