A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy hiểm từ việc dừng, đỗ xe ô tô trái phép dưới lòng, lề đường

 

Gây ách tắc giao thông, gây tai nạn nguy hiểm, làm mất mỹ quan đô thị… đó là những nguy hiểm do việc dừng, đỗ xe ô tô trái phép dưới lòng, lề đường gây ra. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường các biện pháp xử lý song tình trạng này đã và đang diễn ra trên khắp các tuyến đường gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Theo Báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, năm 2017 cả nước xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người, trong đó số vụ xảy ra trên đường bộ chiếm tỷ lệ cao nhất với 19.798 vụ, làm chết 8.089 người, bị thương 16.970 người. Các vụ tai nạn giao thông xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó dừng, đỗ xe ô tô sai quy định, lấn chiếm lòng, lề đường cũng là một trong những nguyên cớ dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra ngày 08/5/2018 tại xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà

Khi đi trên đường, chúng ta không khó để bắt gặp những trường hợp xe ô tô dừng, đỗ một cách bừa bãi dưới lòng, lề đường bất chấp biển báo cấm. Điều này diễn ra khá thường xuyên và phổ biến bởi ô tô là phương tiện có kích thước lớn, việc dừng, đỗ phải lựa chọn khu vực trống là khá khó khăn. Những chiếc xe đang dừng, đỗ tưởng chừng như vô hại với các phương tiện xung quanh nhưng trong thực tế đối với nhiều người tham gia giao thông, những chiếc xe đang dừng, đỗ còn đáng sợ hơn những chiếc xe đang lưu thông bình thường. Bởi lẽ, khi dừng, đỗ nếu các phương tiện chiếm một phần đường xe chạy hoặc không bật đèn cảnh báo thì sẽ là những vật cản bất ngờ, gây nhiều nguy hiểm cho người đi đường.

Khi dừng, đỗ xe ô tô lấn chiếm lòng đường, những chiếc xe sẽ trở thành vật cản, che khuất tầm nhìn của xe phía sau, làm họ rất khó xử lý với những tình huống phía trước là xe đang đi tới ngược chiều và cả những tình huống xảy ra đối với xe đi sau cùng chiều. Bởi lẽ, để vượt tránh vật cản là xe đậu phía trước, người điều khiển phương tiện buộc phải lấn làn đường của xe bên cạnh, điều này rất dễ gây tai nạn với xe đi tới ngược chiều và cũng dễ làm xe phía sau cùng chiều không thắng kịp nếu đang đi với tốc độ lớn và không để ý tín hiệu xin vượt của xe phía trước. Cũng trong nhiều trường hợp, người điều khiển khi đi trên đường, do trời tối hoặc do không để ý quan sát phần đường đã tông vào đuôi xe đang đậu, đỗ ở lòng, lề đường. Không những vậy, khi dừng, đỗ xe dưới lòng, lề đường, tài xế không quan sát kỹ phương tiện đi tới từ phía sau, vô tình mở cửa và người đi tới không thắng kịp hoặc thắng gấp dẫn tới va chạm với cửa xe ô tô gây tai nạn. Tất cả những tình huống rủi ro này đều có thể xảy ra và gây hậu quả hết sức khôn lường đối với tính mạng, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điển hình như ngày 08/5/2018, tại Km1532+400-Quốc lộ 14 thuộc xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, A Linh (trú tại thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) điều khiển xe mô tô theo hướng Đăk Hà đi Đăk Tô đã tông vào đuôi xe ô tô tải cùng chiều khi xe đang đỗ bên phải đường. Vụ tai nạn làm A Linh tử vong khi cấp cứu tại bệnh viện, xe ô tô, mô tô hư hỏng nặng. Đây chỉ là một trong những vụ việc cho thấy mức độ nguy hiểm khôn lường từ việc dừng, đỗ xe ô tô dưới lòng, lề đường-một hành động tưởng chừng như vô hại của bất kì tài xế nào.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến vấn đề an toàn giao thông, việc dừng, đỗ xe ô tô sai quy định, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường còn gây ách tắc giao thông, nhất là đối với những cung đường hẹp và là tác nhân làm mất mỹ quan đô thị. Chính vì vậy, trong chiến dịch ra quân dẹp gọn đường phố tại các địa phương, các lực lượng chức năng luôn kiên quyết xử lý nghiêm hành vi dừng, đỗ xe sai quy định; tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, phát loa tuyên truyền, vận động nhân dân không dừng, đỗ xe lấn chiếm lòng, lề đường, đồng thời xử phạt và cấm hoạt động đối với những bãi trông giữ xe tự phát vi phạm quy định này.

Điều 18 “Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ”, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Theo đó, việc dừng, đỗ xe trên đường bộ phải tuân thủ các quy định sau (khoản 3, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008):

– Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

– Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

– Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

– Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

– Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

– Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

– Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

* Chú ý, không được dừng, đỗ xe tại các vị trí sau (khoản 4, Điều 18, Luật Giao thông đường bộ năm 2008):

– Bên trái đường một chiều;

– Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

– Trên cầu, gầm cầu vượt;

– Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

– Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

– Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

– Nơi dừng của xe buýt;

– Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

– Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

– Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

– Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Ngoài ra, khi cho xe dừng đỗ trong khu vực thành phố cần lưu ý (Điều 19 “Dừng, đỗ xe trên đường phố”, Luật Giao thông đường bộ năm 2008):

– Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

– Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi dừng, đỗ xe ô tô sai quy định, tại Điều 5 “Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm quy định dừng, đỗ xe ô tô cụ thể, trong đó mức phạt cao nhấttừ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng” đối với các hành vi “Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông”.

Mặc dù pháp luật đã có những chế tài điều chỉnh, xử lý đối với hành vi dừng, đỗ xe sai quy định, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông và gây nguy hiểm đối với các phương tiện tham gia lưu thông khác, song nhận thức của người dân về những quy định này còn khá hạn chế nên hành vi dừng, đỗ xe trái phép tưởng chừng như vô hại vẫn diễn ra tràn lan. Để giảm thiểu tình trạng này, thời gian tới, lực lượng chức năng cần có những động thái quyết liệt hơn nữa trong xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành tốt văn hóa tham gia giao thông của mỗi người dân.


Khánh Vi