A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý người nước ngoài

 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước hết sức cụ thể, thiết thực như: Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.

 

Đ/c Đại tá Vũ Tiến Điền-Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại Hội nghị tập huấn triển khai Chương trình khai báo, tiếp nhận, quản lý, khai thác thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền Internet


Trên tinh thần đó, thực hiện số Thông tư 53/2016/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cách thức thực hiện khai báo, tiếp nhận thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở có người nước ngoài tạm trú trên địa bàn tỉnh thực hiện khai báo tạm trú, Công an tỉnh Kon Tum đã triển khai chương trình khai báo, tiếp nhận, quản lý, khai thác thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền Internet, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở lưu trú trong thực hiện trách nhiệm khai báo tạm trú cho người nước ngoài và công tác quản lý của lực lượng công an.

Năm 2017, có 4.814 lượt người nước ngoài đến địa phương. Người nước ngoài đến địa phương cơ bản hoạt động đúng mục đích nhập cảnh, chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của người nước ngoài cũng tiềm ẩn một số yếu tố phức tạp đòi hỏi lực lượng chức năng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trước tình hình đó, để làm tốt công tác quản lý hoạt động của người nước ngoài đến địa phương, đồng thời tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính cho người nước ngoài, Công an tỉnh đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Tổng cục An ninh – Bộ Công an tổ chức Hội nghị triển khai hệ thống khai báo, tiếp nhận và quản lý thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền Internet với sự tham gia của gần 300 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ các Phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố, Công an các xã, phường, thị trấn và đại diện các doanh nghiệp có người nước ngoài cư trú lao động, các cơ sở và nhân viên lễ tân của các khách sạn trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó chính thức triển khai chương trình khai báo, tiếp nhận, quản lý, khai thác thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền Internet.

Để nâng cao hiệu quả áp dụng chương trình, Công an tỉnh cũng đã có hướng dẫn thực hiện cụ thể từ việc đăng nhập Trang khai báo tạm trú đến nhập, rà soát, xác thực thông tin khai báo, cách thức đổi mật khẩu sau khi được cấp tài khoản và theo định kỳ; đồng thời, các đơn vị phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai Chương trình tại đơn vị, nêu rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế, nguyên và những đề xuất, kiến nghị.

Với chương trình này, không chỉ tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ sở có người nước ngoài lưu trú mà còn phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài và các yêu cầu nghiệp vụ của ngành. Thông qua việc kết nối, thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài thường xuyên được cập nhật, lưu giữ một cách khoa học, có hệ thống, tránh trường hợp trùng, bỏ sót hoặc cập nhật thông tin không kịp thời; đồng thời, thông tin cũng được chia sẻ cho các đơn vị nghiệp vụ của ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị đáp ứng yêu cầu phòng ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật của một số người nước ngoài.

Qua triển khai thực hiện Chương trình khai báo, tiếp nhận, quản lý, khai thác thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền Internet có thể thấy hiệu quả đạt được là khá lớn, tạo nhiều thuận lợi và tiện ích cho cả người nước ngoài đến địa phương, các cơ sở lưu trú và lực lượng công an, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ANTT trong tình hình mới. Chính vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng Chương trình thiết thực này nhằm góp phần xây dựng một tỉnh Kon Tum năng động, tiện nghi và mến khách trong mắt bạn bè quốc tế đến với địa phương.


Khánh Vi