A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ trụ nước cứu hỏa

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, xảy ra nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong 05 năm (từ năm 2015 đến năm 2019) bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ cháy, nổ gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Riêng năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy, thiệt hại về tài sản khoảng 5 tỷ đồng và khoảng 21,97 ha rừng (theo Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum). Ngoài ra, còn có nhiều vụ cháy nhỏ được các lực lượng Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cơ sở, dân phòng phát hiện, dập tắt kịp thời không để cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, công tác chữa cháy hiện gặp rất nhiều khó khăn, một trong những lý do là do nguồn nước chữa cháy đang thiếu và yếu. Trong khi đó có đến 95% số vụ cháy xảy ra phải dùng nước để chữa cháy.

Hình ảnh minh họa

Những năm gần đây, quá trình Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng nhiều khu, cụm công nghiệp được phát triển, đô thị hóa ngày càng mở rộng, ao, hồ, kênh, rạch được san lấp. Từ đó, hệ thống cấp nước chữa cháy tự nhiên ngày càng bị thu hẹp làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy. Song song với vấn đề này thì việc bảo vệ, bảo dưỡng các trụ nước cứu hỏa tại khu vực đã được bố trí là một điều rất quan trọng và cấp thiết.

Trụ nước cứu hỏa là thiết bị PCCC đặc biệt quan trọng, là nguồn tiếp nước dập lửa duy nhất trong nhiều trường hợp hỏa hoạn. Mỗi xe chữa cháy chỉ chứa được 3-5m3 nước và trong thời gian ngắn sẽ sử dụng hết lượng nước trong xe; để chữa cháy, lúc này phải dựa hoàn toàn vào nguồn nước từ ao hồ hay các trụ nước cứu hỏa, trong khi không phải ở nơi nào xảy ra cháy cũng đều có nguồn nước. Chính vì vậy Trụ nước cứu hỏa là giải pháp tốt nhất, dự trữ nguồn nước sẵn sàng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Nhưng thực tế hiện nay, một số người dân tự ý lấy nước từ các trụ nước cứu hỏa để phục vụ cho bản thân; đồng thời, còn xảy ra tình trạng mất cắp nắp bảo vệ họng trụ nước cứu hỏa, thậm chí cả trụ nước cứu hỏa còn xảy ra nhiều, các đối tượng này không có thiết bị chuyên dụng để mở trụ nên đã dẫn đến nhiều trụ bị hư hỏng. Nhiều trường hợp trụ nước cứu hỏa bị phương tiện giao thông làm gãy, nghiêng, chủ phương tiện không phối hợp các đơn vị liên quan khắc phục hư hỏng. Các công trình thi công đường, ngõ gây ảnh hưởng đến trụ nước chữa cháy như làm trụ bị nghiêng, bị lấp,…. Thực tế này đã khiến công tác PCCC luôn bị động, gây rất nhiều khó khăn, hạn chế cho công tác dập lửa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến một số vụ cháy lan, cháy lớn xảy ra trong thời gian qua.

Trụ cứu hỏa là tài sản hoạt động bảo vệ lợi ích của cả cộng đồng. Vì vậy người dân cần tự giác bảo vệ trụ, không được tự ý mở nắp sử dụng nước vì mục đích cá nhân. Cần báo ngay cho lực lượng chức năng nếu phát hiện thấy trụ có vấn đề khác thường hay những hành vi làm hư hại trụ nước cứu hỏa để kịp thời khắc phục, sữa chữa và xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo trụ luôn hoạt động cấp nước tốt nhất khi có cháy, nổ xảy ra.

Hiểu được trụ cứu hỏa là gì và biết được tầm quan trọng của trụ cứu hỏa cũng như công dụng của trụ cứu hỏa trong công tác PCCC giúp người dân bảo vệ chính bản thân mình. Sự cố cháy, nổ có thể xảy ra ở bất cứ một vị trí nào đó, khi xảy ra hậu quả rất khó lường, chính vì thế hãy tự bảo vệ mình ngay hôm nay.

Trần Minh (Phòng CS PCCC và CNCH)