A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều cần biết khi phát hiện đối tượng truy nã

 

Kon Tum là tỉnh cực bắc Tây Nguyên, giáp hai nước bạn Lào và Campuchia có địa hình hiểm trở, núi cao, rừng sâu, giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người. Đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, trên địa bàn tỉnh lại có nhiều rừng trồng cao su, cà phê với số lao động tự do lớn chủ yếu là người từ phía Bắc vào; đây là điều kiện thuận lợi để đối tượng truy nã lợi dụng hoạt động, cũng như dễ dàng lẩn trốn. Tính đến ngày 09/5/2014 trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện còn 74 đối tượng truy nã, trong đó có 17 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Công tác đấu tranh truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú vì thế luôn được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Chỉ thị số 07 về “Nâng cao hiệu quả công tác truy nã trong tình hình mới” còn cần sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là quần chúng nhân dân. Vậy để quần chúng nhân dân có cái nhìn tổng thể về đối tượng truy nã, bài viết xin đề cập đến một số vấn đề cần chú ý như:

Thế nào là đối tượng truy nã?

Điều 2 Thông tư số 13/2012 về Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã, quy định đối tượng truy nã là:

– Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.

– Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.

– Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.

– Người bị kết án tử hình bỏ trốn.

– Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.

Quyết định truy nã là gì?

Quyết định truy nã là văn bản pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự do cơ quan có thẩm quyền ban hành, được áp dụng đối với những đối tượng đã nêu ở trên.

Quyết định truy nã của cơ quan có thẩm quyền các cấp có giá trị pháp lý như nhau.

Mọi Quyết định truy nã đều có hiệu lực trên toàn quốc.

Ai là người có thẩm quyền bắt đối tượng truy nã?

Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất.

Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

Khi phát hiện đối tượng truy nã phải làm gì?

Do đặc điểm đối tượng truy nã là những đối tượng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, nên các đối tượng thường rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt; vì vậy khi phát hiện đối tượng truy nã hay phát hiện đối tượng nghi có dấu hiệu truy nã quần chúng nhân dân cần:

Truy cập trang thông tin điện tử của Cục cảnh sát truy nã tội phạm www.canhsat.vn/truyna/ , nhập tên của đối tượng nghi là có dấu hiệu truy nã để đối chiếu thông tin cũng như đặc điểm nhận dạng.

Gửi thông tin về đối tượng vào các hòm thư sau: hòm thư tố giác tội phạm của Cục cảnh sát truy nã tội phạm Email: cuctruyna@canhsat.vn , hòm thư tố giác tội phạm của Công an tỉnh Kon Tum  Email: kontum@canhsat.vn , hòm thư của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Kon Tum Email: truynacat.kt@gmail.com .

Gọi điện thoại đến số (060)3871352 để cung cấp thông tin hoặc trực tiếp tố giác thông tin đối tượng tại Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Kon Tum, số 680 Phan Đình Phùng , phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; hoặc Cơ quan Công an nơi gần nhất để biết và xử lý./.  

                                          alt

Ảnh minh họa (hộp thư tố giác tội phạm)

                                                                           Mai Hương (Phòng Cảnh sát TNTP)