A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đắng cay về hoạt động cho vay nặng lãi

Những năm gần đây, có một bộ phận người dân quan niệm rằng: cho vay nặng lãi là một “nghề” làm ăn. Người thì cho rằng đây là nghề “làm phúc”, giúp đỡ mọi người có vốn làm ăn trong lúc cần thiết, giải quyết được công việc một cách kịp thời. Nhưng cũng có người cho rằng đây là một “nghề” khiến bao người tan cửa nát nhà, thế cùng lực kiệt, thậm chí phải tìm đến cái chết…

Vậy, theo quy định của pháp luật, vấn đề nêu trên cần được hiểu như thế nào?

Khoản 1, Điều 376 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

Theo đó, có thể hiểu: nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là cho vay nặng lãi. Khi có tranh chấp xảy ra thì pháp luật không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Tỉnh Kon Tum – nơi tôi đang sinh sống và làm việc cũng là địa bàn thường xảy ra hoạt động cho vay nặng lãi. Chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc và tư vấn pháp lý cho không ít đối tượng là chủ nợ cho vay nặng lãi bị vỡ nợ hoặc con nợ vì vay lãi quá cao dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Chị P.T.N trú tại xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là một trong những trường hợp điển hình cho sự đắng cay của việc đi vay nặng lãi. Năm 2011, do cần số tiền gấp để làm ăn, chị N đã vay 50 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng của bà L.T.T.M trú tại xã Vinh Quang, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Mỗi tháng, chị N phải trả cho bà M số tiền lãi lên tới 10.000.000 đồng/tháng. Suốt một năm, chị N phải còng lưng gánh khoản lãi “cắt cổ” lên tới 120 triệu đồng, cao gấp 2,5 lần tiền gốc. Trong khi đó, nếu vay 50 triệu theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố năm 2011 là 0,75%/tháng thì chị N chỉ phải trả lãi suất: 375.000 đồng/tháng.

Trong trường hợp này, theo quy định tại Khoản 1 Điều 376 BLDS thì lãi suất cho vay sẽ không được vượt quá: 0,75% * 150% = 1,125%/tháng. Tuy nhiên, bà M cho vay với lãi suất 20%/tháng là đã vượt gần 18 lần so với mức lãi suất tối đa (1,125%) mà pháp luật quy định. Do đó, việc cho vay của bà M đối với chị N là cho vay nặng lãi.

Trong xã hội hiện nay, những người cho vay nặng lãi ngày càng nhiều. Họ xuất thân từ nhiều thành phần, hoàn cảnh khác nhau như tiểu thương, người làm nghề tự do, thậm chí cả viên chức. Nhưng họ có một điểm chung là có tiền nhàn rỗi và có nhu cầu cho vay tiền lấy lãi. Thông thường lãi cho vay dao động từ 5.000 – 7.000đồng/1triệu đồng/ngày. Với mức lãi suất “khủng” như vậy, hoạt động cho vay nặng lãi như tấm nam châm hút mạnh người cho vay gắn vào nó bởi sức hút ma quái của từ trường siêu lợi nhuận.

Tuy nhiên, bên cạnh “phần nổi” của việc cho vay nặng lãi là kiếm được khoản tiền “kếch xù” trong thời gian ngắn thì “phần chìm” của hoạt động này cũng là vấn đề đáng quan tâm mà không phải ai cũng biết.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 163 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) thì việc cho vay nặng lãi không đơn thuần là quan hệ dân sự mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đủ các yếu tố sau:

Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Trong đó, mức lãi suất cao nhất được pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 376 BLDS là: “không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”

Thứ hai: Cho vay nặng lãi có tính chất chuyên bóc lột,  được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi cao gấp nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.


alt

 

Trường hợp nêu ở phần trên, lãi suất mà bà L.T.T.M cho chị P.T.N vay đã vượt quá gần 18 lần với mức lãi suất tối đa mà pháp luật quy định vào năm 2011. Nếu bà M là người chuyên cho vay nặng lãi, coi đây một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc cho vay nặng lãi làm nguồn sống chính thì bà M có thể sẽ bị xử lý hình sự, bằng một trong các hình thức được quy định tại Điều 163 BLHS:

  1. 1.Bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
  2. 2.Phạm tội tu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm;
  3. 3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định hành vi cho vay lãi nặng có tính chất bóc lột cũng là vấn đề trừu tượng. Thế nào là “bóc lột” cũng đang là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, bản thân việc cho vay  nặng lãi  đã chứa đựng tính chất bóc lột rồi, nên không cần phải quy định dấu hiệu “có tính chất bót lột” nữa.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người cho vay bị “mất cả chì lẫn chài” do con nợ “sa cơ lỡ vận” không có khả năng thanh toán và đã bỏ trốn. Thói đời vốn dĩ “bám thằng có tóc, ai bám thằng trọc đầu”,  thế là đành mất trắng…. Như vậy, dẫu đem lại lợi nhuận cao nhưng người cho vay nặng lãi cũng gặp khá nhiều nguy cơ rủi ro. Người cho vay nặng lãi bước chân vào hoạt động này chẳng khác nào đem tiền vào xới bạc, “được ăn cả, ngã về không”. Cái ranh giới từ chủ thể cho vay trở thành nạn nhân, từ chủ nợ thành con nợ trở nên quá đỗi mong manh.

Bên cạnh đó, cũng cần khẳng định rằng: đối tượng đi vay vốn cũng đa dạng về thành phần không kém gì đối tượng cho vay lãi. Trước hết, phải kể đến những người làm ăn đang cần vốn để giải quyết gấp công việc, trong đó có chị P.T.N mà tôi đã đề cập. Chị N chia sẻ: “Nếu vay ngân hàng với lãi suất hợp lí, chị phải hoàn tất khá nhiều thủ tục về tài sản thế chấp, giấy tờ chứng minh thu nhập, chờ thời gian giải ngân… Trong khi vay nặng lãi, bà M chỉ yêu cầu chị N viết một tờ giấy nhận tiền là xong. Vì thế, mặc dù biết “bị cắt cổ” bỡi lãi quá cao, song chị cũng nhắm mắt làm liều miễn sao có tiền nóng. Giờ nghĩ lại thấy mình dại dột quá”

Đến hạn mà không có tiền trả, bà M tìm đến nhà chửi bới, ăn vạ; thuê  bọn “đầu gấu” đe dọa bắt cóc con để uy hiếp vợ chồng chị N phải trả tiền. Cả gia đình có một lô đất, nếu bán đi trả nợ thì vợ chồng, các con của chị sẽ đi đâu về đâu? Chị N hối hận, căm ghét bản thân vì đã khiến chồng con bị liên lụy. Có lúc chị N quẫn bách quá đã từng nghĩ đến cái chết vì “chết là hết”. Thế nhưng, chị N đã không thể chết vì chị biết nếu chị chết bà M vẫn sẽ không buông tha chồng và con của chị. Nếu không có người hướng dẫn chị N tìm đến Văn phòng luật sư để được tư vấn thì chắc giờ này chị N đã liều mạng một phen với bà M.

Như vậy, rõ ràng hoạt động cho vay nặng lãi mang lại hệ lụy rất lớn đối với xã hội nói chung và đối với chủ nợ cũng như con nợ nói riêng. Thiết nghĩ, nếu như phương thức vay vốn của ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng, và không phải “bôi trơn” qua nhiều cấp, thì chắc rằng không ai dại gì kề cổ cho những kẻ “buôn tiền” kia cứa, và những kẻ buôn tiền cũng chẳng thể lợi dụng “đục nước béo cò”.


Huyền Trần (Cộng tác viên)