A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm về người hành khất

Tôi từng nghe câu này: “Thanh xuân như một cơn mưa rào, mưa một lúc rồi tạnh ngay nhưng dư âm của nó thì còn mãi”. Tôi nghĩ đến những cơn mưa mùa hạ, mưa ào ạt, xối xả mà mát lành, mà ngọt lịm. Trong mưa vẫn lung linh sắc nắng, vẫn hồng nhuận sắc mây, và xanh mướt hàng cây được gột rửa sau những ngày gay gắt. Đến đấy rồi đi, để lại mặt đất hừng hực, vạn vật được tưới mát bừng bừng sức sống; phía chân trời cầu vồng rực rỡ như chiếc trâm cài lên bầu trời sáng trong.

Thanh xuân của tôi có những kỷ niệm đẹp đẽ, những kỷ niệm đó như cơn mưa rào để lại bao xúc cảm.

Tôi không nhớ rõ năm đó mình bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ trước ngõ nhà tôi có giàn hoa giấy hồng tươi, rủ xòa xuống cánh cổng sắt màu xanh biếc. Xác hoa giấy rụng đầy ngõ. Tôi vẫn thường tha thẩn chơi ở cổng.

Bố mẹ tôi là công chức nhà nước. Bố bận lắm, rất ít khi tôi được gặp Bố trong bữa cơm. Lúc nào cũng vậy, phải tới khi tôi ngủ say Bố mới về. Tôi không mở mắt nổi để chào Bố, nhưng tôi biết, lần nào về Bố cũng ghé qua phòng, hôn vào trán tôi. Còn mẹ thì lúc nào cũng tất bật với bao công việc không tên khi về đến nhà.

Tôi thường ở nhà với nội. Nội tuổi đã cao nhưng vẫn rất minh mẫn lắm. Vì Bố là con trai một nên khi Bố vào Nam lập nghiệp nội cũng đi cùng chúng tôi. Vì con cháu mà nội đi, chứ tôi biết nội nhớ quê lắm, thương quê lắm. Lần nào cũng vậy, có người quê vào là nội cứ mải miết hỏi chuyện. Cái chất giọng vùng biển xứ Nghệ đằm đằm, thương thương lạ. Tôi thích nghe nội nói, thích nghe nội kể về ngày xưa của nội, và thích mỗi chiều cùng nội quét xác hoa.

Lần đó, khi tôi đang chơi trò xếp hoa thì có một người ăn xin vào. Người ấy ăn mặc rách rưới, cả người nồng lên cái mùi cực khổ, đói nghèo. Cũng gần hết buổi chiểu. Trời mùa đông vô cùng ảm đảm. Chỉ có những bông hoa giấy như những ngọn đèn lồng tí xíu nhấp nháy trước cồng. Dù miền Nam không có mùa đông, nhưng có những ngày cái lạnh vẫn ập đến, đem thương nhớ cho những người xứ Bắc xa quê.

Mẹ lụi cụi trong căn bếp nhỏ. Bố thì đang bận với mấy chậu cảnh. Bận thế nhưng Bố chẳng bao giờ quên mấy chậu cây quý hiếm của Bố như quên hôn đứa con gái nhỏ trước mỗi buổi Bố về. Còn nội, vẫn như ngày thường, nội hết tìm việc này làm đến tìm việc khác. Hết quét ngõ, nội lại dọn cái này, dọn cái kia.

Người hành khất lóng ngóng, ngập ngừng. Một cụ ông cũng trạc tuổi bà nội tôi, dù được quấn quanh một cái áo dày nhưng trông ông vẫn gầy đét, quắt lại. Gương mặt hằn những nét khắc khổ. Nội tôi vừa nhìn đã biết ngay người miền Bắc. Có lẽ nội đã quen với hình ảnh người hành khất với cây gậy và chiếc bị trên vai. Nội la con Tô đang sủa nhặng lên, rồi nội mời người đó ngồi xuống chiếc ghế Bố vẫn kê nơi góc sân để uống trà khi rỗi rãi. Bố cũng dừng tay. Rất ít khi nhà tôi có hành khất, cả cái khu này cũng vậy.

Người hành khất chắp tay trước cây gậy, nắm chặt cái bị xin chúng tôi bố thí. Tôi vẫn nghe nội kể, ngoài quê mỗi lần có ăn mày đến, có người xua chó ra đuổi, có người cho nắm gạo, người cho đồng bạc lẻ. Mẹ tôi đang dọn mâm bát lạch cạch, mùi thức ăn bay ra thơm nức. Có Bố ở nhà nên mẹ làm món ốc om chuối, một món ăn Bố bảo ngày xưa nội hay nấu. Mẹ chạy ra, định biếu người hành khất chút tiền nhưng nội đã nói:

– Đến bữa rồi, mời ông vào ăn cơm cùng gia đình luôn.

– Vâng, ông vào ăn cùng gia đình bát cơm ạ. Mẹ H lấy thêm bát đũa nhé.

– Bố gọi vọng vào.

Người hành khất lúng túng xin được đi về. Có lẽ ông ngại, rất ngại. Tôi cũng lạ lẫm nhìn Bố. Dù không phải đây là lần đầu nhà tôi có ăn mày, nhưng chưa lần nào vào bữa cơm cả.

Rồi Bố tôi dìu ông lên bậc thềm. Có lẽ mùi thơm nức của thức ăn, có lẽ bóng tối đang chụp xuống rất nhanh, và cái bụng đói sôi réo rắt nên ông không từ chối nữa. Tôi nghĩ vậy.

Bố tôi lấy chai rượu ra, tôi nhanh chân lấy hai cái ly. Bố khen tôi ngoan, biết ý. Các anh chị tôi cũng ngồi vào mâm cơm. Bố rót rượu, ông đỡ lấy bằng hai tay ngượng ngập. Bố cụng ly, chúc sức khỏe, ông đỡ lấy cảm ơn rồi uống. Nội gắp thức ăn cho ông. Trong bữa cơm năm đó Bố và nội cùng mẹ hỏi về hoàn cảnh của ông, hỏi con cháu. Tôi vẫn nhớ đôi mắt ông rơm rớm khi kể về hoàn cảnh của mình. Mấy anh em chúng tôi ngồi hóng chuyện, mắt chằm chằm nhìn ông, khi lại nhìn Bố, nhìn nội. Chỉ khi mẹ thúc cho một cái, giục ăn nhanh người nào người nấy mới chịu bưng bát ăn.

Cuối bữa cơm, người ăn mày nói với chúng tôi, câu nói đó tôi nhớ rõ lắm. Ông bảo lâu lắm rồi ông mới được ăn một bữa cơm ngon như vậy. Mới có người đối tốt với ông như vậy. Ông khen món chuối om mẹ nấu. Và ông cầu phúc cho gia đình tôi. Lần đầu tiên trong cuộc đời người ăn mày như ông được chúc rượu.

Bố giữ ông lại ngủ, nội cũng nói trời tối rồi, nhà còn chỗ nhưng ông vẫn nhất quyết đòi đi.

Cảm thấy ái ngại cho ông, cả Ba người lớn nhà tôi để ông đi. Ông ra khỏi nhà rồi nội thở dài thương xót.

Câu chuyện ngày hôm đó suốt những năm ấu thơ tôi không nhớ nhiều, nhưng không hiểu sao khi tôi lớn lên nó lại có một sức hút kỳ lạ. Rất nhiều lần câu chuyện đó cứ trở đi trở lại trong tôi, cả mùi ốc om chuối, cả dàn hoa giấy bên cánh cổng màu xanh, cả buổi chiều mùa đông ảm đảm, cả những câu chuyện của nội và những cái hôn của Bố, cả đôi mắt mẹ. Thi thoảng, khi buồn tôi cũng nhớ đến nó. Và cũng với thời gian, nó trở thành một hồi ức đẹp, dai dẳng đeo bám nhưng chưa bao giờ, chưa bao giờ tôi có ý định gỡ bỏ nó ra khỏi miền ký ức.

Câu chuyện ấy đến giờ, khi nội không còn nữa nó lại trở nên thiêng liêng lạ kỳ!

Bùi Hoa