Kon Tum: Tăng cường các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động trên địa bàn tỉnh
Ngày 09/01/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 55/UBND-KGVX về việc tăng cường các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3235/UBND-KGVX ngày 28/9/2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và công tác bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố chủ động nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy của doanh nghiệp.
Rà soát, đánh giá tham mưu sắp xếp tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn để phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp và người lao động.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường các giải pháp nhằm duy trì sự ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, sắp xếp lao động phù hợp.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và công tác bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động tại địa phương.
Tăng cường các biện pháp ổn định quan hệ lao động; hỗ trợ các bên đối thoại, giải quyết các vấn đề quan hệ lao động phát sinh.
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Kêu gọi người dân, doanh nghiệp, người lao động chung sức, đồng tâm, hiệp lực tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt, vượt qua thách thức.
Đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh tiếp tục quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; đặc biệt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xây dựng, triển khai hiệu quả phong trào thi đua học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt đời trong công nhân lao động.
Tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nâng cao hiệu quả các hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.