A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực trạng và một vài giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Kon Tum (Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11)

 

Là một tỉnh miền núi nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, với trên 53% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 06 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời là Bah Nar, Xê Đăng, J’rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, nên văn hóa Kon Tum rất đa dạng và đặc sắc. Nhận thức rõ điều này, lãnh đạo tỉnh Kon Tum qua các thời kỳ đều đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, tạo nền tảng tinh thần vững chắc và bền chặt trong xã hội.

Sau 15 năm triển khai thực hiện NQTW5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc’ và nay đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Trung ương về ‘xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước’, việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã đạt được rất nhiều thành tựu. Về trang phục truyền thống, đã có hàng trăm bộ trang phục truyền thống của đồng bào DTTS được sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh. Trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện các làng dệt vẫn được duy trì để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và là các điểm để thu hút khách du lịch (như: Làng dệt tại làng Đăk Kia; làng Kon K’tu…). Ngành chức năng đã tổ chức xuất bản và tái bản nhiều cuốn sách phục vụ cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (như tái bản 03 tập Hồi ký Cách mạng ‘Sống giữa lòng dân’; tái bản 02 cuốn sách Ngục Kon Tum của Lê Văn Hiến và truyện ngắn ‘Rừng xà nu’ của nhà văn Nguyên Ngọc; xuất bản các cuốn sách như: “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Xơ Đăng ở Kon Tum”; ‘Nghề đan lát của người Xơ Đăng ở Kon Tum’; “Di tích và danh thắng Kon Tum”; ‘Lễ bỏ mả của dân tộc Rơ Măm’ ở Kon Tum; ‘Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Xơ Đăng ở Kon Tum’; 02 tập sách ảnh ‘Di sản Văn hóa cồng chiêng huyện Sa Thầy’; ‘Di sản Văn hóa cồng chiêng huyện Đăk Hà’; tập sách ảnh ‘Tượng gỗ dân gian các dân tộc tỉnh Kon Tum’ và cuốn ‘Nhà rông Kon Tum Bắc Tây Nguyên’…). Riêng trong năm 2013, Bảo tàng tỉnh đã triển khai sưu tầm, bảo quản và trưng bày trên 100 hiện vật có giá trị về văn hóa phi vật thể; sưu tầm 38 bộ phim (các thể loại) tại các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh và hãng phim tư liệu Trung ương để giới thiệu đến các du khách trong và ngoài nước.

Hàng năm, tỉnh đã tổ chức cho các đoàn nghệ nhân tham gia vận hành và trình diễn ở trong và ngoài nước (như tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Nội; tham gia các hoạt động tôn vinh ngày ‘Văn hóa các dân tộc Việt Nam’ tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; tham gia trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam…Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch định kỳ hàng năm tổ chức Ngày hội Văn hóa các Dân tộc tỉnh Kon Tum tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông), thu hút được sự tham gia của các thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như các tầng lớp nhân dân và khách du lịch. Đặc biệt, tháng 7/2014 đoàn nghệ nhân làng Đăk Wớk (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) đã tham gia trình diễn tại Cộng hòa Pháp, đã để lại ấn tượng đẹp cho ban tổ chức và du khách.

Đến nay, Kon Tum cũng đã phục dựng được trên 20 lễ hội truyền thống của 06 thành phần dân tộc thiểu số trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản do già làng và đồng bào tự thực hiện, để vừa khôi phục lại môi trường văn hoá dân gian truyền thống vừa phát huy được giá trị các di sản phi vật thể. Các nghi lễ, lễ hội đã được phục dựng như: Lễ hội mừng lúa mới (hoặc ăn cơm mới) của các tộc người Xơ Đăng, Bah Nar, Giẻ-Triêng; Lễ hội ăn Trâu mừng nhà Rông mới của các tộc người Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ-Triêng; Lễ hội bắc máng nước của tộc người Xơ Đăng; Lễ hội mừng nước giọt của tộc người Bah Nar (Rơ ngao); lễ hội PenChuPi (bắn heo, dê) của các tộc người Xơ Đăng (Tơdrá), Bah Nar (Jơ lâng); Lễ bỏ mả của dân tộc Rơ Măm; lễ làm chuồng trâu của dân tộc Mơ Nâm… Sau khi phục dựng lại, các lễ hội tiêu biểu này được đồng bào các tộc người bản địa ở Kon Tum duy trì tự tổ chức theo chu kỳ hàng năm ở các cộng đồng dân cư với quy mô phù hợp vào hoàn cảnh và điều kiện.

Theo kết quả điều tra của ngành văn hóa tỉnh, hiện Kon Tum có trên 200 di sản văn hóa phi vật thể đang còn duy trì trong các thôn, làng trên địa bàn tỉnh như: huyện Kon Plông có 31 di sản văn hóa phi vật thể còn duy trì thường xuyên trong cộng đồng làng (Mơ Nâm: 7; K’Dong: 20; H’Rê: 4); huyện Kon Rẫy còn 33 di sản còn duy trì (Xơ Đăng – Tơ Đrá: 17; Bah Nar Rơ Ngao: 16); Huyện Sa Thầy còn 67 di sản còn duy trì (Jrai: 18; Bah Nar: 13; Rơ Mâm: 20; Ha Lăng: 16); thành phố Kon Tum còn 17 di sản văn hóa phi vật thể còn duy trì thường xuyên trong cộng đồng làng (Jrai: 7; Bah Nar: 5; Giẻ: 5); huyện Đăk Hà còn 10 di sản văn hóa còn duy trì trong các thôn làng (Bah Nar: 02; Xơ Đăng 08); huyện Đăk Tô còn 30; huyện Tu Mơ Rông còn 15; huyện Đăk Glei còn 15; huyện Ngọc Hồi còn 20 di sản văn hóa còn duy trì của 03 thành phần dân tộc chính là Xơ Đăng; Giẻ – Triêng và B’râu.

Những nỗ lực của tỉnh thời gian qua về bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong công tác “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”[1]; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục, đó là: Một số tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc bản địa chưa được đẩy mạnh, bản sắc văn hoá chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc đã bị mai một; các nhân sự làm công tác văn hóa ở cơ sở còn thiếu thốn, chưa được đầu tư. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân dân gian và những người làm công tác nghiên cứu văn hoá dân tộc chưa được quan tâm đúng mức; các hình thức hoạt động văn hoá còn sơ cứng, giản đơn và chưa rộng khắp; kinh phí phân bổ cho việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc còn hạn chế, chưa kịp thời. Công tác xã hội hoá cho các hoạt động văn hóa còn nhiều khó khăn và hạn chế. Công tác tuyên truyền về văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS chưa thật sự chặt chẽ và sâu sắc.

Hạn chế, tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan đó là các Sở, ban, ngành tại địa phương còn thiếu những công trình nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn cho các mục tiêu giữ gìn và phát huy vốn văn hóa dân gian vào đời sống xã hội; còn thiếu nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cho công tác văn hóa, nhất là cán bộ người các dân tộc thiểu số ở địa phương. Thiếu những sáng tác, những tác phẩm, những công trình nghệ thuật mang giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để có thể tạo được sức lôi cuốn hấp dẫn công chúng vào các sinh hoạt văn hóa truyền thống. Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương ở cơ sở chư­a chú trọng thỏa đáng và có biện pháp chỉ đạo tích cực, hữu hiệu hơn cho việc bảo tồn, phát huy nền văn hóa truyền thống. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ch­ưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng đến các thôn, làng và các tầng lớp nhân dân…

Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Trung ương về ‘xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước’ cần triển khai mạnh mẽ và đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định xây dựng và phát triển vǎn hóa, con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò gương mẫu, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết 33-NQ/TW.

Hai là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các sản phẩm văn hóa thông qua các hội thi, liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ…như tuần văn hóa các dân tộc thiểu số; chương trình giao lưu văn hóa giữa các làng đồng bào dân tộc trong một địa phương…gắn với hoạt động du lịch về nguồn nhằm phát huy tối đa giá trị của các di sản văn hóa.

Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng DTTS trên tất cả các thôn, làng trong tỉnh nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng chung sức tham gia vào các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa truyền thống.

Ba là, ngành chức năng cần sớm triển khai có hiệu quả công tác thống kê các nghệ nhân còn biết hát kể sử thi, dân ca, câu đối, truyện cổ…để tham mưu cấp có thẩm quyền có chính sách công nhận và đãi ngộ, nhất là đối với các nghệ nhân thuộc 06 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh (như Bah Nar, Xê Đăng, J’rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm).

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống, ngành nghề thủ công truyền thống của 06 thành phần dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh gắn việc xây dựng chiến lược phục hồi và lưu giữ cho thế hệ sau biết và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tăng cường công tác sưu tầm các hiện vật về văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh để phục vụ bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh nhằm giới thiệu rộng rãi đến nhân dân và khách du lịch trong và ngoài nước.

Sau đây là một số hình ảnh các Lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS trong tỉnh:

 

alt

H1- Tái hiện lễ hội bắt máng nước của các nghệ nhân xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông


alt

H2- Tái hiện lễ hội tỉa lúa nước các nghệ nhân xã Đăk Tơ Kan, huyện Tu Mơ Rông


alt

H3- Tái hiện thi môn đẩy cây cổ truyền tại huyện Tu Mơ Rông


alt

H4- Trưng bày giới thiệu tác phẩm đẽo gỗ thô sơ của các nghệ nhân huyện Đăk Hà


alt

H5- Trưng bày, giới thiệu tác phẩm đẽo gỗ thô sơ của các nghệ nhân huyện Tu Mơ Rông


alt

H6- Hội thi nấu rượu ghè của bà con làng Đak Lom, xã Hiếu, huyện Kon Plông

 

Bài, ảnh: Nguyễn Phi Em



[1] Theo Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg, ngày 24/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hàng năm lấy ngày 23-11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”,