A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trăn trở nỗi đau bạo lực gia đình

 

Trong những năm qua, bóng đen bạo lực gia đình đang xảy ra ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược và ngày càng nghiêm trọng.

Đặc biệt, với vai trò là những Chuyên gia tư vấn pháp luật, chúng tôi đã gặp gỡ và tư vấn cho không ít những mảnh đời éo le, bất hạnh, bị bầm dập bởi nỗi đau bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ.

Cách đây không lâu, chị Bùi Thị P, trú tại xã Y, huyện X, tỉnh Kon Tum đã tìm đến Văn phòng luật sư của chúng tôi để “cầu cứu”. Lúc đó, trời mưa rất to, chị H xuất hiện cùng chiếc xe Dream cà tàng cũ kỹ, quần áo ướt nhẹp, mặt mũi bầm tím, tóc tai bù xù, đôi dép mòn bạc. Chị ngó nghiêng với nét mặt vô cùng sợ hãi, vội vã đóng cửa văn phòng và nói: “Tôi xin lỗi nhưng xin hãy cứu tôi. Nếu biết tôi đến đây, hắn sẽ giết tôi mất”.  Rồi chị khóc, khóc nức nở như màn mưa trắng xóa ở ngoài kia.

Sau gần hai tiếng an ủi, lắng nghe chị P giãi bày, tôi được biết: Chị P kết hôn với anh Nguyễn Văn H lúc chị P mới 18 tuổi, khi đã mang trong mình thai nhi 04 tháng vì trót dại. Cuộc sống vợ chồng đến nay đã được 08 năm nhưng từ những ngày bụng mang dạ chửa, chị P đã bị anh H đối xử vô cùng tàn nhẫn. Từ những lời chì chiết, chửi bới, xúc phạm, anh H ngày càng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Anh ta lấy bất cứ cái gì để phang lên người vợ từ lò than, búa, ghế, đến chậu hoa, thậm chí đã có lúc anh ta cấm vợ giao du với bất cứ người nào. Mặc kệ hàng xóm can ngăn, cán bộ xã tổ chức hòa giải nhưng anh H vẫn chứng nào tật ấy, còn lớn tiếng: “Vợ tao, tao có quyền dạy”.

Điều đáng buồn, hành vi thú tính đó không chỉ được thực hiện những lúc say rượu mà ngay cả lúc anh H rất tỉnh táo. Chị P đã năm lần bảy lượt phải vào bệnh viện điều trị vì thương tích nặng. Công an xã cũng đã từng lập biên bản xử phạt vi phạm anh H nhưng thật đắng cay vì cuối cùng chị P lại là người phải bỏ tiền ra để nộp phạt cho chính kẻ đã bạo lực với mình.

Như giọt nước làm tràn ly, khi gần đây anh H còn tra tấn chị P bằng những “cuộc đòi yêu” như thú dữ. Anh ta lao vào xé quần áo, vừa quan hệ, vừa tát, vừa đấm, cào cấu, túm tóc dằn xuống giường và chửi: “Mày không chiều tao thì mày để dành cho bố mày à? Bộ quần áo của chị P bị xé tan nát như chính thân thể và tâm hồn của chị.

Chị P nghẹn ngào: “Đã có nhiều lần chị vùng bỏ chạy. Từ lúc làm vợ hắn, chị trở thành vận động viên điền kinh, vượt rào, vượt tường rồi em ạ (Chị cười gượng). Cũng có lúc không thể nào chạy thoát, chị cùng đường và muốn tự tử, nhưng vì thương con nhỏ dại nên chị lại thôi”. Tôi nhìn khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt buồn mênh mang của chị mà lòng đầy se sắt và chua chát.

Tôi biết rằng, chị P là một trong vô số những mảnh đời phụ nữ phải gánh chịu nỗi đau bạo lực gia đình. Tuy mỗi người chịu một kiểu bạo lực khác nhau (bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế) nhưng nỗi đau đớn tê dại trong tâm hồn, sự tuyệt vọng khốn cùng trong nghĩa tình dường như lại giống nhau.


alt

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)


Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật phòng chống bạo lục gia đình năm 2007, trong những trường hợp như chị Bùi Thị P nói riêng và những trường hợp bị bạo hành gia đình khác nói chung, chúng ta cần và nên biết về những quyền sau đây:

“a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”

Đồng thời, tại chương 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình cũng nêu ra các phương pháp phòng ngừa bạo lực gia đình như sau: “Thông tin, tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình; Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; Tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về bạo lực gia đình”, ngoài ra còn áp dụng việc xử phạt vi phạm. Đây là những biện pháp đã mang lại hiệu quả tuy nhiên vẫn không triệt để. Và quả thực để giải quyết triệt để nạn bạo hành gia đình là vô cùng nan giải.

Trên thực tế, biện pháp được áp dụng nhiều nhất vẫn là hòa giải cơ sở. Tuy nhiên, điều đáng trăn trở hiện nay là công tác hòa giải ấy còn diễn ra nửa vời. Đội ngũ làm công tác hòa giải cũng chưa có đủ kiến thức, kỹ năng. Họ thường mắc lỗi: xuê xoa, cầu hòa, kêu gọi: đóng cửa bảo nhau”, “một điều nhịn chín điều lành”, đổ lỗi do rượu nên mới gây bạo lực… Hơn nữa, khi hòa giải xong thường không lập biên bản, yêu cầu người gây bạo lực ký và cam kết không tiếp tục gây bạo lực, nếu có, sẽ xử lý nặng hơn. Như vậy, người gây bạo lực thường nghĩ “lời nói gió bay” lại chứng nào tật ấy.

Hội phụ nữ, đoàn thanh niên… cũng không mấy khi mổ xẻ được vấn đề, vì những đối tượng của nạn bạo lực chẳng đời nào chịu ngồi yên cho tổ chức mổ xẻ. Mà nếu họ có ngồi ở đó, thì tổ chức cũng chẳng thể đưa ra một hình phạt hoặc ràng buộc nào.


alt


Bên cạnh đó, không thể phủ nhận thực trạng rất nhiều nạn nhân bị bạo hành gia đình vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không vượt qua được lực cản tâm lý “vạch áo cho người xem lưng”, coi đó là chuyện nhà nào chẳng có, “cái bát còn có lúc xô nhau huống gì vợ chồng”. Đặc biệt các nạn nhân bạo hành gia đình là những người có chức vụ, là Đảng viên thì việc “vạch áo” để xã hội “xem lưng” lại càng khó gấp trăm ngàn lần bởi họ sợ ảnh hưởng đến công việc, danh dự, uy tín cá nhân. Một khi những người trong cuộc còn che đậy nỗi đau thì sẽ không có biện pháp hữu hiệu nào có thể hóa giải được nỗi đau đó.

Thậm chí, một số nơi, tại thôn xóm, xã phường còn không muốn công nhận thực trạng bạo hành gia đình tại địa phương vì còn phải thi đua lập thành tích, xứng đáng danh hiệu thôn/xóm văn hóa, xã/phường văn hóa. Như vậy, khi các đối tượng bị bạo lực không thể tự bảo vệ được mình, họ cũng không có một chỗ dựa để chắc chắn có thể kêu cứu.

Vì vậy, trên thực tế, các khách hàng đến với Chuyên gia tư vấn pháp lý để tìm sự giúp đỡ thường là những nạn nhân bị bạo hành gia đình đến cùng đường, giống như bệnh ung thư đã đến giai đoạn cuối. Điều này phần nào chứng minh: “Chỉ khi nạn nhân bạo hành tin tưởng vào sự bảo vệ của luật pháp, họ mới dám lên tiếng để tìm kiếm sự công bằng”. Do đó, Luật pháp không thể cứ mãi đứng xa tầm với của những đối tượng bị bạo hành gia đình được nữa. Chừng nào các cán bộ địa phương chỉ còn có thể ‘khuyên giải’, chừng đó nạn bạo hành gia đình còn có một chiếc áo sang trọng để khoác vào. Và hẳn nhiên, nạn bạo hành gia đình sẽ là nơi bắt đầu của những bất ổn xã hội.

Quay trở lại với trường hợp của chị Bùi Thị P. Với nỗi đau cùng cực về thể xác và tinh thần mà chị gánh chịu, chúng tôi cho rằng “Ly hôn” là con đường hợp lý nhất để giải thoát chị từ bàn tay thú dữ, là “cắt khối u” để chữa bệnh ung thư.

Có thể với nhiều người, khi nghe hai từ “Ly hôn” cảm giác rất nặng nề, nhưng trong xã hội hiện nay cần có cái nhìn cởi mở và toàn diện hơn. Khi cuộc sống vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, đặc biệt là phải sống chung với “thú dữ”, sống chết lúc nào không hay thì việc ly hôn sẽ là giải pháp tốt.

Hiện tại, chị Bùi Thị P đã ly hôn với anh Nguyễn Văn H. Mặc dù rất vất vả để nuôi hai con ăn học, song tôi nhìn thấy được nụ cười trên đôi môi và niềm vui trong ánh mắt của chị. Ba mẹ con sẽ bắt đầu cuộc sống mới mà chị P gọi đó là “hồi sinh”. Còn tôi gọi đó là hạnh phúc của công việc và giá trị của cuộc đời!

                          

                                                           Trần Thị Huyền (CTV)