A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Ngày 14/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 3948/UBND-KGVX triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung liên quan đến phát triển kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ triển khai có hiệu quả các Kế hoạch (Kế hoạch số 3549/KH-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2022 về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 2751/KH-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2022 về thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum), Văn bản chỉ đạo (Văn bản số 3511/UBND-KGVX ngày 13 tháng 10 năm 2022 về triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ tại Văn bản số 6983/VPCP-KSTT ngày 11 tháng 9 năm 2003; Văn bản số 3809/UBND-KGVX ngày 06 tháng 11 năm 2023 về tăng cường triển khai thực hiện giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực) của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số và xã hội số; đẩy mạnh các giải pháp phát triển hạ tầng số đồng bộ, thông suốt, an toàn phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số, nhất là hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây và các cơ sở dữ liệu dùng chung.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hút nguồn lực, chuyên gia, công nghệ để nắm bắt thời cơ phát triển, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Hỗ trợ triển khai các sáng kiến, chương trình hợp tác đào tạo trường đại học, viên nghiên cứu với doanh nghiệp địa phương trong đào tạo nhân lực chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gắn kết các hoạt động nghiên cứu với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Triển khai đào tạo kiến thức cơ bản, hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác tại cơ quan, đơn vị.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương tham mưu triển khai các chính sách tạo điều kiện phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; tăng cường công tác đào tạo kỹ năng số, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lục số phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và khu vực, nhằm phục vụ tốt công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ số mới, nền tảng số, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế số nền tầng và kinh doanh trực tuyến.

Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu vận dụng Nền tảng quản lý nội dung học tập và các nền tảng tài nguyên giáo dục mở để hướng dẫn, phổ biến đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, triển khai các nền tảng số kết nối cơ sở đào tạo với doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, thúc đẩy học từ việc làm thực tế; chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tổ chức đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động, kết nối cung - cầu thị trường lao động.

Các Sở Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực chủ chốt như điện lực, khu công nghiệp, khu kinh tế, cửa khẩu...; tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển các mô hình, hình thức kinh doanh mới.


Tác giả: Khánh Vi