A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại

 

Thời gian gần đây, tái xuất hiện việc các đối tượng gọi điện thoại tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, thông báo tới người dân rằng họ có liên quan đến đường dây mua bán ma túy lớn hoặc các vụ phạm pháp, lừa đảo nghiêm trọng… yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Tin lời, không ít người dân “nhẹ dạ”, thiếu hiểu biết đã mắc bẫy lừa đảo tinh vi này.

       Nếu người dân nghi ngờ, để khiến người dân thực sự lo lắng và tăng sự tin tưởng, các đối tượng đọc đúng mọi thông tin cá nhân và bảo người dân cứ việc xác minh số máy gọi đến qua tổng đài 1080, khi người dân kiểm tra thì tổng đài xác thực đó đúng là số máy của cơ quan chức năng. Thực tế, theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), thủ đoạn của các đối tượng mạo danh lực lượng chức năng rất tinh vi khi dùng Internet thông qua phương thức VOIP (Voice over Internet Protocol – là phương thức truyền thông sử dụng giao thức TCP/IP dựa trên cơ sở kết nối Internet) để gọi điện, số điện thoại đến khi hiển thị trên màn hình điện thoại của người dân đều là giả mạo, được chúng thiết lập giống đầu số của các đơn vị Công an, Viện kiểm sát, Tòa án.

        Sau khi làm người dân tin tưởng, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người dân đến ngân hàng để mở thêm một tài khoản khác đứng tên của mình; đồng thời đăng ký dịch vụ Internet Banking cho tài khoản mà người dân đã mở bằng số điện thoại do chúng cung cấp. Tiếp đó, chúng yêu cầu người dân chuyển hoặc nộp tiền vào tài khoản vừa mở với lý do cần kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này có liên quan đến đường dây tội phạm hay không và giám sát tài khoản này. Sau đó, đối tượng yêu cầu người dân cung cấp toàn bộ tên đăng nhập (username), mã kích hoạt, mật khẩu (password) của tài khoản Internet Banking vừa mở. Các đối tượng sử dụng thông tin do người dân cung cấp đăng nhập chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking. Khi lừa đảo bằng thủ đoạn này, người dân nghĩ rằng tiền vẫn trong tài khoản mình đứng tên nên không cảnh giác đề phòng; còn với nhân viên ngân hàng khi thấy người dân đến nộp/chuyển tiền vào tài khoản của chính người đó đứng tên thì nghĩ không phát sinh vấn đề gì nên không cảnh báo với người dân về nguy cơ lừa đảo.

 

Người dân nên cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại.

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại (Nguồn internet)

       Một phương thức thủ đoạn mới khác mà đối tượng lừa đảo gần đây đã sử dụng là gọi vào điện thoại bàn thông báo người dân đang có bưu phẩm tại một ngân hàng và yêu cầu phải đóng phí gửi bưu phẩm nếu không sẽ bị trừ tiền tại bất cứ tài khoản ngân hàng nào của người dân. Khi người dân phản ứng, đối tượng lừa đảo sẽ chuyển máy kết nối đến các đối tượng giả danh cán bộ Công an đang điều tra các vụ án ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia… để yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng đưa ra.

        Để tránh rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo, người dân cần lưu ý những điểm sau:

        – Để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cần lưu ý không mua, bán, cho mượn giấy CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng… Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì, cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại.

 

        – Khi có người tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện đến hỏi việc thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan Công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ (ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc).

        – Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là kẻ lừa đảo, vì cơ quan Công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội. Mặt khác, cơ quan chức năng khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định hoặc lập biên bản. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng. Trong trường hợp chuyển tiền cho tài khoản người khác nghi hoạt động lừa đảo thì người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn.


Phòng Cảnh sát Kinh tế