A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ năng cứu người bị đuối nước

 

Đuối nước theo tổ chức Y tế thế giới được định nghĩa như sau: Đuối nước là hiện tượng khí quản của người lớn hay trẻ nhỏ bị một chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào dẫn tới khó thở. Hậu quả của ngạt thở lâu có thể là tử vong (chết đuối) hoặc không tử vong, nhưng gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh. Chết đuối theo thuật ngữ chuyên ngành là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước. Người ta thống kê cho thấy khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi không có nước. Người bị chìm trong nước nhưng không bị ngạt được cứu tỉnh kịp thời thì được gọi là suýt chết đuối.

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh cứu người đuối nước

Cứu, cứu, cứu tôi với!!!

(hình ảnh minh họa)


Như vậy, ta hiểu rằng đuối nước tức là hiện tượng nạn nhân chưa chết đuối còn các biểu hiện về dấu hiệu sinh tồn, còn vùng vẫy, còn có khả năng phối hợp với người cứu để thoát khỏi nguy hiểm. Còn chết đuối tức là nạn nhân đã chết không còn dấu hiệu của sự sống.

Qua một số khảo sát, đánh giá của các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức phi Chính phủ, báo đài đăng tải thì hàng năm số người bị đuối nước rất lớn trong môi trường sống tiềm ần nhiều nguy cơ rủ ro về tai nạn sông nước. Chúng ta đã được nhìn thấy những tấm gương dũng cảm cứu người bị đuối nước trên các mặt báo, trang tin nhưng cũng có nỗi đau xót xa cho người cứu khi cứu được người khác thì  mình cũng không còn nữa để lại nỗi đau, niềm thương nhớ, vắng bờ vai vững chắc cho gia đình.

Nhưng nhìn lại một cách sâu sắc dưới góc độ của người làm chuyên môn một trong những vấn đề dẫn đến người cứu bị đuối nước thì ngoài lòng dũng cảm, sức khỏe thì kỹ năng cứu người bị đuối nước nó vô cùng quan trọng vừa để đảm bảo an toàn nạn nhân và cho mỗi chúng ta. Làm cho cuộc sống trở nên an toàn hơn. Qua bài viết này tôi xin được hướng dẫn về kỹ năng cứu người bị đuối nước như sau:

Bước 1: Hô hoán người tới giúp đỡ và gọi điện

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh cứu người đuối nước

Có ai không cứu người bị đuối nước?!

(hình ảnh mình họa)


+ Phải nói rằng đây là bước quan trọng khi gặp tình huống này kể cả đối với những người bơi giỏi thì quyết định nhảy xuống nước cứu nạn nhân là việc vô cùng nguy hiểm. Đầu tiên khi nhìn thấy người bị nạn phải hô thật to(Có ai không, cứu người bị đuối nước!) để tất cả những người xung quanh có thể tới trợ giúp càng nhanh càng tốt.

+ Xác định nạn nhân đang trong tình trạng nguy hiểm ở mức độ như thế nào thông qua đánh giá nhanh mối nguy hiểm khi tiến hành các hoạt động cứu nạn có thể tác động trực tiếp đến người cứu cũng như nạn nhân như: Vận tốc dòng chảy, nhiệt độ, các mảnh vỡ và khả năng nhiễm độc có thể xảy ra…

+ Xác định các yếu tố rủi ro, thuận lợi và các hiệu quả thu được nếu khả năng xấu nhất xảy ra;

Nếu chỉ có một mình, bạn hãy sử dụng di động gọi cho người gần nhất mà bạn biết để họ thông báo cho mọi người đến trợ giúp, cho bệnh viện hoặc các đơn vị có khả năng cấp cứu ngay lập tức trong đó không quên gọi tới 114 để được hỗ trợ về chuyên môn nếu ở xa và ứng cứu khẩn cấp.

Bước 2:  Trấn an tinh thần nạn nhân

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh cứu người đuối nước

Anh hãy bình tĩnh, tôi sẽ cứu anh!

(hình ảnh minh họa)


+ Phải luôn luôn để ý tới tình trạng của nạn nhân khi chờ người tới giúp và liên tục trấn an tinh thần để họ vững tâm tin tưởng là sẽ được cứu thoát với những câu nói (anh chị hãy cố gắng, tôi sẽ cố gắng giúp hay anh, chị hãy gắng lên sẽ có người đến cứu…). Nên lựa chọn những câu nói ngắn gọn, súc tích mà bản thân người cứu phải hết sức bình tĩnh để làm điểm tựa về tinh thân cho nạn nhân.

+ Theo kinh nghiệm cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, lời nói trấn an của người cứu rất quan trọng. Lời nói kịp thời của người trợ giúp sẽ khiến nạn nhân ổn định được tâm lý, bớt giãy giụa và hạn chế nước sặc vào hệ hô hấp. Trong khi đó, hãy cố gắng với khả năng ứng biến của mình để tìm mọi cách vớt họ lên.

Bước 3. Tận dụng vật bất kỳ để kéo nạn nhân lên bờ

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh cứu người đuối nước

Anh hãy bám chắc nhé!

(hình ảnh minh họa)


+ Trong trường hợp nạn nhân gần bờ nên tận dụng mọi đồ vật xung quanh dùng để với về phía người đuối nước như: Một chiếc gậy, một cây sào, cành cây, khăn tắm, áo… Với một số đồ vật có thể nổi trên mặt nước như bình, can nhựa, thùng xốp, tấm ván, trái bóng… hãy ném gần người bị nạn để họ có chỗ bám khi chới với, hoặc nếu có thêm cuộn dây thì nên cột chặt vào đồ vật rồi ném về phía người đuối nước để kéo họ lại gần bờ. Tuyệt đối không ném thẳng trực diện vào nạn nhân dễ dẫn đến nạn nhân bị chấn thương và ngất xỉu dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng.

+ Lấy điểm tựa và đứng trên bờ thật vững để khi kéo được nhanh hơn và tránh trường hợp có thể bị mất đà ngã xuống nước. Còn khi ở trên thuyền thì phải đứng trụ đều 2 chân, hạ thấp trọng tâm để tranh chao đảo mất thăng bằng khi tiếp cận và cứu nạn nhân.

Bước 4. Nhảy xuống cứu

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh cứu người đuối nước

Hãy tiếp cận người chết đuối từ phía sau

(hình ảnh minh họa)


Nhảy xuống nước cứu nạn nhân là giải pháp cuối cùng. Vì trên thực tế đã có nhiều trường hợp người cứu nạn do chưa có kỹ năng nên bị nạn nhân dìm xuống khiến cả 2 đều bị chết đuối.

Nếu không thể sử dụng vật nào đó để kéo nạn nhân vào bờ thì phải cởi các vật dụng không cần thiết khỏi cơ thể thật nhanh, dùng miệng cắn cái áo (để hai tay không vướng víu) bơi nhanh về phía nạn nhân. Khi tới gần nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau để hạn chế nạn nhân bám lấy dìm xuống trong lúc đang hoảng loạn. Đưa áo cho nạn nhân nắm lấy rồi cầm chặt một đầu kéo vào bờ hoặc tiếp cận động viên tinh thần nạn nhân phối hợp cùng mình, bằng cách đẩy nạn nhân từ từ vào bờ, tuyệt đối không cho nạn nhân bám vào mình thì sẽ rất nguy hiểm, mất sức gây khó khăn cho công tác cứu nạn.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn hơn nữa thì tự trang bị cho mình một phao cứu hộ, hoặc sử dụng bất kỳ vật gì có thể nổi được như thùng nhựa, hộp xốp, tấm gỗ… phòng khi đuối sức có nơi để bám lấy. Hoặc nếu có cuộn dây dài, nên cột một đầu vào một điểm nào đó thật chắc chắn trên bờ, đầu kia buộc vào người rồi bơi tới chỗ nạn nhân, đưa họ nắm lấy để kéo vào bờ. Đông tác cần làm nhanh và dứt khoát vì thời gian không chờ đợi.

Bước 5:  Kịp thời sơ cấp cứu nạn nhân khi lên bờ

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh cứu người đuối nước

Hãy cố gắng cứu sống nạn nhân!

(hình ảnh minh họa)


Sau khi đem nạn nhân lên bờ, hãy nhanh chóng gọi điện thoại cấp cứu 115. Trường hợp nạn nhân đã ngừng thở, ngừng tim thì phải nhanh chóng sơ cấp cứu kịp thời cho nạn nhân bằng cách dốc ngược đầu nạn nhân cho nước trong đường thở thoát ra và lập tức tiến hành làm hô hấp nhân tạo bằng phương pháp miệng – miệng vì đó là phương pháp hữu hiệu nhất để giúp nạn nhân thở lại. Nạn nhân bị ngưng tim hãy tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực song song với hô hấp nhân tạo.

Khuyến cáo, không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước như vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi vì nếu nạn nhân ngưng thở từ 4-6 phút thì não sẽ tổn thương hoặc chết. Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài.

Như vậy, việc hiểu biết kỹ năng cứu người bị đuối nước vô cùng quan trọng để đảm bảo cho hoạt động cứu nạn được tốt hơn và môi trường sống an toàn hơn góp phần đảm bảo an toàn cho mình mà mọi người xung quanh.


Nguyễn Văn Ngọ