A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 3898/UBND-KGVX, ngày 10/11/2023 chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Công văn này thay thế Công văn số 3466/UBND-KGVX ngày 27/9/2021 về việc triển khai một số nội dung của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ và các văn bản liên quan.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh tăng cường công tác quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả, đúng theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về lập đề cương và dự toán tiết đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Kon Tum ban hành kèm theo Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum; Quyết định số 36/2021/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định một số nội dung về công tác quản lý dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước của tỉnh Kon Tum và các quy định có liên quan. 

Đối với các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước: 

Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.

Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT, trong đó:

- Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Đơn vị đầu mối thẩm định là Sở Thông tin và Truyền thông (trong trường hợp Sở Thông tin và Truyền thông là Chủ đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định).

- Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện/Thủ trưởng đơn vị dự toán cấp I: Người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết thành lập hội đồng thẩm định hoặc giao cho đơn vị chuyên môn trực thuộc làm đầu mối thẩm định (gọi chung là đơn vị đầu mối thẩm định). Đơn vị đầu mối thẩm định lấy ý kiến Sở Thông tin và Truyền thông về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, trên cơ sở đó tiến hành thẩm định đề cương và dự toán chi tiết trước khi trình phê duyệt.

Trình tự thẩm định: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT. Đơn vị đầu mối thẩm định được phép thuê tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm thực hiện thẩm tra đề cương và dự toán chi tiết để làm cơ sở thẩm định. Trong quá trình thẩm định, tùy theo tính chất phức tạp của từng công việc và nội dung chi, đơn vị đầu mối thẩm định có thể lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tổ chức hội nghị tư vấn đề lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan và ý kiến chuyên gia (nếu cần thiết).

Đối với các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường: Thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Giá thuê dịch vụ (tính theo đơn giá của từng dịch vụ sử dụng hoặc đơn giá sản phẩm đầu ra của dịch vụ) được xác định trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm thuê dịch vụ. Trường hợp người có thẩm quyền quyết định thuê dịch vụ yêu cầu phải lập kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin, việc lập kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện theo quy định tại các Điều 53, 54, 55, 56, 57 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP. 

Hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường thực hiện theo quy định cụ thể tại Điều 53, 54, 55, 56, 57, 58 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, trong đó:

- Hoạt động thuê thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Đơn vị đầu mối thẩm định kế hoạch thuê là Sở Thông tin và Truyền thông (trong trường hợp Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị sử dụng ngân sách, Sở Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định).

- Hoạt động thuê thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện/Thủ trưởng đơn vị dự toán cấp I: Cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thuê phân công đơn vị chuyên môn trực thuộc tiến hành thẩm định kế hoạch thuê trước khi phê duyệt. Đơn vị đầu mối thẩm định có trách nhiệm lấy ý kiến hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thuê lấy ý kiến Sở Thông tin và Truyền thông về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, trên cơ sở đó tiến hành thẩm định kế hoạch thuê trước khi phê duyệt.

Trình tự thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 56 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thuê yêu cầu đơn vị sử dụng ngân sách được giao nhiệm vụ thuê dịch vụ lựa chọn tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra một phần hoặc toàn bộ nội dung quy định tại khoản 3 Điều 56 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP. Trong quá trình thẩm định, tùy theo tính chất phức tạp của từng công việc và nội dung chi, cơ quan đầu mối thẩm định có thể lấy ý kiến hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thuê lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tổ chức hội nghị tư vấn để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, lấy ý kiến chuyên gia của các tổ chức, cá nhân có chuyên môn.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Tổ chức tuyên truyền phổ biến, quán triệt Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và các văn bản có liên quan về hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Kịp thời hướng dẫn về trình tự, thủ tục đối với các tổ chức và cá nhân tham gia quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước tại địa phương theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan.

Các đơn vị, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước tại cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý; hằng năm trước ngày 15 tháng 10, xây dựng dự toán kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp.


Tác giả: Khánh Vi