A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh tỉnh từ bản án của ba kẻ phạm tội “Giết người”

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Giao, 32 tuổi và 02 đồng phạm là Trần Cao Hơn, 33 tuổi và Trần Võ Bảo Ngọc, 21 tuổi, tại Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum, các bị cáo đã bị kết tội với các tội danh khác nhau.

Theo các thông tin được đưa ra trong phiên tòa, vào ngày 24/3/2022, Nguyễn Hoàng Giao đã rủ Trần Cao Hơn và Trần Võ Bảo Ngọc đến một nhà nhậu và cho biết là nghe nói Quang (Bụp) đã nói với nhiều người bắt Giao quỳ xuống và lấy dép tát vào mặt nên tức giận và cảm thấy nhục nhã. Trong khi ngồi nhậu, Giao mang ra 01 khẩu súng AR15 và 03 viên đạn cho Ngọc và Hơn xem. Sau đó, Giao điện thoại cho Quang nhưng Quang không thừa nhận tin đồn mà Giao nghe được nên Giao rủ Hơn, Ngọc đến tìm Quang để giải quyết mâu thuẫn.

Khi đến gặp Quang, Giao mang theo khẩu súng và 03 viên đạn nêu trên, Giao chĩa mũi súng hướng về phía Quang và lên đạn, bóp cò, súng nổ trúng vào cổng nhà và mảnh vỡ của đầu đạn văng trúng vào đầu Quang, hậu quả làm Quang bị thương tích 55%. Giao tiếp tục cầm súng quay sang hướng một số người có mặt ở đó nổ nhưng không trúng ai. Sau đó cả ba đối tượng lên xe rời khỏi hiện trường.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của Nguyễn Hoàng Giao dùng súng AR15 (là vũ khí quân dụng) chĩa về phía Quang bóp cò, hậu quả làm Quang bị thương 55% chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, sau đó lại tiếp tục chĩa vào nhóm người khác bóp cò nhưng không trúng ai. Hành vi dùng súng chĩa vào nhiều người để bắn có khả năng làm chết nhiều người. Hành vi đó đã phạm tội “Giết người” quy định tại điểm l, n khoản 1 Điều 123 và tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại khoản 1 Điều 304 Bộ luật hình sự.

Hành vi của Trần Cao Hơn và Trần Võ Bảo Ngọc biết rõ Nguyễn Hoàng Giao có mâu thuẫn với Nguyễn Duy Quang và đồng ý đi cùng Giao để gặp Quang, khi đi Hơn và Ngọc biết rõ việc Giao mang theo khẩu súng và đạn, Hơn và Ngọc nhận thức rõ việc Giao có thể sử dụng súng nhưng vẫn đồng ý đi cùng là đồng phạm với vai trò giúp sức về mặt tinh thần cho Giao. Hành vi trên của Hơn và Ngọc đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” quy định tại điển l, n khoản 1 Điều 123 BLHS.

Toà tuyên án với 03 bị cáo

Hành động của các bị cáo đã gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và gia đình của nạn nhân. Những hành vi bạo lực như vậy không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức xã hội, xâm hại tính mạng, sức khỏe của người khác. Trong bối cảnh xã hội, hành vi của các bị cáo còn làm gia tăng mối đe dọa đến an ninh, trật tự, và sự yên bình của xã hội. Do đó, bản án với ba đối tượng là cần thiết để duy trì sự tôn trọng và tuân thủ pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự, và sự yên bình của cộng đồng.

Tuy nhiên, việc trừng phạt chỉ là giải pháp tạm thời. Để ngăn chặn các hành vi phạm tội tương tự xảy ra trong tương lai, chúng ta cần tập trung vào phổ biến kiến thức pháp luật, rèn luyện đạo đức cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là những em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường; tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi bạo lực và phạm tội, bảo vệ sự bình yên và an toàn cho mọi người.

Cuối cùng, qua việc truy tố và trừng phạt các bị cáo, công lý đã được thực thi, nhưng đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những kẻ còn đang có thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác sẽ phải nhận những hình phạt thích đáng của pháp luật. Chỉ khi mọi người tuân thủ các quy định pháp luật và đạo đức xã hội, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội bình yên, công bằng và văn minh.


Tác giả: Hoàng Phúc