A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng chống bệnh dại trong mùa hè

 

Chó, mèo là những loài động vật quen thuộc đối với cuộc sống của con người với nhiều lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, để nuôi chúng đúng cách, phát huy tác dụng và an toàn đối với con người còn là vấn đề đáng quan tâm khi tình trạng bệnh dại do bị chó, mèo cắn đang ngày càng gia tăng khi mùa hè tới.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Bệnh dại lây truyền từ các loài động vật sang người khi tiếp xúc gần gũi, bị loài động vật mang bệnh cào hoặc cắn phải. Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và người bệnh có thể chết do liệt cơ hô hấp.

Thời gian qua, tình hình bệnh dại ở nước ta có những diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng cả về số vụ và hậu quả để lại, làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm có 94 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó dại cắn phải đi điều trị dự phòng gây thiệt hại trực tiếp hằng năm trên 800 tỷ đồng. Năm 2017, cả nước ghi nhận 72 trường hợp tử vong do bệnh dại, rải rác chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên. Tính đến tháng 3/2018, cả nước ghi nhận 15 trường hợp tử vong tại 16 tỉnh, thành phố.

Hội nghị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại nhằm giảm số ca tử vong tại khu vực Tây Nguyên tổ chức ngày 28/5/2018 tại Kon Tum


Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, từ năm 2014 đến năm 2017, mỗi năm có 01 trường hợp tử vong do bệnh dại (riêng trong năm 2015 không ghi nhận trường hợp nào). Bệnh dại thường mắc ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân thường không đi tiêm phòng dại sau khi bị động vật cắn. Trong những năm qua, bệnh dại được ghi nhận tại các xã Ngọc Bay, Đăk Rơ Wa, Ia Chim-TP.Kon Tum, xã Đăk Môn, Đăk Choong, Đăk Man-huyện Đăk Glei. Trong 3 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 04 trường hợp tử vong do bệnh dại với 02/10 huyện, thành phố và 04/102 xã, phường, thị trấn có ca bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bệnh nhân tử vong do bệnh dại tại Tây Nguyên tăng cao là do người dân thiếu kiến thức, thông tin về dự phòng bệnh dại, chủ quan không đi tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn; cán bộ y tế cơ sở chưa quan tâm nhiều đến hoạt động phòng, chống bệnh dại; các điểm tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại còn quá ít, khoảng cách còn xa; sự phối hợp, chỉ đạo của chính quyền địa phương và ngành thú y còn hạn chế, chưa quyết liệt; tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trong vùng nguy cơ còn thấp.

Người dân cần tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo

nhất là trong mùa hè

Trước tình hình bệnh dại trên địa bàn các  tỉnh Tây Nguyên đang có chiều hướng gia tăng phức tạp, các cơ quan chức năng đã tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại về người do loại bệnh này gây ra. Ngày 28/5/2018, tại tỉnh Kon Tum, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại nhằm giảm số ca tử vong tại khu vực Tây Nguyên. Đây là hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các đơn vị chuyên môn đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại như ban hành Kế hoạch thực hiện “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2018-2021”; tăng cường quản lý đàn chó, mèo; tăng tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi; thành lập các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên người (có 10/10 huyện, thành phố có điểm tiêm vắc xin dại dịch vụ và miễn phí cho người nghèo, 17 xã thuộc khu vực nguy cơ cao có điểm tiêm vắc xin miễn phí cho người nghèo). Sở Y tế tỉnh đã  xây dựng Kế hoạch triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2018. Qua đó, đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và nhận thức của người dân trong tích cực tham gia phòng chống bệnh dại tại cộng đồng. Tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và biện pháp xử lý khi bị phơi nhiễm với virút dại, cách nhận biết động vật mắc bệnh dại, biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả. Vận động cộng đồng cùng tham gia phòng chống bệnh dại trên người và động vật. Tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý ổ bệnh, tổ chức tiêm vắc-xin dại cho người phơi nhiễm virút dại…

Hiện nay, thời tiết đang bắt đầu vào mùa hè, khí hậu nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của virut dại trên động vật nên nguy cơ người dân bị động vật cắn và tử vong do bệnh dại là rất lớn. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trên động vật nuôi còn thấp, đa số người dân không quan tâm đến việc này khi nuôi đàn chó, mèo. Kinh phí cho công tác phòng chống bệnh dại (đào tạo, tập huấn, mua vắc-xin, hỗ trợ phòng chống dịch, mua vật tư, bảo hộ…) còn hạn chế. Chính vì vậy, điều này đang gióng lên hồi chuông đáng báo động về những nguy hiểm khôn lường do bệnh dại gây ra đối với sức khỏe người dân.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, cần mở rộng các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại từ tuyến tỉnh đến huyện; đồng thời mỗi hộ dân cần nâng cao ý thức trong việc quản lý và tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó, mèo để giảm nguy cơ mắc bệnh dại do chó, mèo cắn.


Khánh Vi