A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt nhiều kết quả tích cực

Trong năm 2023, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh nên tình hình tội phạm về trật tự xã hội kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022, góp phần phục vụ nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng Công an tỉnh tổ chức thực tập phương án PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở

Lực lượng chức năng toàn tỉnh đã chủ động “nhận diện” tội phạm và triển khai các biện pháp phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm theo đúng quy định; tổ chức thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả; chất lượng giải quyết nguồn tin về tội phạm từng bước được nâng lên, nhất là hạn chế nhiều vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, khám phá và xử lý tội phạm vượt chỉ tiêu đề ra (100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận; tỉ lệ giải quyết, xử lý đạt 90,10%); tỉ lệ điều tra, khám phá các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%.

Qua đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế, kéo giảm. Trong kỳ đã phát hiện 406 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội (giảm 5,14% so với cùng kỳ năm 2022); Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ, môi trường 16 vụ phạm tội (giảm 15 vụ so với cùng kỳ năm 2022) và 40 vụ vi phạm pháp luật; 82 vụ về ma túy (giảm 05 vụ so với cùng kỳ năm 2022).

Công tác xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên địa bân. Các quyết định xử phạt được thi hành kịp thời, đảm bảo thời hạn luật định, không có trường hợp cưỡng chế thi hành, phát sinh trường hợp khiếu kiện, khiếu nại thấp đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả về công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh xảy ra hầu hết trên tất cả lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu là vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đất đai, xây dựng, lâm nghiệp...; đối tượng vi phạm chủ yếu có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, cụ thể:

Lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 22.454 trường hợp vi phạm hành chính (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: Đã xử phạt tiền 20.075 trường hợp với 37.648.060.391 đồng và xử phạt cảnh cáo 715 trường hợp. Số tiền chậm thi hành quyết định xử phạt tiền lâ 20.776.000 đồng; các khoản tiền khác thu từ xử phạt VPHC là 940.416.134 đồng.

Riêng lực lượng Công an đã phát hiện 18.373 trường hợp (tăng 10,2% với cùng kỳ năm 2022), đã xử phạt tiền 15.810 trường hợp vi phạm với 25.535.770.000 đồng và phạt cảnh cáo 715 trường hợp.

Tổng số trường hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính 10 trường hợp (tăng 02 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022), gồm: 01 trường hợp lập hồ sơ đề nghị giáo dục tại xã, phường, thị trấn và 09 trường hợp lập hồ sơ đề nghị đưa vâo cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tình hình tổ chức thi hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính 09 trường hợp đang chấp hành quyết định (tăng 01 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022) và 01 trường hợp được hoãn chấp hành quyết định.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật cũng tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như:

Các biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng phổ biến là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép… Tuy nhiên, công tác kiểm tra, theo dõi thi hành biện pháp khắc phục hậu quả chưa thực sự hiệu quả do các cá nhân, tổ chức vi phạm thường không tự giác chấp hành cũng như lực lượng thực thi công vụ còn mỏng chưa thực hiện đảm bảo công tác theo dõi, đõn đốc việc thi hành các biện pháp khắc phục. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa được triển khai thường xuyên.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đôi lúc còn thiếu chủ động, chưa phân tích, đánh giá được tình hình các loại tội phạm nổi lên trên từng địa bàn để đề ra các phương án phòng ngừa cụ thể.

Công tác rà soát, thống kê, lập hồ sơ quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy tại cơ sở chưa được thực hiện đầy đủ, chưa sát với tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, công tác vận động quần chúng Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được thường xuyên, liên tục; nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dẫn đến nhận thức về pháp luật của một bộ phận Nhân dân chưa cao…

 


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan