A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Những đứa trẻ bán hàng

 

Sinh thời Bác Hồ từng nói: ‘Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan’, thế nhưng, xung quanh chúng ta vẫn còn những đứa trẻ ăn không được no, ngủ không được đủ giấc, hàng ngày rong ruổi khắp đường phố, quán ăn hay hàng nước làm công việc bán hàng rong để mưu sinh. Tuổi thơ của các em đang bị đánh cắp khi không được đi học, không được ăn ngủ thoải mái như những đứa trẻ đồng trang lứa mà phải ghì chặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền khi còn quá nhỏ.

Khi màn đêm buông xuống, Thành phố dường như trở nên nên ồn ào, náo nhiệt hơn bởi những con đường san sát quán nhậu, tụ điểm ăn uống, những khu vui chơi, giải trí… đó cũng là thời điểm nhiều em nhỏ bắt đầu cuộc sống mưu sinh của mình.

Tôi gặp một cậu bé dáng người gầy gò, nước da ngăm đen trong một quán nhậu khi bé mời tôi mua đồ ăn. Hỏi chuyện mới được biết bé chỉ mới 11 tuổi, hằng ngày bắt đầu đi bán từ 5 giờ chiều đến 8 rưỡi tối mới về.

Theo chân cậu bé mới thấy, cậu bé không đi bán một mình mà có một người phụ nữ chở đi, người này đứng chờ cách quán khá xa. Và hết quán nhậu này đến quán nhậu khác, người phụ nữ này chở các em rong ruổi khắp thành phố để bán hàng, các em ngồi sau ôm những thúng đồ to hơn cả người mình mà không hề đội mũ bảo hiểm…

Đứa bé được người thân chở đi bán hàng

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết còn nhiều trường hợp đi bán hàng rong như vậy trên địa bàn thành phố Kon Tum. Tìm đến nhà trường hợp một đứa trẻ khác cũng đi bán hàng rong ở Phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, hình ảnh chúng tôi bắt gặp là một người phụ nữ với gương mặt khắc khổ đang cầm tô cơm ăn dở và một đứa trẻ tầm 12 tuổi gày còm, xanh xao. Trong ngôi nhà cấp 4 được Nhà nước xây dường như không có đồ vật gì giá trị ngoài nồi trứng đang luộc dở và rổ cóc đã gọt sẵn để chuẩn bị cho chiều đi bán.

Ngôi nhà của một đứa trẻ bán hàng rong ở Phường Duy Tân

Hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Sương – mẹ của cháu bé lý do vì sao để bé đi bán như vậy thì được chị phân trần: “Em bán họ không mua, em bưng đi 5 bì cóc cả ngày vậy nhưng họ không mua, mà thằng cu này vô bán thì bán được… nó bán thì người ta thấy tội người ta mua chứ còn em bán họ không mua…Do hoàn cảnh khổ quá mình mới đi bán vậy, cho con đi bán vậy thôi chứ nếu như nhà có điều kiện thì mình sẽ khác…”

Tâm sự với chúng tôi trong nước mắt chị Sương cho biết thêm về hoàn cảnh người chồng bệnh tật của mình, bao nhiêu tiền bạc kiếm được đều dồn cho chồng đi chữa bệnh. Trước đây chị cũng đi mua nhôm nhựa, đồng nát nhưng giờ hết vốn nên đành phải đi bán hàng rong cùng lũ trẻ. Mỗi ngày kiếm dăm chục một trăm về mua gạo, dư được đồng nào thì dành để thuốc thang cho cha bọn trẻ.

Ông Vũ Văn Đam – Phó phòng Bảo vệ chăm sóc và bình đẳng giới – Sở Lao động thương binh và xã hội

Trao đổi với Ông Vũ Văn Đam về tình hình trẻ em bán hàng rong hiện nay trên địa bàn thì được ông cho biết: “Theo thống kê của ngành lao động thương binh và xã hội năm 2017, toàn tỉnh có 1124 trẻ em lao động sớm và lao động mưu sinh. Vấn đề trẻ em lao động sớm tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn trẻ em bán hàng rong, ăn xin tập trung tại địa bàn thành phố Kon Tum. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em lao động sớm và lao động mưu sinh, ở đây đi bán hàng rong tập trung vào 2 nguyên nhân chính: nguyên nhân thứ nhất là do hộ gia đình đói nghèo nhưng lười lao động, nguyên nhân thứ hai là bố mẹ sao nhãng việc nuôi dạy con cái trong hộ gia đình của mình”

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và thành phố Kon Tum nói riêng, tình trạng trẻ em đi bán hàng rong diễn ra khá phổ biến. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trường hợp những em nhỏ chỉ tầm 8, 9 tuổi ngồi tại các gốc ngã tư đường mang theo những túi rau quả, chờ người đi đường dừng đèn đỏ để chào bán.

Ở đây, có những người không để ý nhưng cũng có khá nhiều người vì thấy tội nghiệp nên cũng mua ủng hộ. Nhìn những đứa trẻ ngồi trên xe được bố mẹ đưa đón và đứa trẻ đứng bán hàng bên đường tuổi chắc cũng tầm tầm như nhau.

Một đứa trẻ bán hàng rong ở góc ngã tư Trần Phú – Phan Chi Trinh

Đứa bé bán ở ngã tư Trần Phú – Phan Chu Trinh được một lúc thì tiếp tục rảo bước đi về phía đường Trần Hưng Đạo, ở đây bé hội ngộ cùng nhóm của mình cũng đang ngồi bán rau quả bên đường. Sau một hồi, chắc bán cũng gần hết nên bé đi đến nơi cung cấp rau quả để đi bán. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, người giao rau quả để bé đi bán chính là người thân của em và cũng đang ngồi bán tại góc ngã tư Trần Phú – Trần Hưng Đạo.

Để có hướng giải quyết tình trạng hành trong thời gian tới, Ông Vũ Văn Đam tiếp tục cho biết: trong thời gian tới nếu không có giải pháp để can thiệp, phòng ngừa và hỗ trợ cho trẻ em thì nguy cơ trẻ em sẽ bỏ học, hoặc trẻ em lao động mưu sinh hoặc là bán hàng rong sẽ tiếp tục tái diễn.Vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, vận động, mục đích nhầm nâng cao nhận thức cho gia đình và trẻ em, nâng cao nhận thức để giảm thiểu và hạn chế trẻ em đi lao động mưu sinh và trong đó có trẻ em bán hàng rong. Những gia đình có trẻ em đi bán hàng rong và lao động mưu sinh thì phải cam kết với chính quyền địa phương không cho các em tham gia vào các hoạt động để đi kiếm tiền, thứ hai các cấp chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc để giải dứt điểm vấn đề này thì mới mong các em có được một cuộc sống an lành và đảm bảo môi trường sống của các em.”

Những đứa trẻ đi bán bất kể trời nắng hay trời mưa

Vẫn biết “hoàn cảnh đưa đẩy”, do nghèo khổ nên để có miếng cơm, manh áo  nên họ – người thân của những đứa trẻ không thể lựa chọn cách kiến tiền nào khác ngoài cách sử dụng chính những đứa con, đứa cháu của mình để đánh vào lòng trắc ẩn của người đời, họ đổ lỗi do hoàn cảnh để giao trọng trách kiếm cơm cho gia đình lên vai những đứa trẻ… Nhưng, liệu họ có biết rằng lợi dụng trẻ em để kiếm tiền như vậy là phạm tội.


Tấn Bình