A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện ủy Đăk Hà: Tổ chức tọa đàm kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ

 

Ngày 05-12 Huyện ủy Đăk Hà tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã cùng nhau ôn lại truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà một lòng tin theo Đảng, Bác Hồ, anh dũng kiên cường, chịu đựng hy sinh gian khổ, làm nên những chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến.

Đặc biệt, từ ngày thành lập huyện đến nay (24/3/1994), thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện đã cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, làm thay đổi diện mạo của huyện miền núi một cách toàn diện và sâu sắc.

 

alt

 

Trong suốt 20 năm qua, Đảng bộ huyện luôn giữ vững các nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, coi tự phê bình và phê bình là “cách tốt nhất”, là “thang thuốc” hữu hiệu nhất để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Đến nay, Đảng bộ huyện có 70 tổ chức cơ sở Đảng với 2.601 đảng viên, tăng 49 tổ chức đảng và trên 1.800 đảng viên so với năm 1994; 103/103 thôn, tổ dân phố có tổ chức đảng và có đảng viên là người tại chỗ. Đảng bộ huyện liên tục được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Trong công tác giáo dục thế hệ trẻ, cấp ủy đã tập trung chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho thế hệ trẻ. Từ năm 2008 đến nay, có 656 đoàn viên, thanh niên được kết nạp vào Đảng. Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, đã tiến hành quy hoạch 679 lượt cán bộ trẻ vào cấp ủy cơ sở; cử 88 lượt cán bộ trẻ đi đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị; bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 19 cán bộ trẻ vào giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp huyện.

Trong công tác phát triển kinh tế- xã hội, đến nay diện tích cây lúa nước hiện nay đạt 3.364,6 ha, tăng gấp 4 lần so với năm 1994. Tổng diện gieo trồng từ 8.771 ha năm 1994 lên 23.063 ha năm 2014. Từ năm 2009 – 2014, huyện đã vận động được gần 5 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo. Đến nay huyện còn 10,01% hộ nghèo (năm 1994 là 53,54%), cơ bản các hộ nghèo đã có nhà ở ổn định. Từ năm 1997 Đảng bộ đã có chủ trương ‘Liên doanh liên kết với Nông trường quốc doanh để phát triển cây công nghiệp‘, phát huy vai trò bà đỡ của các Doanh nghiệp hỗ trợ phát triển cây cà phê, đến nay diện tích cà phê là 7.606,7 ha; sản phẩm cà phê Đăk Hà đã khẳng định thương hiệu trên thị trường được người tiêu dùng bình chọn và được công nhận ‘Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn‘. Huyện đã tổ chức có hiệu quả mối liên kết “4 nhà”, từng bước thu hút, khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện cùng nhân dân trên địa bàn liên kết, đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; chuyển giao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản sau thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững, tăng thu nhập cho người dân.

Trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhân dân và doanh nghiệp cùng làm, Nhà nước hỗ trợ”, đến nay hệ thống giao thông trên địa bàn huyện cơ bản hoàn chỉnh, các tuyến đường đến trung tâm xã, 6/10 xã có đường xe đến thôn đã nhựa hoá đảm bảo giao thông thông suốt trong hai mùa. Hệ thống điện lưới đảm bảo 100% hộ gia đình có điện phục vụ cho sản xuất và đời sống. Đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt 19/19 tiêu chí; xã Hà Mòn – xã đầu tiên của Kon Tum được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2012.

Từ những chủ trương, giải pháp thiết thực trên lĩnh vực kinh tế, tốc độ phát triển kinh tế của huyện tăng bình quân hàng năm trên 15%; thu ngân sách tại địa bàn tăng từ 0,5 tỷ đồng năm 1995 lên 90,5 tỷ đồng năm 2013; thu nhập bình quân đầu người từ 2,02 triệu đồng/người năm 1995 lên 29,3 triệu đồng/người năm 2014.

Trong sự nghiệp y tế – giáo dục: Năm 1998 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục Tiểu học; năm 2005 được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS. Năm 2010, huyện được công nhận phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện chiếm 20,4%. 9/11 xã, thị trấn có Trạm y tế được xây dựng kiên cố, các Trạm Y tế đều có bác sỹ và nữ hộ sinh. Tình hình dịch bệnh luôn được kiểm soát, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn huyện.

Song song với phát triển kinh tế – văn hóa, xã hội, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động rộng khắp; nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc được củng cố. Chất lượng chính trị, năng lực công tác và sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nâng lên rõ rệt. Triển khai tốt nhiệm vụ quân sự – quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ huyện, xã vững chắc; thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giao quân nhập ngũ, tỉ lệ đảng viên nhập ngũ đạt cao so với quy định; huấn luyện quân sự và huy động lực lượng tham gia diễn tập phòng thủ cấp tỉnh, tổ chức diễn tập chiến đấu trị an cho các xã, thị trấn đạt kết quả tốt.

Suốt chặng đường thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà đã nỗ lực phấn đấu, luôn giữ vững ổn định và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương lao động hạng ba năm 1998, Huân chương lao động hạng nhì năm 2003, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2008, Huân chương lao động hạng nhất năm 2013 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Được Đảng bộ tỉnh Kon Tum tặng 12 chữ “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, năng động, đổi mới, phát triển”.


Phi Em(CTV)