A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phương hướng nhiệm vụ công tác Bảo vệ môi trường năm 2024

Tăng cường kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường là một nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong công tác BVMT năm 2024.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT, tại Báo cáo số 388/BC-UBND ngày 31/10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý:

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất thải rắn theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhàn dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tiếp tục tổ chức tập huấn chuyên môn quản lý về Luật BVMT năm 2020, các Văn bản dưới Luật; bố trí cán bộ chuyên trách về môi trường đủ về số lượng, mạnh về chất lượng; tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác BVMT ở phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch liên tịch về BVMT đã ký kết, tăng cường vai trò phản biện, giám sát, tham gia quản lý nhà nước về BVMT của các Hội đoàn thể; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động phối hợp, đảm bảo đúng theo các nội dung, mục tiêu đề ra.

Hai là, huy động nguồn lực tài chính, xã hội hóa công tác BVMT:

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội tham gia BVMT về xử lý rác thải và nước thải.

Tích cực, chủ động đề xuất các dự án về BVMT để thu hút nguồn lực đầu tư từ các quỹ tài chính, các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới.

Tiếp tục tăng cường huy động nguồn lực quốc tế phục vụ cho BVMT. Chú trọng hợp tác với các quốc gia láng giềng về các vấn đề môi trường xuyên biên giới như BVMT nước, môi trường không khí, quản lý chất thải nhựa, kiểm soát săn bắt, buôn bán động thực vật hoang dã trái phép và sinh vật ngoại lai xâm hại.

Tiếp tục tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ về BVMT theo đề xuất của ngành tài nguyên và mõi trường và Ủy ban nhân dân các huyện. Tăng chi từ ngân sách nhà nước cho công tác BVMT, bảo đảm tăng dần theo tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ba là, hoàn thiện chính sách, pháp luật:

Tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật về BVMT để đề xuất bãi bỏ, sửa đổi hoặc ban hành theo hướng đơn giản, không chồng chéo, tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của các cấp với hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường của lực lượng Công an phòng chống tội phạm về môi trường.

Bốn là, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường:

Tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi các quy hoạch được ban hành.

Phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động; đặc biệt chú trọng đối với nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.

Rà soát toàn bộ các tác động đối với môi trường, các yêu cầu về công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm đối với các dự án đầu tư sau khi cấp giấy phép môi trường, thực hiện kiểm tra, giám sát, tiến hành đo đạc, lấy mẫu và phân tích mẫu chất thải ra môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm của dự án; yêu cầu, khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động xả nước thải ra môi trường tiếp nhận phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải công nghiệp tự động liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý.

Tập trung kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN, làng nghề; yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Lập và thực hiện phương án, tổ chức tự quản và xây dựng hạ tầng BVMT ở các làng nghề.

Tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị, mở rộng mạng lưới dịch vụ thu gom chất thải rắn ở khu vực nông thôn. Rà soát quy hoạch, nhu cầu xử lý, chôn lấp, năng lực đáp ứng yêu cầu về BVMT của các cơ sở xử lý, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; có kế hoạch cụ thể để nâng cấp, cải tạo, đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không đạt yêu cầu. Song song đó, các địa phương có phương án điều phối, liên kết với các cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh để xử lý chất thải rắn phát sinh tại địa phương.

Đầu tư trang thiết bị quan trắc môi trường nhằm tăng cường năng lực theo dõi, giám sát chất lượng môi trường toàn tỉnh; chia sẻ cơ sở dữ liệu và quản lý môi trường thông minh; thực hiện quan trắc môi trường định kỳ hàng năm theo mạng lưới điểm quan trắc môi trường tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2021, Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2023 về việc điều chỉnh Quyết định số 759/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2021.

Tổ chức triển khai xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Quản lý bảo vệ các khu bảo tồn, khu vực đa dạng sinh học cao, hành lang đa dạng sinh học và các khu vực chưa đủ điều kiện thành lập khu bảo tồn; hưởng ứng, triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh...

Tăng cường kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất, thực hiện thanh tra thường xuyên về BVMT theo quy định của Luật Thanh tra và pháp luật về BVMT.


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan