A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao cảnh giác với nạn bạo hành trẻ em

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ chí Minh từng căn dặn “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ học hành là ngoan”. Trẻ em – chủ nhân tương lai của đất nước, chúng là những đứa trẻ đáng yêu hết sức hồn nhiên và ngây thơ cần phải được gia đình và xã hội chăm sóc và bảo vệ. Tuy nhiên thời gian qua nhiều vụ bạo hành trẻ em liên tiếp được phanh phui gây nhiều bất an cho các bậc phụ huynh, những người đang có con, cháu học tại các trường mầm non, các điểm trông giữ trẻ.

Nhiều vụ bạo hành trẻ em trên địa bàn cả nước được phát hiện như vụ bạo hành của các bảo mẫu tại trường Mầm non Mầm Xanh tại quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, các cô giáo vì muốn dằn mặt, đe dọa, để các cháu sợ và nghe lời, các bảo mẫu đã nhẫn tâm dùng tất cả các vật dụng dùng để nấu ăn như vá múc canh, can nhựa, chổi lau nhà và thậm chí cả dao để đe dọa, đánh đập các cháu. Bạo hành trẻ em không chỉ xảy ra ở các trường học, các điểm trông giữ trẻ mà còn diễn ra ngay chính trong gia đình của các em, những người bố đẻ, mẹ kế, những người sinh thành, dưỡng dục các em lại nhẫn tâm đánh đập, hành hạ con mình một cách không thương tiếc. Điển hình như vụ Trần Hoài Nam là cha đẻ của bé trai T.N.K trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội vì cháu K nghịch ngợm không chịu vâng lời Trần Hoài Nam và mẹ kế đã bạo hành dã man bé K trong suốt gần 2 năm, làm cho bé K bị rạn sọ não, gãy xương sườn, khắp cơ thể chi chít các vết sẹo, vụ việc được phơi bày ra ánh sáng khi người dân phát hiện và báo cho chính quyền địa phương đã khiến cho dư luận hết sức phẩn nộ về hành vi tàn độc của Trần Hoài Nam.

Theo nhiều nghiên cứu và thực tế cho thấy, hậu quả tác hại của bạo hành trẻ em để lại là rất lớn, nó không chỉ gây đau đớn về thể xác các bé, mà còn gây hoảng loạn tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ, những đứa trẻ bị bạo hành muốn hòa nhập lại được với xã hội thì bé phải trải qua một thời gian điều trị về tâm lý, cùng với tình cảm của gia đình, xã hội dành cho bé một cách đặc biệt hơn. Đối với những trẻ bị hành hạ dã man, trong thời gian dài sẽ có những suy nghĩ lệch lạc đối với xã hội và dễ bị các bệnh liên quan đến vấn đề thần kinh.

Theo thống kê của Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Còn số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ, trong đó có đến 23% số trẻ trên cho rằng mình đã từng bị bố mẹ đánh đập.

Căn cứ theo Luật Trẻ em 2016, tại khoản 6, Điều 4 đã quy định: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Nếu một người có hành vi vi phạm khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em thì có thể sẽ phạm tội ‘Hành hạ người khác’ được quy định tại Điều 140 hoặc điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Cố ý gây thương tích”, với mức phạt tù từ 01 đến 03 năm.

Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em như hiện nay, ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ sở nuôi dạy trẻ, kịp thời phát hiện những sai phạm và có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Riêng đối với các gia đình có con nhỏ đang gửi học tại các trường trên cần quan tâm chú ý những biểu hiện của trẻ, phát hiện vấn đề bất thường ở trẻ như sợ hãi, lo lắng, giật mình ban đêm, có những vết thương bên ngoài có dấu hiệu của bạo hành thì cần nhanh chóng làm rõ và báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Hãy cùng chung tay che chở và lên tiếng tố cáo những hành vi bạo hành trẻ em nhằm gìn giữ những hồi ức đẹp cho trẻ thơ, xây dựng một tương lai tốt đẹp cho các em.


Hồng Khanh