A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn lại những đóng góp của Ban An ninh tỉnh Kon Tum trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968

 

Cách đây tròn 50 năm, quân và dân tỉnh Kon Tum nói chung và lực lượng an ninh Kon Tum nói riêng đã cùng đồng bào miền Nam đồng loạt nổi dậy tấn công vào các trung tâm đầu não của địch, các đô thị, thị xã, thị trấn, quận lỵ và nhiều vùng nông thôn. Qua đó, đã giáng một đòn mạnh mẽ vào uy thế của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, làm giảm vị trí và ảnh hưởng của chính quyền và quân đội Sài Gòn, khiến cho lãnh đạo cao cấp Hoa Kỳ phải bàng hoàng, sửng sốt. Đóng góp vào những thành quả đó, không thể không nói đến sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, sự vận dụng đường lối, chủ trương linh hoạt, nhanh chóng của Đảng bộ tỉnh Kon Tum cùng sự quả cảm, anh dũng của các chiến sỹ Ban An ninh tỉnh Kon Tum. Tuy đã trải qua nửa thế kỷ nhưng những bài học về sự lãnh đạo cũng như tinh thần yêu nước bất diệt ấy vẫn còn nguyên giá trị. Để ghi nhớ những chiến công, thành quả ấy, hãy cùng nhìn lại những đóng góp của lực lượng An ninh Kon Tum trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 hào hùng ấy.

Ba năm sau khi tham chiến trực tiếp tại chiến trường miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ đã ngăn chặn Việt Nam Cộng hòa sụp đổ trong tay quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng quân Mỹ cũng không thể bình định được miền Nam. Nắm được điểm yếu của phía Mỹ là quân đội của họ đã bị sa lầy trong cuộc chiến tranh cực kỳ tốn kém, dư luận của cả nhân dân và chính giới tại Mỹ ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn, cùng với đó phong trào phản chiến ngày càng mạnh mẽ khi quân đội tham chiến quá lâu tại nước ngoài, phía quân Giải phóng đã hoạch định một trận đánh gây tiếng vang lớn, “Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị” (trích lời của Tổng bí thư Lê Duẩn) để tạo đột phá cho chiến tranh, nhằm buộc Hoa Kỳ xuống thang, chấp nhận ngồi vào đàm phán.

Trong khi đó, do ảnh hưởng thất bại nặng nề chung trong 2 cuộc phản công mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, lại bị các lực lượng vũ trang của ta tân công liên tục, địch rơi vào thế co cụm, phòng ngự, cục diện chiến trường diễn biến theo hướng có lợi cho cách mạng miền Nam. Tại Kon Tum, địch bố trí lực lượng chủ yếu tại Chi khu Kon Tum, chi khu Đăk Sút, yếu khu Tu Mơ Rông, yếu khu Chương Nghĩa và đặc khu 24. Đồng thời, chúng đưa một số đơn vị cơ động như lữ dù 101, lữ không vận số 1, lữ dù 173, sư đoàn 4 lính Mỹ, một tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên, tiêu đoàn 3 lính dù Ngụy phối hợp với các lực lượng địa phương tiến hành tập trung đánh phá một số trọng điểm tại các vùng căn cứ huyện Sa Thầy (H67), huyện Kon Plong (HI6), huyện Đăk Tô (H80). Tại đây, chúng đã dồn hơn 400 dân vào ấp chiến lược, cướp đốt phá hơn 18 tấn thóc, 2.270.000 bụi mỳ, 993 lon muối, 1684 nông cụ, giết 41 trâu bò… gây cho ta nhiều khó khăn, vất vả.

Mùa thu năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định đưa “chiến tranh cục bộ” trong toàn miền Nam đến đỉnh cao, Mỹ đã bị tổn thất nặng nề về lực lượng, quân sự, chính trị, chiến lược và chiến thuật, chúng ta đã có cơ sở để tiến lên giành thắng lợi quyết định. Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình địch, ta và những thắng lợi mà quân dân miền Nam đạt được sau 2 năm đánh trả chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp đánh giá tình hình tương quan lực lượng trên chiến trường và khả năng phát triên của cách mạng. Bộ Chính trị đã kết luận: “Diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Tình hình chung cho phép ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của ta sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”.

Đứng trước tình hình trên, tháng 10/1967, Tỉnh ủy Kon Tum đã họp hội nghị bất thường nhằm đánh giá tình hình, đề ra biện pháp giải quyết và xác định mục tiêu, phương hướng cách mạng trong giai đoạn tiếp theo. Sau khi chỉ ra những khó khăn, thuận lợi, Hội nghị đã nêu quyết tâm “phải tập trung mọi sức lực của quân dân trong tỉnh tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch giành chính quyền về tay nhân dân là vấn đề thực tế cấp bách”. Nhất là sau khi hội nghị Bộ Chính trị tháng 12/1967 hạ quyết tâm “tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt giành thắng lợi”, Tỉnh ủy Kon Tum đã lập kế hoạch hành động thực hiện phương hướng chiến lược của Trung ương trên địa bàn cùng với các ngành trong tỉnh. Thấm nhuần quyết tâm đó, từ tháng 12/1967, Ban An ninh tỉnh đã vạch kế hoạch cụ thể và mở đợt giáo dục, quán triệt nội dung Nghị quyết của Tỉnh ủy trong toàn lực lượng. Qua đó, giúp cho cán bộ, chiến sỹ an ninh nhận rõ thế suy yếu của địch, sự lớn mạnh của ta qua hai mùa khô; phát động một đợt tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng phục vụ cho cuộc tấn công mùa Xuân năm 1968 với các khẩu hiệu: “Đuổi Mỹ lật Ngụy giành chính quyền về tay nhân dân”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, “Thà chết không chịu làm nô lệ”Từ đó, mỗi bộ phận, mỗi cá nhân chiến sỹ an ninh tự liên hệ, kiểm điểm, khắc phục những nhận thức lệch lạc, những mặt tồn tại, yếu kém, đồng thời phát huy những mặt mạnh, đề ra chỉ tiêu, biện pháp cụ thể thực hiện thắng lợi kế hoạch công tác do Ban An ninh đề ra.

Qua các cơ sở an ninh như chị Võ Thị Chiến tại Phương Qúy, bà Cao Thị Nhứt tại chợ Kon Tum, lực lượng an ninh thị xã đã phát tán truyền đơn vào nội thị. Tại các huyện Đăk Tô, Đăk Glei, các đội công tác thường xuyên tập trung gặp gỡ vận động quần chúng, tạo nên một phong trào hưởng ứng đánh Mỹ đều khắp. Ban An ninh luôn không ngừng tổ chức học tập, giáo dục nhận thức đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, phát động, phát huy truyền thống, nâng cao lòng tin của cán bộ chiến sỹ với thế đi lên của cách mạng. Cùng với đó, Ban An ninh đã tập trung đập tan luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý, luận điệu hòa bình bịp bợm, độc lập giả hiệu của địch. Qua đó, hạ uy thế địch trước quần chúng, khiến địch tan rã từ mặt tư tưởng đến mặt tố chức.

Để tạo ra bước ngoặt mới làm thay đối cục diện chiến tranh ở miền Nam, tháng 01/1968, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng chủ trương mở cuộc tổng công kích, tổng tấn công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân 1968 nhằm giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất. Với tình hình tương quan lực lượng hiện tại, Hội nghị nhấn mạnh “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa sẽ phải trải qua một quá trình tiến công quân sự, chính trị, binh vận trên 3 vùng chiến phối hợp với tiến công ngoại giao”. Quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Thường vụ Khu ủy Khu V đã xác định phương thức giành chính quyền ở thành phố, thị xã của các tỉnh Tây Nguyên là dùng đòn tấn công quân sự để giải phóng.

Trên tinh thần đó, Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã triển khai phương án trên đối với thị xã Kon tum là “dùng lực lượng quân sự tiến công vào các mục tiêu đầu não quan trọng về quân sự và hành chánh địch, tiêu diệt sinh lực địch, thúc đẩy phong trào quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ khi lực lượng vũ trang làm chủ được tình hình. Kế hoạch được tiến hành từng bước với một tinh thần quyết tâm cao nhất, ý chí quyết chiến và quyết thắng trong toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, cơ sở và quần chúng nhân dân. Lực lượng tiến công vào các mục tiêu ở thị xã gồm có: E24 (Bộ đội chủ lực B3), D304 (Bộ đội Bộ binh), D406 (Bộ đội đặc công), C (lực lượng công binh tỉnh đội), lực lượng vũ trang Thị đội, đội an ninh vũ trang thị xã và một đơn vị pháo cối của B3.

Thời gian này, để phục vụ cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 giành thắng lợi, với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ Công an, Ban An ninh tỉnh Kon Tum tiếp tục được bổ sung, tăng cường lực lượng, đáp ứng yêu cầu công tác chiến đấu. Bên cạnh đó, Ban An ninh tỉnh cũng hết sức chú trọng đến công tác phát triển lực lượng, xây dựng đội ngũ chiến sỹ vững mạnh, thường xuyên tiến hành tuyển chọn những thanh niên tốt có sức khỏe từ đồng bằng lên, triển khai thực hiện việc kết nghĩa giữa an ninh Quảng Ngãi và an ninh Kon Tum. Nhờ đó, 2 đại đội an ninh vũ trang đã ra đời, khả năng đánh địch được tăng cường, kịp thời đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới.

Đồng thời, công tác hậu cần, tiếp tế lương thực thực phẩm, hàng hóa… qua đường dây 559 vào chi viện cũng được quan tâm, đảm bảo kịp thời. Vì thế, điều kiện sinh hoạt, đời sống của cán bộ, chiến sỹ an ninh đã được cải thiện đáng kể. Đối với số cán bộ mới từ miền Bắc vào, Ban An ninh tập trung tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày những kiến thức cơ bản như: chính sách dân tộc trong công tác diệt ác, xét hỏi, những công tác cần làm để quản lý vùng mới giải phóng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc tại địa phương để từ đó cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng nắm bắt, phục vụ công tác. Riêng lực lượng trinh sát vũ trang và an ninh vũ trang vừa tổ chức huấn luyện, vừa có kế hoạch nắm vững địa bàn thị xã, thị trấn, chuẩn bị các mục tiêu, đối tượng tấn công, lên sa bàn và lập kế hoạch chiến đấu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, các bộ phận nghiệp vụ của Ban An ninh tỉnh đã nhanh chóng triển khai các mặt công tác nhằm chuẩn bị đạt kết quả cao nhất trong đợt Tổng tiến công. Lực lượng điệp báo và An ninh đô thị cùng đội trinh sát vũ trang, đội công tác an ninh Tây bắc thị xã Kon Tum (A25) nắm vững địa bàn thị xã và Phương Quý, nghiên cứu nắm chắc các đối tượng nghiệp vụ. Xuyên suốt lực lượng an ninh từ tỉnh đến huyện tiến hành kiểm tra nắm lại cơ sở của mình, xây dựng bàn đạp, tấn công tiêu diệt địch, diệt ác trừ gian đúng đối tượng, đúng chính sách, nhất là số ác ôn, tình báo. Đồng thời, tập trung lực lượng xóa các mạng lưới gián điệp làm trong sạch hành lang, bảo vệ an toàn các khu căn cứ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang làm tan rã hệ thống kìm kẹp, tạo thế cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Lực lượng chấp pháp và trại giam tiến hành củng cố lán trại, chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng tiếp nhận số bị bắt giữ, tiểu ban an ninh nội bộ kết hợp với cơ quan chính quyền, quân đội, tăng cường công tác phòng gian bảo mật, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cơ quan lãnh đạo Đảng, các bộ phận tiền tiêu chuẩn bị kế hoạch lực lượng bảo vệ, quản lý vùng giải phóng.

Đồng thời, lực lượng an ninh đã tập trung mọi khả năng, biện pháp nắm tình hình, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo của Đảng bộ các cấp; lập hồ sơ chính trị địa bàn thị xã Kon Tum, Tri Đạo, quận Đăk Tô một cách chính xác, đầy đủ, phục vụ công tác đánh địch. Tại Kon Hơ Ring, Măng Bút, lực lượng an ninh lập hồ sơ phân loại 170 đối tượng, cải tạo 72 đối tượng khác; trong vùng địch kiểm soát, lập hồ sơ 694 tề ngụy, ác ôn, bình định nông thôn. An ninh thị xã Kon Tum đã tập trung bám trụ tại địa bàn Phương Quý, Trung Tín, bắt mối xây dựng cơ sở nắm tình hình, xây dựng 33 cơ sở an ninh mật, bố trí dẫn đường cho các mũi tấn công vào thị xã; tổ chức công tác giao thông liên lạc từ nội thị ra căn cứ được đảm bảo thường xuyên an toàn. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc với các đội trưởng nghĩa quân, tranh thủ các già làng tại các xã vùng ven tạo chỗ đứng chân làm bàn đạp chuẩn bị tấn công địch.

Cùng với công tác đánh địch, công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo khu, tỉnh đến trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công luôn được lực lượng an ninh tỉnh chú trọng. Lực lượng bảo vệ nội bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường tổ chức thực hiện nội quy bảo vệ cơ quan; giáo dục ý thức giữ gìn bí mật về phương hướng, kế hoạch, thời gian của đợt Tổng tấn công; phát hiện, đấu tranh kịp thời với các đối tượng nghi là nội gián, chọn địa điểm và làm trong sạch những nơi đứng chân sát vùng địch, chuẩn bị điều kiện, lực lượng phục vụ đợt Tổng tiến công. Cùng với đó, lực lượng quản lý trị an tập trung vào một số công tác cấp thiết như: phối hợp với các ngành phát động phong trào quần chúng bảo mật phòng gian, nâng cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng ủng hộ đồng bào vùng tạm chiếm nổi dậy đấu tranh chống Mỹ-ngụy giành quyền làm chủ. Tổ chức các buổi học tập tại chỗ cho các đối tượng hình sự, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, quản lý chặt chẽ nhân hộ khẩu nhằm phát hiện, ngăn chặn tình báo, gián điệp xâm nhập và số người chiêu hồi chạy vào vùng địch.

Trước khi bước vào cuộc Tổng tiến công, Ban An ninh tỉnh tiến hành rà soát lại mạng lưới cơ sở điệp báo, đảm bảo bí mật tuyệt đối kế hoạch tấn công của ta. Các lực lượng điệp báo, trinh sát vũ trang đã lọt vào trung tâm hành chính nắm tình hình, điều tra các mục tiêu, chuẩn bị lực lượng vận chuyển vũ khí, đạn dược, các phương tiện phục vụ vận chuyển, đưa đón cán bộ được chuẩn bị sẵn sàng. Quán triệt quyết tâm của Đảng nói chung và Tỉnh ủy nói riêng, toàn lực lượng an ninh tỉnh tích cực chuẩn bị với tinh thần khẩn trương, khí thế phấn khởi, mỗi cán bộ chiến sỹ an ninh đều nhận thức được tầm quan trọng của chiến dịch, trách nhiệm cao cả của mình trong trận đánh chiến lược.

Sau khi công tác chuẩn bị được hoàn tất, đêm 29 rạng ngày 30/01/1968, lực lượng an ninh cùng các lực lượng vũ trang đồng loạt tấn công 23 mục tiêu quan trọng của địch trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là thị xã Kon Tum và Đăk Tô-Tân Cảnh. Theo sự phân công, lực lượng an ninh tỉnh do đồng chí Lê Quốc Thành chỉ huy đánh chiếm khu nhà lao; Tiểu đoàn đặc công tỉnh 406 đánh chiếm toà hành chính Ty cảnh sát và tiểu khu Kon Tum; Tiểu đoàn 304 tỉnh đánh chiếm khu vực sân bay, thị xã Kon Tum; Trung đoàn 24 đánh chiếm biệt khu 24; Bộ đội thị xã đánh chiếm khu cư xá sĩ quan; lực lượng an ninh huyện Kon Plong phối hợp với các lực lượng quân sự, du kích trên địa bàn đánh bức rút đồn Kon Rốc ở Ngọc Réo, giải phóng toàn bộ xã Đăk Cấm, Đăk Bla… Trong khi đó, Tiếu đoàn 2 trung đoàn 174 tiến đánh giải phóng một phần Tân Cảnh.

Sau một thời gian choáng váng vì đòn tấn công hiểm hóc, sấm sét của ta, địch củng cố lại lực lượng và tổ chức phản kích ta khá mạnh vào các vị trí ta chiếm giữ nhằm giành lại những gì đã mất. Do chênh lệch khá lớn về lực lượng, cùng hao tổn trong những ngày đầu tấn công, ta chủ trương rút đại bộ phận lực lượng ra ngoài để bảo toàn, chỉ giữ lại một số ít bám trụ đánh kìm chân và diệt sinh lực địch.

Đêm 13 rạng sáng ngày 14/02/1968, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tiếp tục tấn công đợt hai vào các căn cứ quân sự địch, bao vây căn cứ Kleng, tiến công tiêu diệt địch ở Trung Nghĩa, Kon Xâm Lũ, chặn đánh các cuộc phản kích của địch trên đường 14, bắn rơi nhiều máy bay, phá thêm được nhiều ấp chiến lược, giải phóng đồng bào bị địch ép vào khu dồn dân. Ngày 03/03/1968, ta mở đợt ba của chiến dịch, tiếp tục tấn công vào các căn cứ quân sự Mỹ-ngụy, tập trung đánh phá giao thông trên các đường chiến lược như: đường 14, 24, 18 bằng nhiều trận phục kích lớn và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, quân và dân tỉnh Kon Tum đã tiêu diệt 3.460 tên địch, phá hủy 110 xe quân sự, 35 máy bay, đánh sập 14 cầu cống, phá hủy 04 đại bác và hầu hết các kho xăng dầu, kho vũ khí của địch, ta thu về 150 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng, phương tiện chiến tranh khác. Trong đó, lực lượng an ninh tỉnh đã tiêu diệt tại chỗ 153 tên cán bộ bình định, 163 tên dân vệ biệt kích, bắt và khai thác 30 tên, cảnh cáo 47 tên, giáo dục khống chế 64 tên, đột nhập 39 lần vào trung tâm thị xã, phá kìm ở 12 ấp, đánh tan bốt đồn cảnh sát ở Đăk Tô (H80).

Sau hơn một năm thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định mà đỉnh cao là cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968, lực lượng An ninh tỉnh Kon Tum nói riêng và quân dân tỉnh Kon Tum nói chung đã góp phần cùng với nhân dân cả nước đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ” của địch. Cuộc tiến công, nổi dậy này ta đã tiêu diệt được một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch ngay ở trung tâm, đầu não của chúng; đã phối hợp cùng chiến trường miền Nam thực hiện tốt chủ trương mở đợt tổng công kích và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân 1968 của Trung ương Đảng, nhằm giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ-ngụy thêm một bước suy yếu; thắng lợi của ta ở trận này có một ý nghĩa chính trị to lớn; đây là đòn đánh có tính quyết định góp phần cùng chiến trường miền Nam làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ; góp phần làm phá sản “chiến lược chiến tranh cục bộ” của chúng.

Xét về mặt chiến lược, cuộc Tổng tấn công mang lại một bước đột phá lớn trong chiến tranh. Lực lượng vũ trang cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tưm đã cùng với đồng bào cả nước hoàn thành một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra là “Đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn thương lượng”. Đây cũng là điều làm cho kẻ địch thấy rằng, dù có giở ra bạo hành gian ác đến tột cùng thì cũng là của kẻ đi thụt lùi trong cơn giãy chết trên vực thẳm.

Sau đợt tiến công nổi dậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt quân ủy Trung ương gửi một bức điện đến Mặt trận Tây Nguyên. Trong điện có viết: “Nhiệt liệt khen ngợi những thành tích vừa qua của nhân dân thị xã Buôn Mê Thuật, Kon Tum, Pleiku và thị trấn Tân Cảnh lời khen ngợi ấy của Đại tướng là sự đánh giá thắng lợi của quân dân Kon Tum trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy này.

Nhìn chung, góp phần vào thắng lợi này, lực lượng an ninh đã làm tốt công tác đi trước nắm tình hình, rà soát mạng lưới cơ sở điệp báo, chuẩn bị, xây dựng lực lượng, vận động quần chúng. Từ đó, đảm bảo mọi điều kiện cùng với nhân dân trong tỉnh nổi dậy trừng trị bọn tề điệp ác ôn, phá bỏ các hình thức kìm kẹp, giành chính quyền làm chủ ở từng mức độ. Mặt khác, những tấm gương chiến đấu dũng cảm xả thân vì nước đến hơi thở cuối cùng của những cán bộ chiến sỹ an ninh tỉnh Kon Tum đã để lại những ấn tượng sâu sắc, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Điều đó là bài học thực tế luôn luôn thôi thúc nhân dân tiếp tục đấu tranh chống kẻ thù trong muôn vàn gian khổ cho đến ngày thẳng lợi hoàn toàn.


Quang Thắng


Tin liên quan